Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu HBC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bất ngờ rớt giá trên sàn chứng khoán. Đặc biệt, thanh khoản cổ phiếu chủ yếu là bị bán ra rất mạnh.
Nửa tháng, mỗi cổ phiếu giảm gần 16.000 đồng
Từ mức giá gần 64.000 đồng/cổ phiếu, đạt đỉnh trong lịch sử giao dịch của HBC vào giữa tháng 10, HBC bắt đầu lao dốc mạnh từ ngày 25/10. Thậm chí, trong 2 phiên 30/10 và 2/11, HBC còn giảm sàn, điều chưa từng xảy ra với HBC trước đây.
Đóng cửa phiên giao dịch 2/11, cổ phiếu HBC chỉ còn giá 48.100 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm gần 16.000 đồng/cổ phiếu chỉ sau nửa tháng. Cổ phiếu giảm mạnh đã khiến vốn hóa của Hòa Bình bốc hơi hơn 2.000 tỷ đồng.
HBC giảm sâu diễn ra trong bối cảnh “ông lớn” xây dựng này vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với đà tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ khiến cổ đông công ty và nhiều nhà đầu tư bất ngờ và lo lắng.
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Hòa Bình viết tâm thư gửi tới cổ đông và nhà đầu tư. Ảnh: HBC. |
Tin đồn bị Khaisilk xù nợ 2.500 tỷ đồng
Liên quan tới đà giảm giá của cổ phiếu HBC, Hòa Bình cũng đã cho biết nguyên nhân chính là từ những tin đồn thất thiệt về việc bị Khaisilk xù nợ 2.500 tỷ đồng và kết quả kinh doanh giảm sút...
Theo đó, trong thời gian qua, hàng loạt tin đồn liên quan đến hoạt động của Hòa Bình như bị Khaisilk xù nợ cho dự án đã thi công ở quận 7, TP.HCM với số tiền lên tới khoảng 2.500 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế quý III chỉ đạt 140 tỷ và không đòi được nợ của FLC Sầm Sơn, phải trích lập dự phòng thêm 40 tỷ nên LNST của quý sẽ rất thấp… được lan truyền trên các trang mạnh xã hội.
Nguyên nhân của các tin đồn này là do một số brokers (môi giới) tại một vài công ty chứng khoán dùng thủ đoạn này để trục lợi, thể hiện khá rõ trên diễn đàn F319 (diễn đàn chuyên về đầu tư chứng khoán) trong quý III vừa qua.
Trên thực tế, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Hòa Bình cho biết trong 3 tháng gần nhất, công ty đã thu về tổng cộng 4.203 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng mạnh 43% so với cùng kỳ năm trước. Khoản doanh thu tăng mạnh là nguyên nhân chính dẫn tới đà tăng 32% của lợi nhuận sau thuế đạt 238 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hòa Bình đạt gần 11.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 57% so với cùng kỳ và báo lãi ròng 784 tỷ đồng, tăng tới 88%.
Chủ tịch phải viết tâm thư trấn an
Trước tình hình giao dịch tiêu cực của HBC, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Hòa Bình đã phải viết tâm thư về cổ phiếu HBC và hoạt động kinh doanh của Hòa Bình.
Trong tâm thư, ông Hải khẳng định mọi hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hòa Bình đang diễn biến rất tốt theo đúng kế hoạch đã đề ra trước đó và không có bất cứ yếu tố gì có thể tác động bất lợi ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh 2017 của tập đoàn.
“Trong thời gian vừa qua xuất hiện một số tin đồn trên một vài mạng xã hội về tình hình kết quả kinh doanh quý 3 và sắp tới của Tập đoàn rất xấu là hoàn toàn sai sự thật. Thay mặt Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, một lần nữa tôi khẳng định mọi hoạt động sản xuất kinh doanh hoàn toàn ổn định và phát triển theo đúng kế hoạch, có thể nói là rất tốt”, ông Hải cho biết.
Doanh thu tăng nhưng khoản phải thu cũng tăng mạnh 1.825 tỷ đồng
Tuy nhiên, trong báo cáo của Hòa Bình cũng thể hiện một diễn biến. Các khoản phải thu ngắn hạn của công ty bất ngờ tăng 1.825 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong đó, bên cạnh một số khoản như phải thu ngắn hạn khách hàng giảm thì khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng bất ngờ tăng mạnh.
Cụ thể, đầu năm khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng của Hòa Bình là 2.900 tỷ đồng, thì đến cuối quý III đã tăng lên hơn 5.150 tỷ đồng, tăng ứng tăng gần 2.250 tỷ đồng.
Khoản này phản ánh số tiền khách hàng phải trả theo tiến độ kế hoạch và số tiền Hòa Bình phải thu theo doanh thu tương ứng với phần công việc đã hoàn thành do tập đoàn tự xác định của hợp đồng xây dựng dở dang.
Như vậy, không liên quan tới dự án nào của Khaisilk nhưng Hòa Bình cũng đang có khoản phải thu tại các dự án của mình lên tới hơn 2.250 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là khoản phải thu ngắn hạn mà Hòa Bình hạch toán vào báo cáo tài chính, không có nghĩa là khoản tiền Hòa Bình bị đối tác xù nợ.
Trước khi bước vào tuần giao dịch mới, cổ phiếu HBC đang ở 51.400 đồng/cổ phiếu, khi tăng trần trong phiên 3/11.