Đỗ Trung Quân: ''Tôi đã qua thời ngây thơ''
Hai năm nay, người ta không còn thấy Đỗ Trung Quân xuất hiện trên báo chí hay truyền hình với tư cách là nhân vật được nói đến.
Anh từ chối hàng loạt cuộc hẹn phỏng vấn vì cho rằng mình không cần phải xuất hiện nữa. Mãi cho đến khi biết người sẽ thực hiện phỏng vấn là Phạm Thành Nhân thì anh mới nhận lời.
Đỗ Trung Quân |
- Anh quá đề cao tôi hay quá chảnh?
- Tôi không đề cao bạn, cũng không chảnh, mà chỉ vì tôi biết tầm vóc của bạn và tôi tin rằng bạn cũng biết tôi là ai dựa trên mối quan hệ của chúng ta nhiều năm qua. Quả thực tôi đã chán việc phải lặp đi lặp lại những câu trả lời từng nói quá nhiều lần. Không ít khi tôi bảo người phỏng vấn “Em chịu khó về đọc lại những gì anh nói từ 10 năm trước đã rồi hẵng quay lại phỏng vấn tiếp, chứ bây giờ bảo anh nói lại cái đã nói rồi, để độc giả phải xem lại cái đã xem rồi thì vừa mệt cho anh, mệt cho em mà còn mất thời gian của độc giả nữa”.
Ừ thì bạn có thể bảo tôi chảnh, nhưng ít nhất với tư cách là người được (bị) phỏng vấn, tôi luôn có quyền từ chối và luôn có quyền chọn lựa người sẽ ngồi với mình bởi nếu đó chỉ là một cuộc phỏng vấn theo kiểu giật gân, câu khách thì tôi xin kiếu.
Vẫn là nhà thơ
- Trong mắt của phần đông công chúng, anh là một thi nhân. Ngoài ra anh còn được biết đến như một họa sĩ, một nhà báo, một diễn viên và một người dẫn chương trình… Nói chung là “kính thưa các loại nhà”. Vậy, cá nhân anh nhận mình là…?
- Tôi vẫn là nhà thơ. Với tôi, thơ là nghiệp, báo là nghề, vẽ là nghề, những cái khác chỉ là việc làm chơi.
- Anh định vị mình là nhà thơ. Đồng ý! Thế thì trong tư cách nhà thơ, xin được hỏi tác phẩm của anh đâu? Chắc anh không phiền câu hỏi đó bởi nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ hay nhà gì đi nữa cũng sẽ là vô nghĩa nếu không có tác phẩm.
- Tôi không phiền. Trái lại tôi cho đó là một câu hỏi rất thú vị. Xã hội của chúng ta đang tồn tại đầy rẫy các “nhà” không tác phẩm, hay nói đúng hơn là "ăn mày dĩ vãng" trên những cái từng có. Khi tôi nói tôi vẫn là nhà thơ, tôi không định nói đến những bài thơ tôi viết trên blog mà là những bài tôi viết và vẫn còn cất giữ. Có những người đều đặn hằng năm xuất bản tác phẩm, có những người phải mất 10 năm mới trình làng tác phẩm mới. Song chắc gì những tác phẩm định kỳ ấy hơn được những tác phẩm được nuôi dưỡng nhiều năm?
Hãy lấy thí dụ trường hợp của Phan Thị Vàng Anh, 10 năm mới ra được một tác phẩm, nhưng mỗi lần xuất hiện là một lần gây chấn động. Sự im lặng của một nhà văn, nhà thơ trong một thời gian dài có thể được hiểu là người ấy đã không còn viết được nữa, đã đứt vốn, hoặc cũng có thể là để tích tụ năng lượng. Tôi ở trường hợp thứ hai. Tác phẩm của tôi ư? Hãy đợi đấy! Tất nhiên “Hãy đợi đấy” ở đây không có nghĩa là một năm hay hai năm để độc giả phải đợi mà là một thời điểm ở tương lai. Tôi vẫn viết, và mọi người sẽ có dịp xem tác phẩm mới của Đỗ.
- Như anh nói: Thơ là nghiệp, báo là nghề. Vậy hỏi anh một câu đơn giản: Nghề báo sướng không?
