Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đỗ Bảo: 'Tôi bất thường khi 15 tuổi'

"Cảm giác lúc ấy giống như mình vừa được trải qua một khóa học mà chỉ mình hiểu, hoặc chỉ những ai đã từng trải qua như tôi mới hiểu" - nhạc sĩ của 'Bức thư tình thứ nhất' chia sẻ.

Đỗ Bảo: 'Tôi bất thường khi 15 tuổi'

"Cảm giác lúc ấy giống như mình vừa được trải qua một khóa học mà chỉ mình hiểu, hoặc chỉ những ai đã từng trải qua như tôi mới hiểu" - nhạc sĩ của 'Bức thư tình thứ nhất' chia sẻ.

Đỗ Bảo hay ngồi mấy quán cà phê Hà Nội, lúc thì cà phê Lâm trên đường Nguyễn Hữu Huân, thoắt lại thấy anh lang thang ở phố Nhà Thờ. Anh chả bao giờ hòa nhập với cái làng nghệ sĩ “thảm đỏ, đêm hội với giải thưởng”.

Trải qua khoá học "bi quan", nhận bằng tốt nghiệp "biết sống lạc quan"

- Anh bắt đầu thấy mình trưởng thành khi nào?

- 19, 20 tuổi, khi đó tôi cảm thấy cuộc sống của mình thay đổi rất nhiều. Còn trước đó, tôi vui theo cách phổ thông như đám bạn cùng lứa. Vì 14, 15 tuổi tôi bắt đầu đi đánh nhạc ở vũ trường nên cũng biết cách giải trí những cái ngày tháng ấy. Ví dụ thanh niên thời đấy cũng đi vũ trường, bar, uống bia, rượu, hay đi hát karaoke, đi uống trà đêm, đi picnic.

Đến năm 19 tuổi, theo chủ quan, tôi thấy mình già hơn các bạn mình. Không phải do tôi đọc sách nhiều nhưng có thể do mình đi làm, bắt đầu kiếm ra nhiều tiền trong khi đó bạn bè mình đa số là vẫn đang đi học. Dần dần, tôi thấy ít điểm chung với bạn bè đồng niên.

Đỗ Bảo: 'Tôi bất thường khi 15 tuổi'

Khi thấy mình không giống bạn bè, ít nhiều mình cảm thấy như một cú sốc, nó khiến tôi phải tìm kiếm những người bạn ở lứa tuổi khác để thay thế, chia sẻ. Điều này cũng là nhu cầu tự nhiên của tâm hồn thôi.

Tôi bất thường khi 15 tuổi kiếm được rất nhiều tiền mà tiêu không hết. Rồi 18 tuổi tôi ra thuê nhà ở riêng, vì thấy mình lớn rồi. Tôi bắt đầu có lý tưởng trong cuộc sống, có mong muốn cụ thể. Muốn trở thành người đánh nhạc, viết nhạc hay người phối khí, nghĩa là có một mục tiêu lớn vào thời điểm đó. Tôi nghĩ đến lúc mình phải sống độc lập thì mình mới làm được. Chính cái ước muốn sống độc lập ấy, ít nhiều nó cũng làm cho mình cô độc đi. (cười)

- Khi ấy cậu thanh niên Đỗ Bảo có chia sẻ được với cha mẹ, anh em trong gia đình về những ước mơ của mình không?

- Có chứ. Gia đình tôi từ thời ông bà đã rất có nề nếp, truyền thống và tương đối phong kiến. Chẳng hạn đến bây giờ bố mẹ vẫn gọi tôi là cậu, xưng tôi. Trong một cái gia đình như thế thì không thể tránh khỏi mọi bước đi đều có sự chi phối rất lớn từ cha mẹ cũng như sự ủng hộ từ gia đình.

Bố mẹ tôi không học nhạc, không sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ mà là tiểu thương bán thuốc Đông Y ở Phố Lãn Ông, nhưng bố mẹ có cách suy nghĩ và đầu tư cho con cái rất văn minh.

