Với tốc độ kiếm tiền hiện tại của Rogue One: A Star Wars Story, người ta có thể khẳng định rằng cả năm bộ phim ăn khách nhất tại phòng vé năm nay đều đến từ Disney.
Trước đó, lần lượt Zootopia, The Jungle Book, Captain America: Civil War cùng Finding Dory đều gây ra cơn sốt sau khi ra rạp và mang về cho họ tổng cộng 4,1 tỷ USD toàn cầu.
Điều thú vị ở đây là ngoại trừ Zootopia, tất cả đều không phải là ý tưởng gốc. Rogue One là phần ngoại truyện của Star Wars, Finding Dory là phần tiếp theo của Finding Nemo (2003), Captain America: Civil War là tác phẩm siêu anh hùng thứ 13 thuộc chuỗi Marvel Cinematic Universe, còn The Jungle Book đã là lần thứ ba Disney khai thác câu chuyện Cậu bé rừng xanh.
Trong lúc hàng loạt phim làm lại, phần tiếp theo khác của các đối thủ thất bại, thì Disney vẫn tạo ra được giá trị khác biệt với những điều có sẵn. Họ cho thấy khán giả vẫn còn muốn thưởng thức những gì quen thuộc và đánh đúng vào tâm lý thích hoài niệm của công chúng.
Rogue One: A Star Wars Story hoàn tất một năm đại thắng của Disney tại các rạp chiếu phim. Ảnh: Disney. |
Nhưng để đạt đến thành công vang dội như ngày hôm nay là chiến lược lâu dài của Disney.
10 năm trước, hai tác phẩm ăn khách nhất năm của họ là phần tiếp theo của Pirates of the Caribbean và phim hoạt hình Cars. Cách đây 5 năm, tình hình chưa có gì thay đổi với Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides và Cars 2. Đây đều là những bộ phim ăn khách, nhưng không đủ đưa Disney lên vị thế thống trị.
Đầu tiên, Disney tạo ra đột phá với xưởng hoạt hình Walt Disney khi liên tiếp trình làng các tác phẩm có chất lượng cao: từ Tangled (2011) tới Wreck-It-Ralph (2012), từ Frozen (2013) tới Zootopia năm nay.
Disney mua lại Marvel, qua đó nắm quyền sở hữu và phát hành các tác phẩm siêu anh hùng đến từ Marvel Studios. The Avengers (2012) là bước ngoặt quan trọng khi hàng loạt nhân vật đình đám như Iron Man, Captain America, Hulk, Thor… cùng xuất hiện trong một tác phẩm, mang về doanh thu lên tới 1,5 tỷ USD.
Giành quyền sở hữu Marvel và sau đó là Lucasfilm là hai nước đi tiên quyết mà Disney đã đạt được trong những năm qua. Ảnh: Disney. |
Chỉ vài tháng sau đó, Disney mua tiếp Lucasfilm, qua đó sở hữu hai thương hiệu Star Wars và Indiana Jones. Tất cả đều là những “cỗ máy in tiền” hiệu quả tại phòng vé khi chúng mang đến cho khán giả hàng loạt tác phẩm được khán giả mến mộ.
Một siêu anh hùng tầm trung như Người Kiến cũng có thể mang về nửa tỷ USD với Ant-Man (2015). Còn từ giờ đến 2020, mỗi năm sẽ có một phim Star Wars ra rạp.
Đánh mạnh vào từ khóa “hoài niệm”, Star Wars: The Force Awakens (2015) thu hơn 2 tỷ USD. Tập ngoại truyện Rogue One chẳng cần đến gia đình Skywalker vẫn khiến khán giả lũ lượt kéo nhau ra rạp để theo dõi những gì xảy ra trước tập A New Hope (1977).
Trên thực tế, đánh vào tâm lý hoài niệm luôn là chiến lược suốt bấy lâu nay của Disney. Họ từng chuyển thể nhiều câu chuyện cổ tích châu Âu như Cinderella hay Sleeping Beauty, xây dựng hàng loạt công viên liên quan tới các sản phẩm điện ảnh, khiến nhiều thế hệ khán giả lớn lên cùng chúng.
Nhóm tác phẩm trong năm 2017 giúp Disney có cơ hội tiếp tục duy trì vị thế thống trị trong lĩnh vực phát hành phim. Ảnh: Disney. |
Vị thế thống trị của Disney nhiều khả năng sẽ còn được nối dài trong năm sau, khi họ nắm trong tay phiên bản live-action của Beauty and the Beast, phần năm của Pirates of the Caribbean, phần hai phim siêu anh hùng Guardians of the Galaxy, phần ba của Cars, và phần tám của Star Wars.
Xưởng hoạt hình Pixar từng nhiều lần “nói không” với các phim phần tiếp theo. Nhưng Cars 3 thêm một lần nữa cho thấy họ đã thay đổi cùng Disney. Trong các năm tới, họ dự kiến trình làng tiếp những The Incredibles 2 và Toy Story 4. Về mặt kinh doanh, rõ ràng “nhà chuột” đã đúng.