Thú chơi tốn kém
“Hoàng híp”, một tay chơi có tiếng trong giới độ xe ở Hải Phòng. Chiếc xe mô tô naked bike Ducati Monster 796 độ từ gara của “Hoàng híp” được giới độ xe khu vực phía Bắc khá ngưỡng mộ, vì vẻ ngoài long lanh. Cậu tâm sự: “Với giới độ xe chuyên nghiệp, xe độ thể hiện phong cách chứ không chỉ để khoe sức mạnh, tốc độ. Và vì thế, em luôn đặt yếu tố an toàn cho xe khi tham gia giao thông lên hàng đầu”. Theo “Hoàng híp”, những sản phẩm muốn độc, tốt và không bị xảy ra vấn đề cho “xế” yêu lâu dài thì phải là hàng xách tay từ châu Âu, Mỹ, Nhật… nhưng hợp lý cả về chất lượng lẫn mức giá thì vẫn phải là hàng Thái Lan.
Trước đây dân độ xe chỉ cần thay đổi những chi tiết nhỏ trên xe cho đẹp hơn như thay đổi màu sơn, lắp vành, bọc lại yên, lắp đèn trang trí. Gần đây, dân chơi có xu hướng chơi xe theo phong cách riêng, cá tính hơn. Các loại xe hiện nay được các dân chơi thường độ lại là: Exciter, Wave, Airblade… Ngoài những dòng xe mới những dòng xe cũ như: FX, Sport… cũng được độ lại.
Tại Hà Nội có rất nhiều điểm độ xe máy và tập trung khá nhiều tại các tuyến phố như: Phố Huế, Láng, Thái Thịnh… những cơ sở này hiện còn khá manh mún và mới chỉ dừng ở mức độ thay thế các loại phụ tùng nhập về từ thị trường Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… Đặc biệt những phụ kiện như bộ đầu đèn, mặt nạ gần như rất hút hàng. Những bộ phụ kiện này giá thành tương đối cao, nên chủ yếu phải đặt trước vài tháng mới có hàng.
Anh Trọng, chủ một cửa hàng độ xe trên phố Huế tâm sự: “Hầu hết dân độ xe rất chuộng hàng Thái đẹp, bền hơn, giá thành cũng chỉ đắt hơn một chút so với hàng Trung Quốc nhưng lại luôn được bảo hành như hàng chính hãng. Thỉnh thoảng có những khách hàng ở tỉnh xa, thậm chí tận Móng Cái hay Cần Thơ vẫn điện thoại đặt sản phẩm độ xe, cho dù giá thành một sản phẩm có chi phí “trên trời”. Đơn cử như một chiếc Honda PCX mới có giá khoảng hơn 60 triệu đồng, nhưng khi được độ lên thật ngầu, thay đổi diện mạo từ vóc dáng, đến tiếng máy, bô, thụt… thì số tiền độ cũng bằng số tiền mua 2 chiếc PCX nguyên bản “mới kính coong”.
Anh Trọng cho biết thêm, đôi khi cũng vì sở thích, niềm đam mê… thì độ xe lên chứ thực ra phụ tùng xe độ có tốt đến mấy cũng không thể nào bằng được đồ của chính hãng sản xuất ra. Đây là một thú chơi không dành cho những người ít tiền, bởi chi phí để độ một chiếc xe đôi khi gấp mấy lần giá trị ban đầu của nó.
Chi phí để độ một chiếc xe đôi khi gấp nhiều lần giá trị ban đầu của nó. Ảnh: TL |
Giới hạn nào của việc độ xe
Đã có thâm niên 7 năm trong nghề độ xe, anh Hải, một chủ cửa hàng trên đường Tam Trinh luôn hiểu và khuyên khách hàng khi tìm đến gara của mình chỉ nên độ xe trong giới hạn cho phép về mặt an toàn cũng như khả năng được phép lưu hành trên đường.