Họ hy sinh hết lòng từ thời gian, công sức, tâm trí, tiền bạc cho con ăn học. Trong những hoàn cảnh khó khăn, để ba cậu con trai được học tới nơi tới chốn. Ở vào giai đoạn kinh tế khó khăn, việc lo cho các con như thế không phải chuyện đơn giản

Các cậu con trai với bố thường có một bức rào cản vô hình nào nó, không dễ thân thiết như với mẹ được, nên ba anh em tôi rất thân với nhau, thân với mẹ hơn với bố. Với mẹ tôi cũng chia sẻ ở chừng mực nào đó, khi trưởng thành, mình cũng sẽ e dè hơn. Nhưng trong gia đình chúng tôi vẫn trò chuyện rất thân mật, bố mẹ rất tôn trọng các con và rất yêu các con.

Đỗ Bảo: 'Tôi bất thường khi 15 tuổi'

- Vậy điều gì khiến anh bị trầm cảm trong suốt 2 năm?

- Nói trầm cảm thì có vẻ như hơi quá! Giai đoạn đó tôi đi chơi nhạc hàng đêm ở các vũ trường liên miên rồi bị đau tai, đau đầu kéo dài. Tôi cảm thấy nghe nhạc nó ồn, khiến tôi quá mệt. Khi ấy nếu đi đường nghe một cái âm thanh rất nhỏ nhưng mà nó lại quá to với mình, nó bị phóng thanh lên. Nhưng đấy là lựa chọn của tôi, tôi phải tự tháo gỡ từ từ chứ không phải do mình không chia sẻ được với gia đình mà mình bị cô độc và trầm cảm sâu hơn hay gì. Tất nhiên khi ấy, bố mẹ cũng rất lo lắng và chăm sóc cho tôi.

- Trạng thái của anh khi ấy thế nào?

- Chán chứ! Ai mà chả chán! Bi quan nữa, nhưng sự bi quan ấy mình đã trải qua lại thấy nó đem cho mình một ý nghĩa rất lớn. Đó là một giai đoạn rất đẹp trong cuộc đời của tôi.

- Đẹp?

- Vì nỗi buồn đó, sự hẫng hụt, bi quan cực điểm ấy dậy cho tôi không được nản chí. Cũng như đừng bi quan mà để mình rối trí, đừng bị đọa vào những vũng lầy cuộc sống mà không thể trở lại được bình diện xanh tốt của cuộc đời.

Mình phải lạc quan và hy vọng, như thế sẽ không có ngày nào mình sống vô ích cả. Chứ nếu mình cứ cảm thấy mình vô dụng, chẳng làm được cái việc gì, dần dần cả cuộc đời sẽ là con số 0.

Quan điểm của tôi là: Có thể để mình bi quan một số ngày để nó dạy cho mình hiểu rằng mình cần phải có ý chí vượt qua. Như vậy, tự nhiên đến một ngày đẹp trời, mọi thứ sẽ bừng sáng trở lại. Ngày đó, tôi thực sự đã cảm thấy nó bừng sáng.

Tôi cảm thấy mọi thứ rất tuyệt vời như tôi vừa chiến thắng một điều gì đấy. Ngày chiến thắng đó như một ngày độc lập và tôi sẽ phát triển hơn. Tôi cảm thấy một tương lai rất rộng lớn mà mình nắm chắc trong tay. Cảm giác lúc ấy giống như mình vừa được trải qua một khóa học mà chỉ mình hiểu, hoặc chỉ những ai đã từng trải qua như tôi mới hiểu.

Khóa học đó khiến cuộc sống của tôi sau đó rất thông suốt, tôi không bao giờ cảm thấy bế tắc quá lâu về một vấn đề nào nữa. Tôi có thể tự tin nói như vậy. Đó là lý do tại sao sau này tôi cảm thấy nó rất là đẹp, một số sáng tác ở album đầu tay là tôi đã viết trong những ngày tháng ấy.

Với Hà Trần, là một mối liên hệ khác tình bạn

- Anh làm album "Cánh cung", đó là định hình về một chàng trai trẻ Đỗ Bảo?

