Đại tiệc bikini tại một hồ bơi ở Hà Nội đã kết thúc cách đây nhiều ngày nhưng những tranh cãi về nó vẫn chưa dứt. Nhiều người cho rằng, việc hàng trăm bạn trẻ mặc đồ bơi cùng vui chơi trong bể chật hẹp là phản cảm, phản ánh lối sống thác loạn.
Nhưng cũng không ít người cho rằng, dư luận đã quá khắt khe khi đây chỉ là hoạt động vui chơi giải trí trong mùa hè của giới trẻ, không nên đem văn hóa truyền thống để phán xét.
Được coi là “linh hồn” của đêm nhạc bikini, DJ Trang Moon cũng có những chia sẻ riêng về sự kiện giải trí gây tranh cãi này.
Hình ảnh các thiếu nữ mặc bikini vui đùa trong bữa tiệc âm nhạc gây ra nhiều tranh cãi. |
- Là DJ chính trong bữa tiệc âm nhạc tối 15/5 vừa qua, bạn thấy sao về không gian và cảm xúc của các bạn trẻ trong đêm đó?
- Đêm nhạc sôi động và bùng cháy hơn mình tưởng. Không gian náo nhiệt và mọi người đều hưởng ứng nhiệt tình. Lúc đó, mình rất hạnh phúc vì được mọi người cổ vũ hết mình, hò hét vỗ tay theo điệu nhạc. Mặc dù, lúc mình xuất hiện, mọi người đã thấm mệt vì những trò chơi trước đó.
- Có khá nhiều ý kiến cho rằng, hình ảnh các bạn gái mặc bikini nô đùa trong hồ bơi chật hẹp cùng nhiều nam giới không được "vừa mắt", không hợp với thuần phong mỹ tục, bạn nghĩ sao?
- Vậy không biết những người đó khi đi biển hay đến bể bơi sẽ mặc gì nhỉ? Hoặc là khi họ nhìn thấy trai gái, thậm chí những người ở tuổi trung niên mặc áo tắm đi bơi hoặc dạo chơi trên bãi biển họ có thấy “nhức mắt” không?
DJ Trang Moon chia sẻ về phản ứng của dư luận. |
Tất cả những người có mặt ở hồ bơi trong tối đó đều coi nhau như bạn. Họ vui chơi, thoải mái, giảm nhiệt giữa mùa hè nóng bức giống như việc đi biển hay công viên nước.
Mình không có ý kiến gì vì mỗi người có một cách nghĩ riêng. Mình tin rằng, những ai yêu quý sẽ hiểu mình đang làm việc nghiêm túc.
- Nhiều người cho rằng, trò chơi có nguồn gốc từ nước ngoài này không nên du nhập vào Việt Nam vì nó không phù hợp với văn hóa người Việt?
- Nếu không phù hợp với văn hóa thì đã chẳng có nhiều người hưởng ứng như vậy. Mình không hiểu sao cứ mỗi lần giới trẻ có trò chơi gì đó lạ lạ một chút là lại bị dư luận đem văn hóa truyền thống vào áp đặt rồi “hòa nhập chứ không hòa tan”.
Người Việt mình coi trọng sự tinh tế và kín đáo. Nhưng như vậy không có nghĩa là phải mặc quần bò, áo sơ mi đến hồ bơi. Ăn mặc, vui chơi làm sao cho phù hợp với hoàn cảnh, mọi người xung quanh là có văn hóa rồi. Mình nghĩ vậy.
- Cũng có nhiều người so sánh hình ảnh giới trẻ vui chơi trong bữa tiệc mùa hè với vụ “vỡ trận” công viên nước hồ Tây vừa qua, rằng đó là nơi để nhiều nam thanh niên lợi dụng quấy rối, sàm sỡ các thiếu nữ? Và sẽ có rất nhiều mối nguy hiểm bủa vây họ?
- Mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Đại tiệc mùa hè là chương trình được tổ chức chuyên nghiệp, kiểm soát nghiêm ngặt về an ninh nên giới trẻ vui chơi rất lành mạnh, không có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.
Rõ ràng, chương trình đã thành công, thu hút nhiều khách tham dự và khi ra về, ai nấy đều vui vẻ. Ở đây đâu có chuyện trèo rào, chen lấn hay xô đẩy. Hay họ đang so sánh ở khía cạnh đặc biệt nào đó mà mình không biết?
- Vậy bạn quan niệm thế nào về ranh giới giữa phóng khoáng và thác loạn, bầy đàn? Kiểu vui chơi tập thể trong trang phục và môi trường như vậy liệu có được cho là thác loạn?
- Khi người ta thoải mái trong cảm xúc nhưng vẫn đúng mực và lịch sự thì đó là phóng khoáng. Còn lúc bất chấp mọi thứ từ chuẩn mực xã hội đến đạo đức cá nhân chỉ để đổi lấy chút niềm vui nhất thời mới là thác loạn.
Mình khẳng định lại, đây là sự kiện giải trí lành mạnh. Cách ăn mặc cũng phù hợp với hoàn cảnh. Mình nghĩ không nên dùng từ thác loạn, bầy đàn ở đây.
- Đây không phải là lần đầu tiên tiệc bikini được tổ chức tại Hà Nội nhưng lần này lại khiến dư luận lên tiếng. Theo Trang tại sao lại vậy?
- Đơn giản vì những chương trình trước đó có quy mô nhỏ, lượng khách không lớn. Còn chương trình này được tổ chức chuyên nghiệp, thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia nên được mọi người “quan tâm", "mổ xẻ” cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, “mổ nhiều thì thành xẻ” và “xẻ” quá thì không hay chút nào.