Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Disney không cần lo lắng khi ‘Solo: Star Wars ngoại truyện’ lỗ nặng

Tập phim ngoại truyện mới của “Chiến tranh giữa các vì sao” có thể gây lỗ trên dưới 100 triệu USD. Song, “nhà chuột” hay bản thân thương hiệu không cần phải quá lo ngại.

Trailer bộ phim 'Solo: Star Wars ngoại truyện' Phần ngoại truyện của thương hiệu "Chiến tranh giữa các vì sao" xoay quanh thời trẻ tuổi của nhân vật Han Solo huyền thoại.

“Thất vọng” là cụm từ mà không ít fan ruột của Star Wars đã sử dụng khi nói về Solo: A Star Wars Story khi tác phẩm xa rời khỏi phong cách thường thấy của loạt phim chính. Đây rốt cuộc chỉ giống như một bộ phim phiêu lưu - hành động lấy bối cảnh ngoài không gian, mang yếu tố giải trí cao, như nhiều phim hè khác.

Sự thờ ơ của khán giả là có thật. Sau khoảng 10 ngày trình chiếu, doanh thu của Solo mới chỉ đạt hơn 260 triệu USD toàn cầu (khoảng 152 triệu USD đến từ quê nhà Bắc Mỹ).

Trước đó, quá trình thực hiện gặp nhiều trắc trở khiến dự án tiêu tốn của Disney và Lucasfilm tới 250 triệu USD. Giới quan sát nhận định dự án nhiều khả năng gây lỗ khoảng trên dưới 100 triệu USD.

Doanh thu sẽ kém cả những tập phim thập niên 1980?

Trên thực tế, Solo không phải là lần đầu tiên thương hiệu Star Wars gây thất vọng. Bộ ba phim tiền truyện của George Lucas ra mắt hồi đầu thế kỷ XXI cũng từng vấp phải vấn đề tương tự.

Star Wars: Episode I - The Phantom Menace (1999) bị chê bai đủ đường, nhưng vẫn thu tới hơn 1 tỷ USD tại phòng vé. Nhưng sang phần tiếp theo, Episode II - Attack of the Clones (2004), thành tích giảm sâu xuống hơn 649 triệu USD.

Bản thân chất lượng của tập hai vẫn chỉ ở mức trung bình, và bộ phim phải đối đầu với ba thương hiệu lớn khác tại phòng vé là Spider-Man, Harry PotterThe Lord of the Rings.

doanh thu Solo anh 1
Solo: A Star Wars Story có thể lỗ 100 triệu USD

Lúc này, Solo: A Star Wars Story gần như chắc chắn trở thành phim live-action Chiến tranh giữa các vì sao có doanh thu phòng vé thấp nhất toàn lịch sử thương hiệu. Cột mốc 200 triệu USD nội địa hiện vẫn là dấu hỏi lớn, bởi nhiều bộ phim bom tấn mới chuẩn bị đổ bộ ra rạp trong tháng 6, như Jurassic World: Fallen Kingdom hay Ocean's 8.

Nếu trong trường hợp không thu nổi 209 triệu USD tại riêng Bắc Mỹ, Solo thậm chí còn đứng dưới Star Wars: Episode V - The Empire Strikes Back hồi 1980, chưa tính thêm yếu tố lạm phát.

Hay nếu không thể thu 420 triệu USD toàn cầu, câu chuyện về thời trẻ tuổi của Han Solo sẽ xếp sau cả Star Wars: Episode VI - Return of the Jedi hồi 1983, dù cũng chưa tính yếu tố lạm phát.

Vấp ngã để thay đổi

Những con số từ Solo thực sự khiến fan của Star Wars buồn rầu. Song, bản thân thương hiệu, hay “ông chủ” Disney, có lẽ không cần phải quá lo lắng.

“Nhà chuột” năm nay vẫn đang kiếm bộn nhờ các tác phẩm siêu anh hùng Marvel, hay tới đây là The Incredibles 2 của xưởng Pixar. Một tác phẩm thất bại không thể khiến thế thống trị tại phòng vé của Disney lập tức bị lung lay.

Thử nhìn vào thương hiệu 007, chàng điệp viên tài hoa James Bond từng có những phi vụ thất bại tại phòng vé như The Man with the Golden Gun (1974), Licence to Kill (1989), hay thậm chí là Quantum of Solace (2008). Nhưng rốt cuộc, anh cũng chạm tới cột mốc 1 tỷ USD toàn cầu với Skyfall (2012).

doanh thu Solo anh 2
Khi mà ba tập phim gần nhất của Star Wars thu tới hơn 4,4 tỷ USD toàn cầu, thương hiệu chẳng cần phải lo lắng chỉ bởi một thất bại như Solo.

Solo: A Star Wars Story có lẽ nên được coi là một thất bại độc lập. Lucasfilm xem ra đã quá tự tin khi muốn đánh vào sự yêu mến mà khán giả dành cho Han Solo suốt nhiều năm qua, và đặc biệt sau khi nhân vật bỏ mạng ở Star Wars: Episode VII - The Force Awakens (2015).

Tuy nhiên, thay thế Harrison Ford đầy biểu tượng bằng Alden Ehrenreich còn non kinh nghiệm là nước cờ quá mạo hiểm. Chưa kể, việc phải thay đổi đạo diễn trong lúc phim chưa quay xong cũng khiến Solo nhận đủ mọi ánh mắt nghi ngại từ báo chí lẫn công chúng.

Và số tiền sản xuất của Solo bị trội lên cũng chính là do Ron Howard cần phải quay lại rất nhiều cảnh mà Phil Lord - Chris Miller đã ghi hình trước đó.

‘Solo’ và chiếc ghế đạo diễn đầy cạm bẫy của ‘Star Wars’

Việc một dự án lớn như “Solo: A Star Wars Story” sa thải đạo diễn khi còn chưa quay xong là điều thực sự hiếm thấy và khiến bộ phim vấp phải không ít hoài nghi trước giờ ra mắt.

Star Wars: Epsiode VII - The Force Awakens (2015), Rogue One: A Star Wars Story (2016) và Star Wars: Episode VIII - The Last Jedi (2017) đều vượt qua mức doanh thu 1 tỷ USD, với tổng thành tích lên tới hơn 4,4 tỷ USD. Trong đó, riêng phần VII thậm chí mang về tới hơn 2,06 tỷ USD.

Đó là ba thành công vang dội liên tiếp, và Solo chỉ giống như một cú vấp ngã để Disney và Lucasfilm nhìn nhận lại phương hướng xây dựng vũ trụ Chiến tranh giữa các vì sao, đặc biệt là sau khi Episode IX ra mắt vào cuối năm 2019.

‘Solo’: Tập phim ngoại truyện thú vị của ‘Chiến tranh giữa các vì sao’

Tác phẩm điện ảnh mới nhất của “Star Wars” là bộ phim phiêu lưu - hành động hấp dẫn, đậm tính giải trí. Song, nó gần như không đem lại bất cứ điều gì sáng tạo cho toàn thương hiệu.


Tuấn Lương

Ảnh: Disney

Bạn có thể quan tâm