- Sướng. Có nhiều người bảo nghề báo sướng vì được đi đây đó, gặp người này người kia. Tôi thì cho rằng nghề báo sướng vì được biết nhiều thứ. Có những chuyện không liên quan gì đến lĩnh vực của mình, nhưng vì là nhà báo nên tự nhiên ta vẫn phải biết. Từ chuyện kinh tế đến chính trị đến giáo dục… Nghiệp văn cho tôi nhìn vấn đề một cách nhân bản hơn. Nghề báo cho tôi thấy mọi chuyện rõ ràng hơn và chân thực hơn.
- Thế mà có nhiều nhà báo lại không thấy sướng...
- Tôi hiểu. Tôi quen nhiều nhà báo và họ không thấy sướng khi không thể viết điều họ muốn, phải tự kiểm duyệt mình trong từng câu chữ. Tuy nhiên theo tôi đó là chuyện thái độ của chính người làm báo. Quyền viết và viết như anh muốn, đúng như anh nghĩ là quyền tự do của anh, không ai tước đoạt được. Còn khi anh không viết hoặc tự kiểm duyệt mình thì đó là tự anh tước tự do của anh. Khi anh đã từ bỏ quyền viết như anh muốn thì anh không thể trách người khác kiểm duyệt anh. Sòng phẳng, phải không.
- Vâng, rất sòng phẳng. Vậy xin anh sòng phẳng cho biết việc anh “lên bìa” tạp chí Time là vì con trai anh quá tôn sùng anh hay vì để chiều theo sở thích vĩ cuồng của bố?
- Cả bạn và tôi đều biết rằng tấm ảnh Đỗ Trung Quân trên bìa tạp chí Time chỉ là một tấm ảnh do con tôi thiết kế tặng bố. Năm ấy cháu học năm nhất thiết kế đồ họa và sự thật thì chẳng phải cháu quá tôn sùng tôi hay tôi thích như thế mà là cháu muốn trêu tôi rằng bố còn lâu mới được như thế. Khi nhận tấm ảnh ấy, tôi vui vì con tôi đã biết hài hước. Khi xung quanh ta nhiều người đã không còn biết hài hước nữa thì việc cháu còn có thể hài hước là điều khiến tôi rất hài lòng.
Ngu và ngây thơ
- Nhân tiện nói về tuổi trẻ, mời anh nói một chút về tuổi trẻ của anh - về một thời anh không còn muốn nhắc đến!
- Ai cũng có một thời tuổi trẻ mà khi nhìn lại chúng ta sẽ thấy mình đã làm được một số điều và làm hỏng một số điều. Tôi cũng vậy. Nguyên nhân bởi vì tôi ngu và còn quá ngây thơ. Thuở ấy, máu tôi còn nóng nên khi được khuyến khích, động viên, tôi đã làm nhiều việc, đến nay nhìn lại mới biết rằng đó là những việc không nên làm. Bởi thế nhiều lần khi được mời họp mặt nhân dịp kỷ niệm này kia, tôi đã không tham gia. Tôi biết chứ, khi người ta mời tôi là khi họ muốn xướng danh rằng trong hàng ngũ của họ từng có tôi, nhưng tôi không hề cảm thấy tự hào khi đứng trong hàng ngũ ấy nên tôi xin phép vắng mặt.
Cũng tương tự việc tôi bán xe. Trước đây tôi nghĩ rằng mình là một thằng làm thơ, đi chiếc xe Vespa nhìn cho đẹp. Chạy ngoài đường mọi người nhìn mình cũng thấy thích. Rồi một ngày kia khi dừng lại trước đèn đỏ, tôi quay nhìn ra phía sau và chợt nhận ra rằng tôi không thể đi chiếc xe đó được nữa bởi sau tôi là một em bé đang phải hứng khói do xe tôi xả ra mà không thể tránh đâu được cả trong cảnh kẹt cứng. Con người nhà báo hiểu về môi trường đã không cho phép chàng thi sĩ trong tôi hủy hoại môi trường. Tôi dần từ chối những việc làm ngây thơ ấy và từ chối luôn cả những sự cố tình ngây thơ đó đây.
