Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đìu hiu du lịch Tây Nguyên

Lượng khách đến khu du lịch sinh thái Bản Đôn, các thác nước Dray Knao, Dray Nu, Dray Sáp Thượng, Krông Kmar chỉ còn trên dưới 100 lượt người/tháng.

Năm du lịch quốc gia 2014 có chủ đề Đại ngàn Tây Nguyên. Nhưng xung quanh Đà Lạt - thành phố nổi tiếng về du lịch, các tỉnh thành lân cận rất giàu có tiềm năng lại chưa đầu tư tương xứng vào ngành này, bỏ mặc nhiều danh thắng ngày càng xuống cấp, đìu hiu.

Dí điện bắt cá ở thác Đray Nao. Ảnh: Tiền Phong
Dí điện bắt cá ở thác Đray Nao. Ảnh: Tiền Phong

Tài nguyên bị quên lãng

Đến thác Thủy Tiên (xã Tam Giang, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) vào một bình minh trong xanh, chúng tôi chững lại trước hàng rào gỗ tạm bợ bao quanh khu du lịch. Đi sâu vào trong, chỉ đơn độc nếp chòi tôn chừng 20 m2 cho nhân viên bán vé kèm trông xe. Thác rất đẹp nhưng mùa khô chỉ khoảng 15 du khách mỗi ngày và lác đác vài người dân gửi xe vào rừng hái măng, làm rẫy. Còn mùa mưa hoàn toàn hoang vắng. Ông Nguyễn Văn Lộc - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Tâm Lộc - cho biết, công ty mới được giao quản lý thác này từ đầu năm 2014, đã dự kiến đầu tư làm cầu treo, khu ẩm thực, nhà nghỉ, tắm thác, mở tuor dã ngoại sinh thái... Nhưng còn chờ huyện thông qua quy hoạch tổng thể.

Huyện M’Đrắk có thác Đ’ray Nao cách thành phố Buôn Ma Thuột gần một trăm cây số, cảnh sắc rất thơ mộng nhưng tình hình cũng tương tự. Các công trình nghỉ dưỡng được một công ty lâm nghiệp trước đây bỏ vốn hàng chục tỷ đầu tư, giờ cũng rệu rã dần. Khi chúng tôi tới, chỉ thấy một nhóm thanh thiếu nhi đang dùng bộ xung điện chích cá suối cho nổi ngửa bụng, vớt nướng ăn.

Khu du lịch thác Trinh Nữ bị bỏ hoang. Ảnh: Tiền Phong
Khu du lịch thác Trinh Nữ bị bỏ hoang. Ảnh: Tiền Phong

Khu du lịch sinh thái - văn hóa Bản Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), vùng đất từ lâu nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng giờ chỉ lác đác mỗi ngày vài nhóm khách. Bãi cỏ đẹp ven sông thành nơi gặm cỏ của bò. Ông Vũ Minh Thoại - Trưởng phòng Văn hóa thông tin (VHTT) huyện Buôn Đôn cho biết, trước kia khu du lịch này được công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk đầu tư khá bài bản, nhưng từ khi cổ phần hóa thành công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Bản Đôn thì ngày càng xuống dốc, hiện rất khó khăn.

Tại đây, các quầy bán hàng giả hàng nhái tràn lan, đoàn khách nào cũng bị chèo kéo mua lông đuôi voi, nhẫn ngà voi, thần dược Ama Kông... giả. Tinh vi đến mức nếu du khách đến gần con voi, người nài voi ra vẻ bí mật ghé sát tai nói nhỏ: "Mua lông đuôi voi đi, nhổ 1 cái luôn nè". Nhưng lông đó thật ra cũng chỉ là đồ giả. Ông Nguyễn Đức, phụ trách Trung tâm du lịch Buôn Đôn khẳng định: "Ở đây công ty chỉ kinh doanh nhà hàng, cầu treo, cưỡi voi. Các hàng quán bày bán đồ lưu niệm xung quanh là của dân. Họ bán hàng nhái, hàng giả làm du khách mất niềm tin, xấu đi hình ảnh của địa phương, chúng tôi bị vạ lây nhưng chẳng thể làm gì!"