- Cánh cung đánh dấu một bước quan trọng, tôi thực sự sống với ước mơ của chính mình và không phải là của ai khác. Tôi bắt đầu thưởng thức, trải nghiệm điều tôi từng mong muốn.

Trước Cánh cung, trước tuổi 26, tôi thấy mọi thứ trong suy nghĩ còn tản mát, nó không hội tụ để mình nắm bắt và làm chủ nó, thì Cánh cung là khởi đầu cho sự trưởng thành của người đàn ông, nó khiến tôi thấy rằng mình đã trưởng thành, đã tương đối cứng cáp, là lúc đã có một con đường riêng rồi mình cứ thế tiếp tục.

- Khi người ta trẻ, người ta yêu mãnh liệt không?

- Tôi nghĩ là mình cũng sống như mọi người thôi, không chắc là có một cái gì khác. Với cái tuổi đó người ta yêu rất mãnh liệt. Bản năng con người là thế! Yêu là phải cuồng nhiệt, vượt qua tất cả mọi thứ.

- Với các nhạc sĩ, mỗi tình khúc đều thấp thoáng một bóng hồng. Riêng anh thì sao?

- Tôi thấy là bài hát nào thì cũng có bóng hồng thôi. Đã viết về tình yêu nhất là tình yêu của người trẻ thì ông nghệ sĩ nào cũng phải dựa trên những chất liệu, những chất xúc tác nào đó. Nhắc đến bài hát nào đấy của mình, tôi cũng sẽ nghĩ đến một người nào đấy, một cái nơi nào đấy, một cái thời điểm nào đấy.

Tuy nhiên thì như thế này, bóng hồng nghe có vẻ cứ như họ phải là người yêu của mình. Thực ra, nhiều người chỉ lướt qua cuộc sống của mình, khi đi vào tác phẩm nó lại dệt nên những cảm xúc khác. Ví dụ thế này, chất xúc tác chỉ là một sợi chỉ đẹp nhất trong tấm thảm, và sợi chỉ đó quan trọng nhất để người ta nghĩ đến việc sẽ dệt một tấm thảm.

- Có thông tin anh viết tặng ca sĩ Hà Trần hai ca khúc trong album "Cánh cung"?

- Tôi hiểu mọi người đều nghĩ rằng nếu tôi nói mình tặng một ai đấy thì nghe chừng có vẻ thú vị, việc này gây cho mọi người tò mò. Tôi cảm thấy lúc này mình còn trẻ không nên và cũng ngại nói những chuyện ấy, nó gây phiền hà cho cuộc sống của nhiều người, và thường là không công bằng với ngay cả người mình ca ngợi họ.

Khái quát thôi, thời đó những cái cảm tính cảm xúc của một cậu thanh niên, một cô gái ở cái tuổi đó thì họ có khuynh hướng như thế nào nhỉ? Giống như là cái ăng-ten vươn ra để thu nhận tất cả tần sóng phù hợp với mình. Ai cũng vậy thôi. Thế nên, bạn bè dựa trên những chuyện đó ghán ghép, trêu đùa, lấy vui là chính. Còn tôi nghĩ, tôi với cả Trần Thu Hà có một tình cảm khác với tình bạn nhưng cũng không phải là tình yêu, chắc là một người đồng nghiệp đặc biệt.

Chúng tôi chơi với nhau từ nhỏ, có chung một thế giới âm nhạc tương đối đẹp đẽ nên nó khác các mối quan hệ khác, như là chị có một thế giới chung với một người bạn nào đấy, cái thế giới chung mà chỉ có chị với người bạn đấy biết thôi.

- Sau này hai người còn cái thế giới chung đấy với nhau nữa không?

- Tôi nghĩ là một lúc nào đó chứ không phải bây giờ, vì cái thế giới đấy nó luôn luôn tồn tại. Tôi nghĩ trong giới âm nhạc có rất nhiều đôi bạn nghệ sĩ như vậy.

- Cũng nhiều người cho rằng "Cánh cung" là một thời của đam mê, một thời của người trẻ ngông nghênh, thời của hồn nhiên tươi trẻ?