Quay lưng... đi chỗ khác chơi
- Từ chối và từ chối…, phải chăng đó là lý do khiến anh nhậu ít đi, dù nhắc tới Đỗ Trung Quân người ta vẫn luôn nhớ hai điều - nhậu và phụ nữ?
- Ai nói với bạn là tôi nhậu ít đi? Tôi chỉ ít đến những nơi vô ích, ngồi với những người nhạt nhẽo và nói những điều vô bổ. Chẳng hạn ngồi đây với bạn, tôi đã từ chối một cuộc nhậu khác vì tôi cho rằng đến chỉ để người ta ngắm, để triển lãm mình thì không nên đến làm chi. Bạn chắc cũng đồng ý với tôi rằng nhậu phải tùy theo không gian, thời gian, món nhậu, bạn nhậu. Tôi ngồi nhà hàng nhậu cũng được, ăn gì cũng được, lúc nào cũng xong, nhưng bạn nhậu thì phải xem lại.
- Vậy còn chuyện phụ nữ? Tôi sẽ không đặt câu hỏi, anh tự nói đi!
- Nhiều người thấy tôi đi với cô này cô kia, thay vì tìm hiểu xem đó là ai, đồng nghiệp hay người tôi đang phỏng vấn lại vội kết luận ngay Đỗ lắm bồ.
- Nhưng cũng nhiều người đi với cô này cô kia, sao không ai nói mà lại cứ “chăm chú” vào anh?
- Tôi hỏi ngược lại nhé! Bạn cũng đi với nhiều cô, đúng không? Những người biết bạn là nhà báo thì tự nhiên sẽ hiểu rằng bạn đang làm việc. Nếu người ta không biết bạn thì …chẳng có gì phải bàn cả. Một điểm nữa, nếu cái người đi với các cô đó là một chàng đẹp trai cỡ như Johnny Trí Nguyễn chẳng hạn thì cũng không có vấn đề gì hết. Ở đây tôi là nhà thơ (dù đang làm báo), lại xấu, nên mới sinh chuyện. Thật may là tôi có một người vợ rất hiểu chuyện nên đến nay gia đình tôi vẫn rất đầm ấm, hạnh phúc.
- Tôi còn nhớ bài viết đầu tiên anh gửi cho tôi là bản viết tay, giờ thì anh ngày ngày đều có entry mới trên blog. Anh có định nói gì không?
- Đó là cả một sự thay đổi phải không? Khách quan là do yêu cầu công việc. Chủ quan là tôi muốn được học, được biết thêm. Có người hỏi tôi rằng đến với Internet tôi mất gì, được gì? Tôi thì lại nghĩ ngược lại rằng nếu không có Internet tôi sẽ mất gì. Nếu không có Internet, tôi chỉ có thể biết tin tức qua bạn bè, qua báo chí, trong đó chắc chắn có rất nhiều thứ người ta không nói với tôi.
Có Internet, tôi biết được những chuyện ở tận những xứ sở xa xôi khác, có bạn bè khắp nơi, biết cả những điều không ai nói ra. Trong thế giới ấy, tôi hoàn toàn tự do, kể cả việc tự do viết sai lỗi chính tả.
- Để kết thúc, lại một lần nữa, không có câu hỏi nào cả. Mời anh phát biểu bất cứ điều gì anh muốn!
- Những gì muốn nói tôi đã nói trong suốt buổi trò chuyện này. Tôi vẫn là nhà thơ và hiện nay tôi đang rất thoải mái vì mình có toàn quyền lựa chọn cuộc sống của mình - chọn nơi đi, chọn bạn bè, chọn điều để nói… Tôi đã có những khoảng thời gian ngây thơ và giờ thì đang cố gắng để giúp các bạn trẻ tiến lên. Nếu nhờ những việc tôi làm mà các bạn trẻ có một không gian rộng mở hơn để cống hiến, để khẳng định thì con tôi cũng được hưởng lợi ích ấy.
- Anh có cần rút lại lời nào đã nói trong buổi hôm nay không?
- Không. Bạn cứ viết như bạn muốn, tôi thậm chí không cần xem lại. Chúng ta tin nhau.
Theo Sành Điệu