Đây là một trong 20 loại hành vi mới được dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) quy định là tội phạm nhằm thể hiện tinh thần đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn.
Nên xử lý thật nghiêm
Chị Song Hà (quận Bình Tân, TP HCM) kể có lần khi đang đi trên đường, các xe chạy bình thường thì nhiều xe dừng lại đột ngột vì bị trúng đinh, suýt chút nữa các xe tông nhau. Người bị thủng bánh xe bắt buộc chấp nhận vá với giá 40.000-50.000 đồng/bánh vì chỉ có duy nhất chỗ vá xe gần đó.
“Một người khi tái phạm đến lần thứ hai chứng tỏ họ không ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, không thể chắc chắn họ sẽ không tái phạm lần 3, lần 4. Cần phải xử mạnh tay vì rải đinh không khác gì giết người” - chị Hà nói.
Anh Trung Trần (quận 8, TP HCM) cho biết: “Rải đinh là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nên phải xử lý nhanh gọn. Khung hình phạt đủ sức triệt tiêu nạn rải đinh”.
Cây đinh hình thoi "rơi" từ tay của một người xuống khu vực cầu vượt Sóng Thần. |
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng người rải đinh thường nghèo khó, muốn kiếm thu nhập, việc phạt tiền là không hợp lý. Thay vào đó, nên có hình phạt lao động công ích, bắt “đinh tặc” hút đinh trên các tuyến đường khác.
Anh Trọng Nhân (quận Thủ Đức, TP HCM) cho rằng: “Chấp nhận là không thể vì lợi ích cá nhân mà làm việc tiêu cực như vậy, nhưng mức xử phạt mới quá nặng nề”.
Quy định hiện tại chưa hiệu quả
Anh Phạm Chí Hùng (đội hút đinh quận 9, TP HCM) cho biết: “Nói là đinh tặc nhưng hiện nay đinh rải rất ít, thay vào đó là một hình thức mới là ba vớ - loại mảnh kinh loại vụn với nhiều kích thước khác nhau. Mình phụ trách tuyến xa lộ Hà Nội, mỗi lần đi hút chỉ được khoảng vài cây đinh nhưng kẽm, giăm sắt còn gọi là ba vớ thì rất nhiều”.
Theo anh Hùng, từ xưa đến nay chỉ thấy vài trường hợp “đinh tặc” bị bắt nhưng chỉ bị xử lý hành chính nhẹ chứ không bị phạt nhiều tiền hoặc phạt tù nên không thấy ai sợ. Quá trình theo dõi để bắt quả tang cũng rất khó khăn, vất vả.
Luật sư Lê Quang Vũ - Phó trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo - cho biết: “Theo pháp luật hiện hành, hành vi ném, rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông có thể bị xử phạt hành chính 5-7 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 5, điều 11 nghị định 171/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014”.
Trường hợp người rải đinh, vật sắc nhọn trên đường bộ tái phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng như làm thiệt hại về tính mạng người, gây cố tật hay hủy hoại tài sản lớn thì sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc tội cản trở giao thông đường bộ quy định tại điều 143 và điều 203 Bộ luật hình sự, với hình phạt tối đa có thể lên tới phạt tù chung thân và phạt tiền tới 100 triệu đồng.
Nạn nhân cán phải đinh trên quốc lộ 1. |
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết việc phòng chống tội phạm “đinh tặc” cần phải hết sức quyết liệt vì hậu quả của nó có thể đe dọa tới mạng người. Thực tế từng có trường hợp người tử vong vì cán phải đinh khi điều khiển xe.
Ông Hiệp đánh giá mức phạt hiện tại là không hợp lý vì theo điều 203 Bộ luật hình sự về hành vi cản trở giao thông đường bộ. “Tuy nhiên, mục đích của người rải đinh không phải muốn cản trở mà là muốn kiếm tiền. Mục đích khác nhau nên việc định tội danh rất khó” - ông Hiệp phân tích.
Nên tăng mức phạt tù cao hơn
Theo luật sư Hiệp, mức xử phạt theo dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi là chưa hợp lý vì thông thường người rải đinh là người có thu nhập thấp. Theo quy định pháp luật, nếu họ bị phạt 100-500 triệu đồng thì chắc chắn sẽ không có tiền nộp phạt và Nhà nước không thể đổi tiền ra năm tù được.
“Khi họ không có tiền thì hình phạt tiền không có ý nghĩa, họ không sợ. Mức phạt tiền trong trường hợp này là không cần thiết đến mức cao như vậy. Ngược lại có thể tăng hình phạt tù. Theo tôi, mức đầu tiên nên từ 1-5 năm, mức thứ hai từ 3-10 năm, mức thứ ba có thể lên đến 15 năm, 20 năm mới có thể răn đe” - ông Hiệp cho hay.
Một nắm đinh do người dân nhặt được trong vòng 15 phút. |
Dù khẳng định hành vi rải đinh, vật nhọn là rất nguy hiểm cần phải xử lý nghiêm khắc, tuy nhiên luật sư Vũ cho rằng không cần thiết phải quy định một tội danh riêng về hành vi rải đinh, vật nhọn ra đường.
Ông Vũ phân tích: “Phần giả định của một tội danh cần khái quát để có thể xử lý những hành vi tương tự. Nếu quy định hành vi rải đinh, vật nhọn ra đường là một tội danh riêng, vậy hành vi rải các vật tròn, tròn dài, vật gây trơn trượt ra đường cũng gây ra hậu quả tương tự như rải đinh vật nhọn thì xử lý thế nào?
Về mức phạt tiền theo dự thảo là quá cao và không khả thi vì đối tượng rải đinh là người nghèo, không có khả năng đóng phạt”.
Theo luật sư Vũ, không cần quy định tội danh riêng để xử lý “đinh tặc” mà chỉ cần sửa đổi, bổ sung thêm hành vi rải đinh, vật nhọn ra đường vào tội hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản và tội cản trở giao thông đường bộ quy định tại điều 143 và điều 203 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, cần trang bị camera trên đường để ghi hình “đinh tặc” và cơ chế xử lý nhanh chóng tin tố giác tội phạm từ người dân mới có thể phát hiện và xử lý triệt để loại tội phạm này.
Điều 270 dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) nêu rõ người nào cố ý đặt, rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ thì bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Nếu phạm tội từ 2 lần trở lên; trên các tuyến đường cao tốc; trên các đoạn đường đèo, dốc hoặc các đoạn đường nguy hiểm khác; Làm chết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù 2 - 5 năm.
Nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù 5 - 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng.