Nếu có kế hoạch sinh con, phụ nữ nên thực hiện trước tuổi 35. Ảnh: Pexels. |
Chất lượng buồng trứng có vai trò quan trọng trong việc quyết định khả năng sinh sản của nữ giới. Ngoài ra, cơ quan này còn chịu trách nhiệm sản xuất các hormone liên quan chu kỳ kinh nguyệt. Vậy phụ nữ nên làm gì để tăng cường sức khỏe của trứng?
Trứng không sinh ra thêm
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Văn Du, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, Hà Nội, cho biết khi còn là bào thai trong bụng mẹ, bé gái có "tài sản" to lớn khoảng 6 triệu quả trứng.
Đến khi sinh ra, bé gái còn 1-2 triệu trứng, số còn lại mất đi. Các quả trứng này trong trạng thái nghỉ ngơi, chờ đợi đến tuổi trưởng thành.
Khi dậy thì, nữ giới còn lại 300.000-400.000 quả trứng và chúng bắt đầu chịu sự tác động của hormone sinh dục. Hàng tháng, các quả trứng bắt đầu trưởng thành và chỉ một quả trứng chất lượng tốt nhất rụng xuống, có khả năng thụ thai, còn lại sẽ bị thoái hóa.
"Trứng chỉ mất đi và không sinh ra thêm. Người phụ nữ chỉ được sử dụng chưa đến một phần vạn số 'tài sản' ấy trong suốt cuộc đời. Thiên chức làm mẹ cũng chỉ đến vài lần với vài quả trứng tốt nhất", bác sĩ Trịnh Văn Du nói.
Trứng chỉ mất đi và không sinh ra thêm. Ảnh: Portalluneta. |
"Nếu phụ nữ bỏ lỡ cơ hội hoặc không gìn giữ chất lượng các quả trứng này, cơ hội làm mẹ càng mong manh hơn. Nếu có kế hoạch sinh con, phụ nữ nên thực hiện trước tuổi 35. Trường hợp phát hiện buồng trứng có vấn đề, bạn nên sắp xếp để có con sớm hơn", bác sĩ Du chia sẻ.
Yếu tố ảnh hưởng đến trứng
Theo bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, yếu tố đầu tiên chính là tuổi. Khi phụ nữ lớn tuổi (>=30 tuổi), trứng đã tồn tại tương đương số thời gian đó. Vì vậy, chúng cũng già đi, dẫn đến bộ máy di truyền dễ bị “lỗi” hơn.
"Khi chúng ta còn trẻ, buồng trứng sẽ ưu tiên sử dụng trứng chất lượng tốt trước nên càng lớn tuổi, chỉ còn lại những quả trứng chất lượng kém. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng hiếm muộn, tạo phôi chất lượng kém, sẩy thai, dị tật thai nhi ở phụ nữ lớn tuổi", bác sĩ Du nhấn mạnh.
Bác sĩ Du cũng khẳng định không phải khi siêu âm còn trứng là khả năng sinh sản tốt.
Bên cạnh đó, các yếu tố như môi trường sống, rượu, thuốc lá và thuốc kích thích... phụ nữ phải tiếp xúc hàng ngày cũng gây tăng các gốc tự do, ảnh hưởng sức khỏe của trứng.
Thông thường, chu kỳ phát triển của trứng là 3 tháng. Vì vậy, để cải thiện chất lượng của trứng, bạn cần duy trì đều đặn các thói quen tốt, bổ sung chất có lợi ít nhất 3 tháng trước khi chuẩn bị mang thai và bước vào quá trình điều trị (bơm tinh trùng, thụ tinh ống nghiệm).
Để trứng và tử cung khỏe mạnh, bác sĩ Du khuyến cáo chị em nên duy trì một chế độ ăn uống phong phú, lành mạnh. Bên cạnh đó, bạn có thể bổ sung thêm một số chất như:
- CoQ10: Cung cấp năng lượng cho trứng, cải thiện sự trưởng thành của trứng và chất lượng phôi.
- Vitamin D: Tăng đáp ứng kích thích buồng trứng, cải thiện tỷ lệ đậu thai, giảm nguy cơ sẩy thai.
- Inositol: Điều chỉnh lượng đường trong máu, tăng đáp ứng kích thích buồng trứng, cải thiện chất lượng của trứng và phôi. Phù hợp với bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
- DHEA: Hỗ trợ chức năng tuyến thượng thận và buồng trứng, cải thiện số lượng và chất lượng trứng. Chất này chỉ sử dụng tốt nhất trong chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Làm thế nào để xua tan cơn giận dữ hay nỗi sợ hãi? Điều gì ảnh hưởng đến giấc ngủ hay nên đi ngủ vào thời gian nào? Nhằm nghiên cứu và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho bạn đọc, Tri thức trực tuyến giới thiệu cuốn Yang sheng: Chữa lành cơ thể, làm đẹp tâm hồn của tác giả Katie Brindle.
Cuốn sách hướng dẫn bạn đọc những kỹ thuật để khai thác hiệu quả việc sử dụng hơi thở cũng như nụ cười, chiếc lược, lòng bàn chân… để thư giãn và tự chữa lành những tổn thương trong cơ thể về mặt thể chất lẫn tinh thần.