- Với tôi tuổi trẻ bao giờ nó cũng đẹp nhất, bao giờ cũng phát huy những cái gì hay nhất. Có một ai đó đã từng nói: Nghệ thuật là cái cuộc chơi của tuổi trẻ chứ không phải của người già. Mà cái trẻ trong những lời nói của người trẻ ấy khi mà họ yêu, có thể họ rất đần độn, có thể họ nói những câu rất ngớ ngẩn, nhưng đấy là cuộc chơi của họ và cuộc chơi ấy nó còn hay mãi.

Người ta sau này lớn lên nếu mãi giữ được tâm hồn như vậy thì rất tuyệt! Còn nếu già đi, cằn cỗi đi thì chán lắm! Lúc đấy, nói những câu nó đúng đắn hơn, nó minh triết hơn, nhưng mà những thứ đấy để làm gì đâu, kiến thức, lý thuyết thì vô tận lắm.

Những thứ minh triết của cuộc sống, những điều uyên bác kia chẳng có ý nghĩa gì cả. Nó không bằng một phần rất đần độn của cái tuổi trẻ, cái sự ngông nghênh và cái sự hồn nhiên đấy. Người ta có thể già về tuổi đời, nhưng tâm hồn chai sạn, xơ cứng thì thật chán.

- Vậy con người Đỗ Bảo của những năm tháng ngông nghênh cũ và Đỗ Bảo của ngày hôm nay, anh thích con người nào hơn?

- Tôi thích giai đoạn người ta trẻ và đang trưởng thành, vừa trưởng thành. Vì nhiều lý do nhưng tôi cho quãng thời gian ấy hội tụ nhiều nhất vẻ đẹp thực sự trong cuộc sống.

Bây giờ bạn bè cùng lứa tôi, họ hiểu biết và lại suy nghĩ hoàn toàn già dặn, nhiều điều tôi ngỡ ngàng rằng tôi không thể nghĩ hay làm như họ được. Nhiều người đã lớn và phát triển tiếp, già nua đi tiếp (cười!) Tôi cũng không thể tránh được sự già nua về mặt thể xác chẳng hạn, nhưng tôi luôn hướng tâm tư mình về tuổi trẻ.

- Nhưng với "Thời gian để yêu" người ta cho rằng Đỗ Bảo đang hưởng thú vui điền viên với vợ đẹp, con ngoan, nên các sáng tác của anh không còn sự ngông nghênh của cái tôi 20 nữa?

- Tôi không thể hư cấu trọn vẹn cái gì cả, cuộc sống của tôi như thế nào, tôi viết ra như thế! Chứ không thể như 17, 18 tuổi, còn đang yêu điên cuồng thì tôi không còn như thế nữa. Tôi vẫn có những cái già đi, có những cái nhìn nhận khác, có những kinh nghiệm khác. Mình không còn hồn nhiên trọn vẹn như lúc còn trẻ nữa, mình không thể nào dối mình được.

Và album này là một cái sản phẩm tự nhiên mà ở giai đoạn đấy, tôi cần phải viết như thế thì tôi mới thỏa mãn với mình, nó đúng với mình.

- Nhưng liệu nó có mất đi cái Tôi - Đỗ Bảo - Thời trai trẻ trong âm nhạc không?

- Làm sao mà mất? Nếu đánh giá như thế là vì chị đang thành kiến. Thành kiến dựa trên chính những cái hiểu biết của chị về một nghệ sĩ nào đấy, rằng: anh này lấy vợ rồi, anh này có con rồi, không còn phải lông bông nữa, anh sống yên bình quá đâm ra viết nó sạch sẽ …

Tôi nghĩ rằng: Những nhận xét từ những thành kiến đấy chỉ là của ngày hôm nay. Chúng sẽ thay đổi khi tôi già đi, chị già đi, một thế hệ khác sẽ nghe, khi ấy những nhận xét đó sẽ đúng hơn.

Thế giới của mỗi cặp vợ chồng, đều có thiết kế riêng

- Nhìn từ bề ngoài, tôi thấy anh là một người đàn ông rất đơn giản trong giới showbiz ngày nay. Tôi từng thấy một anh đạo diễn trẻ đi xe xịn như khẳng định đúng thương hiệu của anh ta. Hay, có khi gặp một anh nhạc sĩ trẻ, vận bộ đồ hàng hiệu, tay xách một chiếc túi mầu đỏ khá điệu đà. Hay, tôi có biết một anh nhạc sĩ nữa xây trang trại, biệt thự cả triệu đô vùng ngoại ô… Còn anh, dường như không màng đến những điều đó?

- Tôi biết rằng mình cũng có những cái mạnh nhưng có cực kỳ nhiều hạn chế. Ra đời, mình đâu có bằng ai. Đặc biệt, tôi chẳng là gì nếu so sánh về khả năng kiếm tiền, vị thế quyền lực. Tuy thế, vấn đề vẫn là quan niệm hạnh phúc, thành đạt của mỗi người, ai quan niệm sao thì gắng lo đến đó.

Tôi cũng tin vào số phận, mình nên thoải mái thôi, có những đời sống không phải của mình thì không nên để ý mà đau khổ (cười!). Hơn nữa, tôi nghĩ mình là người may mắn! Thứ nhất có một nền tảng gia đình tốt, thứ hai là từ công việc, đam mê, tôi làm và sống với việc tôi muốn, có ít nhiều cống hiến trong lĩnh vực của mình.

- Nhưng ngay cả đến những vật dụng trang sức cần thiết cho một người đàn ông như thắt lưng, ví da, đồng hồ… mà anh cũng không quan tâm thì cũng lạ?

- Có những điều tôi ưu tiên trong cuộc sống và có những điều tôi thấy không có gì quan trọng. Chuyện ăn diện, trang sức tôi chẳng thấy gì vui thú cả, vậy tại sao mình phải sống khác đi? Với lại vấn đề của một ông nhạc sĩ hay người sáng tạo nghệ thuật nói chung là tác phẩm của ông ấy chứ không phải là tất cả những cái thứ khác.

Hôm trước đi Vincom với vợ, tôi thấy có một cửa hàng bán đồng hồ, trong đấy có rất nhiều đồng hồ đẹp. Đi qua tự nhiên tôi nghĩ sao lâu nay mình chả bao giờ đề ý đến mấy cái đồ này (cười), mình thấy cũng buồn cười.

Nhưng như ban đầu tôi chia sẻ, với tôi, chỉ cần âm nhạc là đủ. Nó mang tới cho tôi tất cả mọi thứ trong thế giới, tôi chẳng thấy thiếu cái gì cả. Kể ra, giống như bị dở hơi, nhưng tôi không quan tâm, ai nghĩ gì cũng được.

- Nhưng nhiều người sẽ cho rằng vợ anh không biết lo cho anh bằng người ta mỗi khi ra ngoài?

- Cách nhìn của mọi người cho rằng người vợ phải lo cho chồng cái quần áo, trang sức… đấy là cách nhìn từ thành kiến, thói quen phổ thông mà ra, vả lại tôi cũng không yêu cầu người phụ nữ của tôi làm những việc theo tôi nghĩ là không nhất thiết và phi lý ấy. Càng về sau này, tôi càng thích giữ hình thức đơn giản, thoải mái.

- Thế chị ấy chăm sóc cho anh như thế nào?

- Đối với tôi đó chính là việc cô ấy ở bên tôi, cùng giữ gìn cái thế giới riêng mà chúng tôi có.

- Tôi nghe thấy nó mơ hồ quá!

- Tôi thấy mỗi gia đình cũng là những bản thiết kế riêng, trong mỗi thiết kế, trật tự riêng ấy, người ta có hài lòng hay không, hạnh phúc hay không thôi, không thể áp dụng quan niệm của gia đình này với gia đình khác.

Quan niệm của tôi là những cặp vợ chồng cùng mong sống vừa vặn cho nhau thì đó là sự chăm lo dễ chịu nhất. Khi cảm thấy yêu thương nhau, sự thoải mái, theo thời gian mình tốt đẹp hơn, yêu ngôi nhà chung, tức là mình đã được chăm lo tốt nhất.

Theo Nam Châm

Theo Nam Châm

Bạn có thể quan tâm