Ngày 14/5, xuất hiện trên nhiều diễn đàn mạng video nam thanh niên đổ 200 quả trứng lên đầu mẹ để ăn mừng kênh YouTube Tiến Lắp của mình đạt mốc 20.000 người đăng ký.
Dân mạng phản ứng dữ dội vì cho rằng đây là hành động làm lố, "câu view", "câu like" bất chấp. Nhiều người lên tiếng kêu gọi tẩy chay, report kênh này.
Sau đó, anh chàng tự nhận là vlogger phải lên tiếng xin lỗi và xóa đoạn video trên kênh cá nhân.
Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng mạng phản ứng gay gắt trước những vlog chứa nội dung vô bổ, nhảm nhí.
Nam thanh niên đổ trứng lên đầu mẹ khiến cộng đồng mạng bức xúc. |
"Tận cùng của sự thiếu ý thức"
Ngày 6/6, vlogger NTN (tên thật Nguyễn Thành Nam) thực hiện thử thách làm nhà bằng 5.000 ống hút nhựa còn mới và chia sẻ đoạn video trên kênh cá nhân có hơn 7,3 triệu người đăng ký.
Trong khi cộng đồng đang tích cực kêu gọi hạn chế rác thải nhựa để bảo vệ môi trường, hành động của 9X quê Thái Bình bị chỉ trích là "tận cùng của sự thiếu ý thức".
Nguyễn Thành Nam bị chỉ trích khi làm nhà bằng 5.000 ống hút nhựa còn mới. Ảnh: Nguyễn Thành Nam. |
Trước "cơn mưa gạch đá" từ dân mạng, nam vlogger đã đăng video "phản pháo".
"Người ta nói tôi mua 5.000 ống hút về trong khi đang trong chương trình giảm chất thải nhựa. Bây giờ tôi mua về dùng chứ đâu thải ra. Nếu như suy nghĩ của các bạn, tốt nhất chúng ta không nên dùng đồ nhựa, chỉ dùng đồ sắt, đồ inox", Nguyễn Thành Nam nói.
Lời giải thích này không khiến dân mạng ngừng phẫn nộ. Nhiều người cho rằng anh chàng này chỉ đang cố ngụy biện.
"Do mọi người bình luận nên anh mới có hành động như vậy, nếu không thì chẳng ai biết anh làm gì với số ống hút đó cả", tài khoản Khanh Hoa nói.
Trước đó, NTN từng nhiều lần gây tranh cãi với loạt thử thách được xem là "nhảm nhí", "vô bổ" như: "Tắm với 50 kg bỏng ngô", "Thử thách ngủ ngoài đường", "Thử thách 24h sống nghèo khổ"...
Bất chấp "câu like"
Ngày 9/4, những người có mặt tại đám tang nghệ sĩ Anh Vũ không khỏi bức xúc khi thấy đội quân livestream bất chấp quay phim để đăng lên trang cá nhân của mình.
Nhiều YouTuber còn mang theo đầy đủ dụng cụ như gậy selfie, USB phát 4G, micro, tai nghe, pin sạc dự phòng...
Hình ảnh nhóm người ồn ào, không ngừng cười đùa, bình luận "phục vụ" người xem trên mạng, tương phản với sự đau buồn, tiếng nức nở của người thân, đồng nghiệp bên linh cữu danh hài Anh Vũ khiến nhiều người thở dài đau xót.
Đám đông bất chấp livestream tại tang lễ của nghệ sĩ Anh Vũ. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Diễn viên Ngọc Lan bức xúc viết trên trang cá nhân: "Khi thời đại 4.0 lên ngôi, khi mà người ta chẳng cần quan tâm đến nội dung, chỉ cần lượt view cao là họ có thể chễm chệ mỗi tháng nhận 400-500 triệu đồng, thì đây, hệ quả của việc này là đây. Khi mà trước đây các bạn lên án các phóng viên đi tác nghiệp đám tang thì đây các bạn nhìn xem, trong những tấm hình này có ai là phóng viên không?".
Diễn viên Tiến Luật cảm thán: "Quá tàn nhẫn. Đôi khi phải chấp nhận nhưng nó khắc nghiệt quá".
Trong khi đó, diễn viên Mai Phương chỉ để lại dòng bình luận ngắn gọn: "Tôi rất sợ những kiểu thế này".
Ranh giới mong manh giữa hài hước và vô duyên
Tháng 10/2018, tài khoản HAYZOtv đăng clip dài gần 12 phút ghi lại phản ứng của mọi người trên đường phố Hà Nội khi bất ngờ bị vu oan ăn cắp điện thoại. Sau một tuần, đoạn video thu hút hơn một triệu lượt xem.
Theo đó, để biết phản ứng chân thật nhất của mọi người khi bị vu oan ăn cắp, nhóm này đã dàn dựng kịch bản một chàng trai với khuôn mặt dữ dằn, dùng đủ lời lẽ cứng rắn để cáo buộc người khác lấy trộm chiếc điện thoại của mình.
Đa số bình luận của người xem đều cho rằng hành động làm mất danh dự của người khác nơi công cộng không có gì hay ho và đáng bị lên án.
Nhóm trẻ làm video thử phản ứng người khác khi bị đổ tội ăn cắp. Ảnh cắt từ clip. |
Trước sự chỉ trích từ dân mạng, HAYZOtv chia sẻ với Zing.vn rằng nhóm thực hiện với mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về những hành vi dàn cảnh, lừa đảo tinh vi diễn ra trong cuộc sống thường ngày.
Dù lên tiếng giải thích về ý tưởng, cách thể hiện có phần khiếm nhã, không phù hợp với văn hóa trong nước vẫn vấp phải sự phản ứng gay gắt của mọi người.
Hiện nay, làm vlog - một cách kiếm tiền dựa trên các nền tảng mạng xã hội - đang là xu hướng được giới trẻ theo đuổi. Tuy nhiên, nhiều người chạy theo phong trào mà chưa nhận thức được rằng: Không phải cứ cầm máy lên quay là có thể trở thành vlogger được số đông công nhận.
"Không ít YouTuber chỉ biết 'đu trend', cho ra đời những sản phẩm thiếu giá trị nhằm 'câu like'. Tuy nhiên, những cá nhân này vẫn nổi tiếng, 'hái ra tiền' một phần do thái độ dễ dãi trong cách tiếp nhận của một bộ phận công chúng. Cứ thế, những nội dung nhàm chán, vô nghĩa có cơ hội tràn lan trên mạng", Quỳnh Anh - nhân viên sáng tạo nội dung - nói.