Trên thế giới, phong trào độ xe rất phát triển và khi một chiếc xe hoàn thành thì đều được kiểm định và cấp phép. Việc độ xe phải theo hướng dẫn của hãng sản xuất và đảm bảo phù hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật. Thực tế, tại các nước tiên tiến, các hãng độ xe đều phối hợp chặt chẽ với các hãng sản xuất để được thử nghiệm và chứng nhận các phụ kiện, thông số kỹ thuật của xe sau khi “độ” thỏa mãn các tiêu chuẩn kỹ thuật…
Anh Hải chia sẻ: “Dân chơi ai cũng muốn “gia cố” thêm cái gì đó để tạo dấu ấn riêng. Có đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn hay không thì cũng khó đánh giá...”.
Khách hàng của anh chủ yếu là những thanh niên trẻ, thích đi những xe có phân khối lớn nên thường xuyên đến nhờ anh độ lại những chiếc xe sao cho mang dấu ấn riêng của mình. Khi gặp những trường hợp đó, anh đều tư vấn cho khách hàng rằng không nên, vì như thế vừa trái pháp luật mà lại gây nguy hiểm cho chính bản thân. Bởi thay đổi quá lớn về kết cấu và máy móc sẽ gây ra tình trạng không an toàn khi xe vận hành.
Nếu chỉ thay thế một số chi tiết phụ kiện bên ngoài thì không sao, nhưng tự ý thay đổi kết cấu, cấu tạo của xe như: Làm lại hơi để tăng công suất động cơ, thay đèn, thay lốp, vành xe... thì sẽ rất nguy hiểm khi tham gia giao thông. Ấy là chưa kể một số sự thay đổi khác như thay đổi màu sơn, tạo dáng quá kỳ quặc… gây mất mỹ quan cũng bị cấm. Vì thế, với các bạn trẻ đam mê thú độ xe, cần phải có ý thức chấp hành quy định pháp luật. Độ xe sao cho phù hợp với điều kiện giao thông và trong giới hạn luật pháp cho phép là điều cần phải chú ý.
Anh Hải cho biết thêm: “Thời gian gần đây, theo dõi các xe bảo trì cho thấy, có khoảng 30% số xe sau khi bán đã được chủ nhân thay đổi về hình thức, nội thất như: Màu sơn, gương, ốp ống pô, lọc gió, thay đèn trước bằng đèn xenon... Trong số đó có khoảng 5% số phương tiện có những thay đổi về kết cấu, có thể gây nguy hiểm đến ATGT. Không chỉ bị CSGT xử phạt, những chiếc xe mua mới còn có thể bị từ chối bảo hành nếu đã “độ” khác thiết kế ban đầu”.
Theo suy nghĩ của nhiều người, khi thay đổi hình dáng xe là để thể hiện cá tính và nổi bật trước đám đông, tuy nhiên các bạn nên biết rằng thay đổi thiết kế xe với nhà sản xuất là vi phạm luật giao thông. Đặc biệt là việc thay đổi sâu về các chi tiết máy cũng như công suất của xe không những vi phạm về luật giao thông mà còn rất nguy hiểm do việc độ xe.
Chính vì vậy, việc xử lý hành vi độ xe thường phải căn cứ vào thiết kế ban đầu của nhà sản xuất. Đây là một khó khăn đối với lực lượng CSGT bởi trong quá trình kiểm tra rất khó để biết được thiết kế ban đầu và chiếc xe đã bị thay đổi kết cấu như thế nào. Bởi về nguyên tắc, nếu lắp thêm hoặc thay đổi các thiết bị này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến yếu tố an toàn vì tổng thể của phương tiện đã bị thay đổi. Nguy hiểm nhất là khi lắp đèn pha xenon có thể làm chói mắt người đi xe ngược chiều, dễ gây tai nạn.
Thay đổi màu sơn, bóng đèn, đặc biệt là việc thay đổi vị trí, kích thước, màu sắc của biển kiểm soát, hệ thống phanh… Những lỗi này áp theo luật sẽ bị xử phạt ở mức 200.000 đồng. Nếu phát hiện mô tô, xe máy thay đổi kết cấu tổng thành thì sẽ phạt từ 800.000 - 1.000.000 đồng.