Nằm trên đường Cù Lao, quận Phú Nhuận, TP HCM, quán cà phê Pink Rabbit gây chú ý người đi đường bởi biểu tượng của cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới). Chủ quán là Nguyễn Ngọc Huy, (39 tuổi), làm nghề DJ. Trước đây, quán dành cho giới văn phòng. Một tuần nay, nơi này chính thức là điểm đến của những người giới tính thứ 3.
Logo quán và biểu tượng của cộng đồng LGBT. |
8 năm ấp ủ
Huy qua Mỹ học tập từ năm 13 tuổi. Một lần, bạn thân nói với anh: "i'm gay!” (mình là người đồng tính). Anh trả lời: "Vậy là ngày mai chúng ta nghỉ chơi nhau sao?".
Thời gian sau, anh tham gia nhiều lễ hội do cộng đồng LGBT tổ chức như Halloween, Noel… Anh cũng từng cầm lá cờ sáu sắc tham gia lễ hội Gay Pride ở thành phố San Francisco, Mỹ.
Nguyễn Ngọc Huy. |
"Đó là trải nghiệm tôi không bao giờ quên. Xuyên suốt cuộc đời, tôi có nhiều kỷ niệm cùng trải qua với cộng đồng LGBT. Những lúc tôi khó khăn nhất, bạn bè, cộng sự là người đồng tính luôn bên cạnh, động viên và giúp đỡ", anh chia sẻ.
Năm 1996, Huy về Việt Nam theo nghề DJ, song song đó anh luôn ấp ủ dự định mở quán cà phê dành cho cộng đồng LGBT. Với sự giúp đỡ của bạn thân, sau 8 năm, mong muốn của anh trở thành hiện thực.
Nam DJ bày tỏ: "Không ai có quyền lựa chọn giới tính khi vừa sinh ra. Chúng ta có thể khác biệt nhưng hoàn toàn bình đẳng. Tuy vẫn còn nhiều ánh mắt kì thị, định kiến của xã hội nhưng tôi nghĩ rằng họ không cần sự thương hại hay thừa nhận từ bất kỳ ai để sống đúng với con người thật. Thế nhưng, họ cũng như mọi người, đều cần sự sẻ chia. Đó là nguyên nhân tôi mở quán cà phê này".
Huỳnh Minh Thảo (Giám đốc truyền thông của ICS - tổ chức về cộng đồng LGBT tại Việt Nam) đến chung vui trong ngày khai trương quán. |
Tôi chuẩn men 100%
Lập gia đình từ năm 2000, hiện anh Huy sống cùng vợ và hai con. Mở quán cà phê cho cộng đồng thế giới thứ 3, nên mọi người nghi ngờ giới tính của anh. Thậm chí, Huy từng được các chàng trai tỏ tình. Anh đính chính "tôi chuẩn men 100%".
Tuy nhiên, không phải lúc nào anh cũng có kỷ niệm đẹp với người đồng tính. Anh kể: "Từng có một anh chàng gay tỏ tình với tôi và tất nhiên bị tôi từ chối. Sau đó, người này lại đi nói xấu tôi bằng những câu từ rất khó nghe ở khắp nơi. Tốt – xấu, ở đâu cũng có, vậy mới là cuộc sống. Tôi không bao giờ lấy một cá nhân ra để quy chụp lên số đông, như thế là thiển cận và tư duy hạn hẹp".
Nhiều ý kiến cho rằng, Huy ưu tiên người LGBT vào làm việc tại quán. Anh quan điểm: "Tôi thấy họ đủ yêu cầu và đáp ứng những việc tôi cần. Nói như vậy không có nghĩa là người LGBT giỏi hơn người dị tính. Bởi vì điều đó vô nghĩa và không căn cứ.
Tuy nhiên, tôi cảm nhận được là ở một số lĩnh vực, họ vượt trội hơn so với người dị tính. Chẳng hạn như nghệ thuật và phục vụ khách hàng. Họ có tính thẩm mỹ cao, nhạy cảm với sự khác biệt và linh động khi tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng".
Cũng theo Ngọc Huy, cộng đồng LGBT chịu nhiều kỳ thị và sống ẩn mình. Dù vậy, họ luôn tìm mọi cách để có thể thể hiện con người thật. Và nghệ thuật là phương tiện tốt nhất.
Quán thường xuyên tổ chức các buổi văn nghệ, giao lưu các thành viên trong cộng đồng. |
Huy cho biết, "sự nam tính" của con trai đôi khi "giết chết" khả năng cảm thụ cái đẹp của họ. "Không phải ngẫu nhiên khi hầu hết các nhà thiết kế thời trang lừng danh đều là đồng tính nam. Họ nắm bắt cái đẹp cũng như sáng tạo ra nó", anh nói.
"Dù bạn khác biệt, nhưng hãy yêu thương bản thân mình. Bởi vì không làm điều đó thì đừng yêu cầu người khác phải làm thay mình", quan điểm của Huy về cộng đồng LGBT.