Amy Leung (38 tuổi) – một bà nội trợ người Hong Kong – đã bị choáng ngợp trong đại dịch Covid-19 vì phải tự mình làm quá nhiều việc nhà. Chồng cô không giúp đỡ một việc gì, bao gồm cả chăm sóc hai con nhỏ, nấu ăn, dọn dẹp, khử trùng nhà.
“Mỗi khi tôi phàn nàn và nhờ giúp đỡ, anh ấy nói rằng tôi quá vô lý bởi việc nhà là việc mà tôi nên làm với tư cách một người phụ nữ và một người mẹ”, cô nói.
Từ bỏ công việc văn thư ba năm trước để ở nhà, Amy dựa hoàn toàn vào kinh tế từ chồng. Cô kể rằng anh ta chỉ trích cô liên tục vì đã không lo được tài chính, lại còn không hoàn thành nghĩa vụ của một người nội trợ.
Những cuộc cãi vã của họ đôi khi còn trở thành những vụ xô xát không đáng có.
Nhiều phụ nữ Hong Kong như Amy bị áp lực đè nặng, đặc biệt là trong đại dịch, vì chạm mặt chồng ở nhà nhiều hơn.
Nhiều phụ nữ Hong Kong bị áp lực đè nặng, đặc biệt là trong đại dịch. Ảnh: SCMP. |
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 làm gia tăng sự bất bình đẳng giới vốn có và khiến cuộc sống của phụ nữ trở nên khó khăn hơn nhiều, bạo lực gia đình cũng gia tăng.
Ủy ban Cơ hội Bình đẳng Hong Kong cho biết họ đã nhận được 157 đơn khiếu nại từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, khoảng 80% được gửi bởi phụ nữ.
Covid-19 đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giới
Fiona Nott, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận The Women (TWF), cho biết Hong Kong vẫn bị tụt hậu về bình đẳng giới.
Ở các cơ quan, nhân viên nữ đã có con nhỏ luôn bị phân biệt đối xử. Trong khi ở nhà, phụ nữ gần như phải gánh vác hầu hết việc chăm sóc trẻ em, chăm sóc người già và các việc vặt khác.
“Bà mẹ đơn thân, phụ nữ từ các hộ gia đình có thu nhập thấp và những người mất việc làm trong các lĩnh vực như ăn uống, du lịch và khách sạn, là một trong những điều tồi tệ nhất”, Nott nói thêm.
Phụ nữ gần như phải gánh vác hầu hết việc chăm sóc trẻ em, chăm sóc người già và các việc vặt khác. Ảnh: SCMP. |
Yu (46 tuổi) – một người mẹ đơn thân, cô từng làm dọn dẹp và bán hàng thuê theo giờ nhưng đã bị mất việc trong đại dịch.
Khi các trường học đóng cửa, cô phải ở nhà để chăm sóc cho đứa con trai 10 tuổi mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý của mình.
Cuộc sống vốn đã khó khăn của cô đã trở nên tồi tệ hơn sau khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm nay. Không có thu nhập, Yu đã phải ăn vào khoản tiết kiệm ít ỏi của mình.
Cuộc sống bị đảo lộn, cô vô cùng mệt mỏi và không có thời gian để nghỉ ngơi.
Kêu gọi thay đổi một xã hội truyền thống
Theo thống kê chính thức, lực lượng lao động của Hong Kong có số lượng nữ giới tương đối thấp, đã giảm xuống còn 53,9% trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, so với 65,5% nam giới.
Phụ nữ thường kiếm được ít tiền hơn và làm những công việc kém an toàn hơn nam giới. Theo TWF, phụ nữ kiếm được ít hơn 22% so với nam giới và chỉ nắm giữ 3 trong số 10 vai trò quản lý ở Hong Kong.
Những lĩnh vực sử dụng số lượng lao động phụ nữ nhiều nhất là bán lẻ, khách sạn và du lịch. Không may, đây lại chính là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
Phụ nữ Hong Kong dành hơn 10 giờ mỗi ngày cho công việc gia đình trong đại dịch. Ảnh: Pinterest. |
Đại dịch cũng đã gây áp lực lên những phụ nữ làm nội trợ.
