Du lịch biển đảo là một trong những sản phẩm du lịch cần tập trung phát triển. Ảnh: Tanya_catu96. |
Cụ thể, mục tiêu của Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành nhằm quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu, khả năng cạnh tranh của du lịch nước ta, góp phần thực hiện Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Định vị thương hiệu của du lịch Việt
Du lịch Việt Nam sẽ hướng đến củng cố, nâng cao sự nhận biết, hiểu biết, sự quan tâm, yêu thích và sự hài lòng đối với điểm đến du lịch; khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, chất lượng, bền vững, được lựa chọn hàng đầu tại các thị trường mục tiêu, đáp ứng nhu cầu khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.
Ngành du lịch trong nước cần làm nổi bật giá trị cốt lõi của thương hiệu gắn với tiềm năng, lợi thế quốc gia, bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc sắc, di sản lâu đời, con người nồng hậu, cảnh quan tươi đẹp, kết nối với yếu tố cảm xúc, tinh thần của khách du lịch nhằm đem lại các trải nghiệm du lịch độc đáo, nguyên bản, chân thực để định vị thương hiệu Việt Nam.
Với thị trường quốc tế cần kết hợp cả hai nhiệm vụ phục hồi các thị trường truyền thống và thu hút thêm các thị trường mới. Ảnh: Thanh Đức. |
Bên cạnh đó, tiếp tục quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam với tiêu đề và biểu tượng “Vietnam - Timeless Charm” đối với thị trường khách du lịch quốc tế và “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” đối với thị trường khách du lịch nội địa.
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phục hồi và phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9%/năm.
Đến năm 2030, con số này tiếp tục tăng và đạt mục tiêu đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng 13-15%/năm, phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa 4-5%/năm.
Đa dạng sản phẩm du lịch
Các nhóm sản phẩm cần tập trung phát triển gồm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các loại hình, sản phẩm du lịch mới như du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch công nghiệp, du lịch thể thao...
Đa dạng sản phẩm nhằm phục vụ nhiều yêu cầu của du khách như du lịch MICE, du lịch giáo dục, du thuyền, du lịch làm đẹp.
Chiến lược cũng đề cập đến việc cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam về các chỉ số liên quan marketing du lịch thuộc Bộ chỉ số đánh giá Năng lực phát triển du lịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Về định hướng thị trường khách quốc tế, trong giai đoạn 2022-2025, phục hồi các thị trường truyền thống kết hợp thu hút các thị trường mới nổi như Ấn Độ và các nước Trung Đông.
Giai đoạn 2026-2030 duy trì và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống: các nước Đông Bắc Á, châu Âu, khu vực ASEAN, Bắc Mỹ, Nga, châu Đại Dương.
Đồng thời, chiến lược cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho ngành du lịch. Trong đó, việc đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số là nhiệm vụ cần chú ý.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.