Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịp cuối năm đề phòng kẻ gian đột nhập 'khoắng' tài sản

Năm hết, Tết đến là thời điểm tội phạm lợi dụng sơ hở của người dân để trộm cắp tài sản với nhiều dạng chiêu thức hoạt động tinh vi, manh động.

Một trong những phương thức tội phạm thường áp dụng vào dịp cuối năm là đột nhập nhà dân để trộm cắp tài sản, gây ra những bất ổn về an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.

Gây án trong bóng đêm

Trung tuần tháng 1 vừa qua, nhà anh bạn tôi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội bị một nhóm người lạ “khủng bố” vào ban đêm. Lúc đó khoảng hơn 1h, anh bạn tôi phải trực ở cơ quan nên không về nhà và khi cả gia đình đang chìm trong giấc ngủ thì bỗng chuông cửa réo liên hồi.

Ông M., bố bạn tôi đã ngoài 70 tuổi, nghe chuông cửa réo đã bật đèn xuống xem có ai đến nhà vào lúc nửa đêm. Rất cẩn thận, ông nhìn qua lỗ tò vò của cánh cửa chính, nhưng tuyệt nhiên không thấy có ai bên ngoài. Lấy làm lạ, ông bỏ lên phòng ngủ nhưng không chợp mắt được nữa vì đã bị đánh thức lúc nửa đêm.

Sáng hôm sau, bạn tôi về đã kiểm tra lại camera an ninh và giật mình phát hiện trước đó mấy giờ đồng hồ, một số kẻ lạ đã xuất hiện tại khu vực trước cửa nhà anh và còn “kiểm tra” cửa nhà một số gia đình hàng xóm lúc nửa đêm.

Soi kỹ camera an ninh, bạn tôi phát hiện nhóm này có 3 nam thanh niên, mặt bịt kín mít bằng khẩu trang, đầu đội mũ bảo hiểm. Trước khi đến bấm chuông cửa nhà bạn tôi, nhóm này đã lảng vảng tại trước cửa nhà một số người hàng xóm xung quanh, với những biểu hiện nghi vấn bẻ khóa cửa để đột nhập trộm cắp tài sản.

Cũng theo bạn tôi kể lại, cùng thời gian này của năm 2017, nhà bạn tôi và nhà người hàng xóm liền kề đã bị kẻ gian dùng kìm thủy lực cắt khóa trong, đột nhập vào nhà lấy trộm 2 chiếc xe đạp điện trị giá hơn 10 triệu đồng… Vụ trộm vẫn đang được Công an quận Hoàng Mai thụ lý điều tra. 

Từ sự việc trên, một số chuyên gia phòng chống tội phạm đã đưa ra nhận định nhiều khả năng kẻ gian bấm chuông nhà người dân để "thử phản ứng" xem họ đã ngủ say chưa, rồi mới thực hiện ý định bẻ khóa đột nhập trộm cắp tài sản.

Nghe câu chuyện anh bạn tôi kể lại, tôi chợt giật mình nhớ lại vào một đêm cuối năm 2015, tại địa bàn xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Kẻ gian sau khi leo qua tường rào đột nhập vào bên trong nhà một hộ dân ở xã Canh Nậu để trộm cắp tài sản, nhưng đã bị gia chủ phát hiện.

Vì muốn thoát thân, tên tội phạm nguy hiểm đã rút dao nhọn đâm chết 2 bố con người chủ nhà… Vụ án đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội làm rõ thủ phạm. Tòa án nhân dân cùng cấp đã tuyên phạt kẻ thủ ác mức án cao nhất, nhưng dư âm của nó vẫn khiến ai biết đến đều bàng hoàng, kinh sợ.

Không thể chủ quan

Theo thống kê của Công an Hà Nội, trong tháng 1/2018, hoạt động của tội phạm xâm phạm sở hữu, nhất là trộm cắp tài sản giảm 17 vụ (10,3%) so với tháng 12/2017. Để kéo giảm được loại tội phạm này, Công an Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, phòng ngừa ngay từ đầu năm.