Một cuộc khảo sát với 200 phụ nữ vào tháng 4 vừa qua bởi Liên đoàn Phụ nữ Liên bang Hong Kong cho thấy phụ nữ ở đây phải dành hơn 10 giờ mỗi ngày cho công việc gia đình – nhiều hơn gấp đôi thông thường – trong thời gian cách ly xã hội do đại dịch.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, phụ nữ trên toàn cầu dành trung bình 4,1 giờ mỗi ngày cho việc chăm sóc gia đình, trong khi nam giới chỉ dành khoảng 1,7 giờ.
Fiona Yuen Sau-ying là một nhân viên xã hội và trưởng phòng tại Hiệp hội Phụ nữ trẻ Hong Kong (YWCA), một tổ chức phi chính phủ được thành lập từ năm 1920. Cô chỉ ra định kiến giới phổ biến: đàn ông là trụ cột gia đình và phụ nữ là người nội trợ.
“Hong Kong là một xã hội truyền thống của Trung Quốc. Phụ nữ vẫn được coi là kỹ lưỡng và giỏi làm những công việc tẻ nhạt hơn nam giới. Nhưng mọi chuyện không nên đi theo chiều hướng tiêu cực như thế này”, cô nói.
Phụ nữ trên toàn cầu dành trung bình 4,1 giờ mỗi ngày cho việc chăm sóc gia đình, trong khi nam giới chỉ dành khoảng 1,7 giờ. Ảnh: Pinterest. |
Thừa nhận rằng đàn ông chịu áp lực trở thành trụ cột gia đình, Yuen nghĩ rằng các cặp vợ chồng ở Hong Kong nên chia sẻ việc nhà và những gì vợ, chồng đảm nhận nên dựa trên khả năng chứ không phải giới tính.
Căng thẳng kinh tế xã hội cùng với các biện pháp cách ly liên quan đến đại dịch đã dẫn đến sự gia tăng các trường hợp bạo lực đối với phụ nữ. Nhiều người bị mắc kẹt ở nhà với những kẻ bạo hành.
Các trung tâm trợ giúp ở Hong Kong đã báo cáo chính thức về sự gia tăng mạnh của các vụ bạo lực gia đình kể từ khi bắt đầu đại dịch, và phụ nữ là nạn nhân chủ yếu.
Những người đàn ông tiến bộ
Cục Lao động và Phúc lợi cho biết chính quyền Hong Kong cam kết thúc đẩy bình đẳng giới tại đây với các biện pháp cứu trợ đại dịch được áp dụng như nhau đối với phụ nữ và đàn ông.
Nhưng Sisi Liu Pui-shan, giám đốc Liên đoàn Phụ nữ Liên bang Hong Kong, nói rằng do định kiến bất bình đẳng giới cố thủ, các chính sách nhạy cảm về giới để hỗ trợ phụ nữ trong đại dịch cần được quy định chặt chẽ hơn.
Ví dụ, cần phải làm nhiều hơn để giúp đỡ nạn nhân bạo lực, họ nên nhận được sự giúp đỡ tài chính để tạm thời ở trong khách sạn nếu gia đình không còn là nơi an toàn.
Giáo dục giới tính cũng cần được cải thiện để người Hong Kong học cách loại bỏ những định kiến về vai trò của đàn ông và phụ nữ.
Giáo dục giới tính cũng cần được cải thiện để loại bỏ những định kiến về vai trò của đàn ông và phụ nữ. Ảnh: Pinterest. |
Tiến sĩ Michael Eason, một nhà tâm lý học tại Hong Kong, cho biết một bộ phận những người đàn ông ở độ tuổi từ 30 đến 50 đã dành nhiều thời gian hơn cho con cái.
Họ giúp con học trực tuyến và tích cực hơn trong việc tổ chức các hoạt động gia đình vào các ngày lễ, sinh nhật và Ngày của Mẹ gần đây.
“Đại dịch cung cấp một cơ hội để thách thức các động lực phân quyền giữa phụ nữ và nam giới, và khắc phục sự phân phối trách nhiệm trong nước”, cô Yuen từ YWCA nhận định.