Tại Sài thành, hòa theo phong trào độ xe đón Tết đã bắt đầu nhen nhóm, anh Tự “Thanh Đa” chọn cho mình chiếc mô tô phân khối lớn Honda CB750F 1981, vì theo anh “đây là mẫu xe 'ngựa chiến hộ pháp' nên sẽ phù hợp ý tưởng tạo nét vạm vỡ mạnh mẽ cho bản độ theo 'xì-tai' Cafe Racer”.
Tương tự chi tiết tay lái cụp bổ sung chất Retro-New, hầu hết các bộ phận khác của xe đều bộc lộ sự đan xen giữa những ưu điểm về thiết kế và kỹ thuật của quá khứ với hiện tại. Lốp xe trước sau cỡ lớn 100/190 19 inch và cặp phanh đĩa cả bánh trước sau loại cỡ lớn (big size) chính hiệu Honda đều tôn dáng xe thêm vững chắc.
Một người mê xe tại Sài thành đã độ chiếc naked-bike Honda CB750F đời 1981 thành phong cách Cafe Racer. |
“Ngự” phía trên hệ thống phuộc kép bánh trước đời mới, kết hợp má phanh Tokico, là chóa đèn pha kiểu classic được thay bằng đèn Bi-Xenon. Cặp đèn pha “mắt ốc nhồi” đặt lệch này khiến phần đầu xe trở nên gai góc hơn. Và ấn tượng nhất là kiểu thiết kế này đã làm nên sự khác biệt thu hút tầm mắt, so với hầu hết các kiểu đầu xe dòng Cafe Racer khác, nhất là khi cặp gương chiếu hậu cũng “rút lui” nép vào đuôi tay cầm lái. Công việc tạo hình đột phá sáng tạo này tiếp tục được triển khai với đèn stop và biển số đặt lệch bên hông trái đuôi xe. Phần đuôi xe trở nên thanh thoát nhờ lược bỏ cụm đèn stop xi-nhan rối mắt. Tương tự, ngoại hình phần đầu xe “ăn tiền” nhờ lược giản bộ đèn xi-nhan, đồng thời cụm đồng hồ công-tơ-mét cũng biến mất.
Chiếc naked-bike Honda CB750F đời 1981 được anh Tư độ thành phong cách Cafe Racer. |
Luôn giữ phương châm sáng tạo nhưng không quá đà, các thay đổi khác được anh Tự thực hiện có chừng mực, như đối với bình xăng hình úp thìa, thợ tự tay cần mẫn gò vát uốn lượn uyển chuyển mà trông vẫn đơn giản ở phần tiếp nối với yên xe, không làm chệch choạng nét thẩm mỹ Cafe Racer. Cặp ống pô chạy dọc ở phần dưới thân xe thì gác chéo vừa phải, nghiêng một góc khoảng 30 độ, với nắp chụp được khoan nhiều lỗ hầm hố, tạo đường nét cân đối hòa hợp với tổng thể dáng xe. Các chi tiết nắp chụp lốc máy, thanh, nẹp, chụp đầu ốc vít… đều được xi mới bóng loáng, nổi bật trên nền hệ thống ống sắt hình thành nên khung sườn xe sơn màu đỏ tươi tắn.
Về phần phục hồi động cơ CB750F, với 26 năm trong nghề phục chế xe, anh Tự cho biết đã rã mở 100% nhiều cỗ máy môtô phân khối thuộc loại tinh vi, ở Việt Nam chưa ai mở, nên những việc gì cần làm để đại tu căn cơ cỗ máy CB750F (dung tích 736 phân khối với 4 xi-lanh nằm ngang) anh thạo như lòng bàn tay. Kết quả sau nhiều lần chạy thử đều cho thấy hệ truyền lực của chiếc xe vận hành ổn định với hộp số 5 cấp và phát huy công suất mạnh mẽ 68 mã lực dưới sự hỗ trợ của dàn tản nhiệt bằng dung dịch và bộ lọc không khí (bô e) hình nón thuôn dài giúp luồng không khí vào buồng đốt tốt hơn.
Tuy nhiên, khoảng trống bên trong khung xe, nằm giữa khối động cơ và cặp phuộc sau, chưa được xử lý để dáng xe đỡ “lỏng” hơn. Sự trống vắng cũng lặp lại ở phần bánh trước, khi mà nơi đây nên gắn thêm một tấm chắn bùn nhỏ để xóa đi cảm giác “cụt ngủn”, thô kệch khi ngắm đầu xe. Yên xe, theo “xì-tai” là một chỗ ngồi nhưng thực tế tiện dụng vì dài và rộng đủ 2 người lớn ngồi thoải mái, với gác chân chắc chắn cho người ngồi sau. Vết “gợn” đó là mặt yên được may kiểu gấp nếp như lưng con rết là ấn tượng, nhưng đường nét khá trùng lắp với kiểu yên trên mẫu CB900F của nhà độ xe Chappell. Một trong những chi tiết nhỏ lại gây “xốn” mắt đó là chảng ba ghi-đông vẫn còn lô-gô… Suzuki R-GSX (!). Nhiều người cũng “tâm tư” vì một hạn chế nữa là xe bị cắt bỏ hệ thống xi-nhan nên đi đường sẽ thiếu an toàn.
Phong trào độ xe Cafe Racer bắt đầu phổ biến tại Việt Nam từ cách đây 3 năm và không có chuẩn cứng nhắc, mà nó biến thể thành nhiều mẫu phong phú từ các loại môtô nguyên bản của nhiều hãng xe khác nhau. “Không đơn giản chỉ gọt đuôi xe, thả tay lái cụp xuống thấp quá đầu xe… là đã tạo được một mẫu xe ra dáng Cafe Racer”, anh Tự trình bày. “Tự mày mò kiến thức từ Internet và được chính tay làm nên chiếc xe theo ý thích, đó mới là phong cách Cafe Racer đúng nghĩa”.