Thất vọng khi đến Buôn Đôn

Háo hức khi khởi đầu hành trình bao nhiêu thì khi đến tận nơi chúng tôi càng thất vọng bấy nhiêu. Có cảm giác như nơi đây không được đầu tư về du lịch.

Thác Trinh Nữ nằm trên dòng sông Sêrêpốk (thị trấn Ea T’ling, Cư Jút, Đắk Nông) vốn là một thắng cảnh nổi tiếng, do công ty TNHH Thương mại - Du lịch Đắk Nông quản lý. Thác gây ấn tượng cho du khách bằng dáng vẻ độc đáo của những khối đá bazan nguyên thủy hoang sơ, hấp dẫn như thể đá và cây cùng đua nhau mọc. Dòng thác đẹp này từ năm 2012 đến nay bị gắn tấm biển treo lủng lẳng: “Khu du lịch không đón khách”. Trong khuôn viên thác, khu nhà dài truyền thống dân tộc Ê Đê, nhà chòi khách nghỉ đã đổ nát. Do làm ăn thua lỗ, công làm thủ tục phá sản, giờ đang chờ nhà đầu tư khác. Ông Ngô Lãm - Trưởng phòng VHTT huyện Cư Jút - ca cẩm: "Đóng cửa dài hạn thác Trinh Nữ là quá lãng phí tài nguyên thiên nhiên!".

Sở Văn hóa - Thể thao-Du lịch Đắk Lắk cho biết, lượng khách đến khu du lịch sinh thái Bản Đôn, các thác nước Dray Knao, Dray Nu, Dray Sáp Thượng, Krông Kmar chỉ còn trên dưới 100 lượt người/tháng vì cảnh quan bị phá vỡ do thủy điện dày đặc trên sông Sêrêpốk. Sở Công Thương Đắk Lắk từng tham mưu phương án xây dựng đập giữ nước cho thác, nhưng chưa khả thi.

Giải pháp còn nằm trên giấy

Ông Phạm Tâm Thanh - Phó giám đốc sở VHTTDL Đắk Lắk - cho rằng các điểm du lịch như Bản Đôn, Buôn Trí, Hồ Lắk... lâu nay chỉ khai thác, đầu tư manh mún, chắp vá, chưa tạo được sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù, có lợi thế cạnh tranh.

Vì sao khách Tây đến Sapa có xu hướng giảm?

Từ khi đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai thông xe, lượng du khách đổ về Sapa dịp cuối tuần ngày càng đông. Sapa xô bồ hơn, đây là một trong những lý do khiến khách Tây giảm.

Ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong định hướng phát triển, các địa phương phải tập trung xây dựng sản phẩm du lịch theo lợi thế riêng, tăng cường sự liên kết giữa các vùng, liên thông với các tỉnh biên giới... Tổng nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch hơn 60.270 tỷ đồng - gồm vốn ngân sách, ODA, FDI, vốn huy động doanh nghiệp...

Tuy nhiên, để thực hiện quy hoạch trong tương lai, việc bảo tồn voi, bảo vệ rừng, bảo vệ danh thắng, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa trên Tây Nguyên cần được đặt lên hàng đầu. Nếu cứ tiếp tục để doanh nghiệp “ăn xổi” bên cạnh đủ các loại “lâm tặc” tàn phá tài nguyên như thời gian qua, voi lại già chết dần thì Tây Nguyên khó trở thành là điểm đến hấp dẫn như kỳ vọng. Và tiềm năng du lịch Tây Nguyên sẽ mãi lặng lẽ như những nàng tiên say ngủ giữa rừng!

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/diu-hiu-du-lich-tay-nguyen-786657.tpo

Theo Hoàng Thiên Nga - Nguyễn Thảo/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm