Gần đây trên thị trường xuất hiện những loại đồ chơi dành cho trẻ em, có thiết kế giống với một chiếc iPad với các nút bấm rất bắt mắt, trên mặt máy có các mục: kể chuyện, bài thơ, học tập, bài hát… Nhiều sản phẩm nội dung bên trong lại chứa những ngôn từ tục tĩu và phản cảm.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn để thấy được tác động của những đồ chơi này đến trẻ nhỏ.
Theo ông Nguyễn An Chất: “Đồ chơi thông minh là thứ vô cùng cần thiết cho thế hệ trẻ nói chung và đặc biệt cho lứa tuổi mầm non, tiểu học và THCS. Nhưng những đồ chơi đó phải làm sao để khai được trí thông minh và gợi được trí ham học hỏi, ham hiểu biết của các cháu. Các đồ chơi bao giờ cũng có những cái hay nhưng mà bên cạnh đó cũng có một số đồ chơi không thích hợp với trẻ nhỏ."
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất. Ảnh: Phụ Nữ TP HCM. |
Chuyên gia này cũng cho rằng, những đồ chơi mà khiến các cháu phải nghĩ, phải đặt nhiều câu hỏi rồi tự trẻ phải đi trả lời hay đi hỏi người khác thì sẽ làm chúng mệt mỏi hơn. Vì vậy mà những đồ chơi có tính chất không thích hợp với trẻ nhỏ thì các cháu lại thích, lại thấy đam mê hơn vì chơi cái là nó đạt được ngay kết quả, lại dễ có được niềm vui ngay.
Những thứ nghịch ngợm, phản cảm có nội dung không phù hợp với lứa tuổi sẽ làm giảm 1 cách nghiêm trọng tư duy của các cháu, lười suy nghĩ và chỉ thích thú những cái đang tò mò. Các cháu sẽ chỉ tò mò để thực hiện bản năng của con người. Đó là sự tò mò hết sức nguy hiểm.
Ông Chất cho hay: “Những cái đồ chơi như vậy tôi cho rằng đem lại cái thiệt thòi quá lớn cho các cháu để có thể phát huy được kĩ năng của cháu, đồng thời thiệt thòi cho cả cộng đồng nữa.”
Ông Chất nhận định: "Trẻ em học hỏi rất nhanh, những tác động xung quanh ngấm từng ngày, từng giờ vào máu thịt trẻ để rồi đến một ngày trẻ thể hiện ra, lúc đã thể hiện ra rồi thì rất nhiều phụ huynh mới sửng sốt, thôi chết rồi mình đã đầu độc con mình rồi.”
Ở độ tuổi này trẻ học hỏi và bắt chước rất nhanh. Ảnh: Phụ Nữ TP HCM. |
Về vấn đồ đồ chơi được bày bán tràn lan, theo ông Chất: "Ta thiếu một kĩ năng giáo dục rất lớn cho các cháu, mà một số người kinh doanh lấy đồng tiền làm thước đo giá trị, họ sản xuất và bán ra bất cứ cái gì miễn là thu được lợi nhuận cao, họ không nghĩ đến thế hệ tương lai ra làm sao cả. Họ không nghĩ đến lợi ích của việc "trồng người" chỉ quan tâm đến "trồng tiền", lợi nhuận và bất chấp tất những cái thiệt hại cho con trẻ và cho xã hội."
Lý giải nguyên nhân tại sao những đồ chơi tác động xấu đến trẻ nhỏ vẫn được các bậc phụ huynh chọn mua, ông Chất cho rằng, không có bố mẹ nào mà lại cố tình mua những cái đồ chơi biết là có hại cho con mình, họ cũng đã rất hạn chế, nhưng khi dắt con ra quán thấy con thích là mua mà người ta quên mất nhiệm vụ chính của người ta là dạy con. Người ta mua đồ chơi cho con nhưng không có tầm nhìn đồ chơi đó có lợi ích gì, như vậy họ mua có thể vì giá rẻ, vì con thích, khi con chơi có thể tranh thủ làm việc, hoặc phụ việc gia đình.
Ông Chất bổ sung: "Ví dụ đồ chơi trung thu bán tràn lan từ Lương Văn Can, Hàng Mã, cho đến bờ Hồ, bây giờ đi mua vài chục tấn cũng có, những trò gươm đao phản cảm nữa, mặt nạ, đèn tia laser cực kì nguy hiểm khi trẻ em chiếu vào mắt nhau.
Thông tin đại chúng đưa lên rất nhiều rồi nhưng những nhà quản lý vẫn bỏ qua, nếu có làm thì cũng chỉ làm lấy lệ, làm cho xong chuyện, làm cho có làm mà thôi. Như vậy lỗi là nhà quản lý nhiều hơn rất nhiều lỗi tại bố mẹ”.