Qua công tác điều tra các vụ trộm cắp tài sản của lực lượng CSHS - Công an Hà Nội cho thấy phạm tội chủ yếu lợi dụng sơ hở tại các khu nhà trọ của sinh viên, người lao động tỉnh ngoài hay các hộ dân ở trong ngõ, khuất tầm nhìn để phá khóa cửa đột nhập vào bên trong trộm cắp tài sản, nhất là trộm cắp xe đạp điện, xe máy đắt tiền…

Đáng chú ý, vừa qua đã xảy ra 1 vụ trộm cắp 5 xe máy tại quận Hoàng Mai và 1 vụ trộm cắp 3 xe máy tại quận Hai Bà Trưng. Các vụ trộm cắp tài sản này đang được các đơn vị chức năng của công an thành phố điều tra, làm rõ.

Theo nhận xét của các trinh sát Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS - Công an Hà Nội, dịp cuối năm, tội phạm thường nhằm vào các gia đình neo người, hay tại các khu cho thuê trọ để hoạt động trộm cắp tài sản bằng phương thức đột nhập.

Mặc dù có gia đình làm cửa sắt, cửa inox dày, cửa cuốn có khóa trong, nhưng tội phạm sau khi “tăm tia” vẫn phát hiện ra sơ hở của người dân quên không cài lỗ thò tay mở khóa, hay khóa cửa cuốn quá yếu... để dùng kìm thủy lực luồn vào cắt phá khóa, hoặc tai khóa cửa.

“Điều đáng quan tâm nhất là tội phạm đầu trộm đuôi cướp, bởi lẽ qua một số vụ án đã xảy ra, khi tội phạm đột nhập được vào nhà dân và bị phát hiện, đã dùng hung khí như dao nhọn, tuốc nơ vít tấn công lại chủ nhà hòng thoát thân như đã xảy ra tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất” - trung tá Mai Văn Thuần, Đội trưởng Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS - Công an Hà Nội cảnh báo và đánh giá tội phạm trộm cắp tài sản nhà dân vào ban đêm rất nguy hiểm, mọi gia đình cần phải cảnh giác cao độ với loại tội phạm này, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Chia sẻ với người dân về các phương án phòng ngừa trộm đột nhập nhà dân vào ban đêm, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng CSHS - Công an Hà Nội nhấn mạnh: “Vấn đề trước tiên, mọi gia đình cần gia cố cửa nhà chắc chắn và lắp hệ thống camera giám sát an ninh, còi báo động để phát hiện kẻ gian hoạt động ngày cũng như đêm.

Tiếp đến, các hộ gia đình ở từng ngõ xóm, thôn làng cần nâng cao ý thức trách nhiệm vì cộng đồng, liên kết phòng chống tội phạm bằng cách chủ động phát hiện, ngầm báo cho nhau thông qua điện thoại các hiện tượng đối tượng lạ xâm nhập vào khu dân cư ban đêm, ban ngày và có những dấu hiệu phạm tội để kịp thời tổ chức phòng chống; đồng thời báo ngay cho lực lượng công an cơ sở để có biện pháp xử lý”.

Trưởng Phòng CSHS - Công an Hà Nội cũng khuyến cáo người dân khi phát hiện kẻ gian đột nhập vào nhà, cần bình tĩnh xử lý bằng cách đưa người thân vào một phòng có khóa cửa chắc chắn và tìm cách báo tin cho hàng xóm cũng như công an nơi gần nhất để có cách đối phó, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và những người trong gia đình.

http://anninhthudo.vn/phap-luat/dip-cuoi-nam-de-phong-ke-gian-dot-nhap-khoang-tai-san/757276.antd

Theo Hà Hoàng/An Ninh Thủ Đô

Bạn có thể quan tâm