Vào đầu tháng 9, người phụ nữ họ Chu ở Đài Loan, Trung Quốc bắt gặp một nữ đồng nghiệp ngất xỉu tại nơi làm việc. Sau khoảng 2 phút, người này ngừng thở, tim không còn đập, theo Asia One.
Thấy tình hình nguy cấp, Chu thực hiện hồi sức tim phổi cho đồng nghiệp trong 15 phút trong khi đợi xe cứu thương tới.
"Tôi đã thực hiện liên tục đến kiệt sức nhưng vẫn kiên trì vì muốn cứu cô ấy", Chu chia sẻ trên trang cá nhân, cho biết thêm mình có chứng chỉ kỹ thuật viên y tế khẩn cấp nên các thao tác là đúng tư thế và quy trình.
Chu bị nữ đồng nghiệp phàn nàn vì làm tím ngực cô trong lúc hồi sức tim phổi. |
Nhờ nỗ lực của Chu, nữ đồng nghiệp được cứu sống kịp thời.
Tuy nhiên, thay vì bày tỏ lòng cảm kích, khoảng một tháng sau, cô nhắn tin cho Chu, đặt câu hỏi về những vết tím trên ngực, cánh tay mình.
Theo đó, người phụ nữ gửi bức ảnh chụp phần ngực bầm tím của mình cho Chu, hỏi: "Cô đã dùng bao nhiêu sức vậy? Tôi bị tím một khoảng rất lớn".
"Cô đang đổ lỗi cho tôi vì đã dùng quá sức trong quá trình hồi sức tim phổi sao?", Chu hỏi lại, bất ngờ vì thái độ của người được mình cứu.
Nữ đồng nghiệp tiếp tục bày tỏ sự phàn nàn, nói mình bị tiểu đường nên rất sợ bị thương.
"Vậy cô thấy giữa việc bị bầm tím và mất mạng, cái nào quan trọng hơn?", Chu đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, nữ đồng nghiệp vẫn tỏ ý không hài lòng, thậm chí dọa kiện Chu.
"Cô nhấn ngực tôi quá mạnh. Tôi có thể nhờ bác sĩ chứng minh rằng cô đã làm tôi bị thương trong quá trình hồi sức tim phổi", người này nói.
Quá tức giận, Chu chụp lại phần nhắn tin giữa hai người và đăng tải lên mạng xã hội. Chu mỉa mai rằng nếu đồng nghiệp thực sự kiện cô, mọi người đừng nên học các kỹ năng sơ cứu người bị nạn bởi có thể "làm phúc phải tội".
Cơ hội sống sót của người bị đau tim tăng 50% nếu được khử rung tim hoặc hô hấp nhân tạo ngay lập tức. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Hành động của Chu nhận được nhiều sự ủng hộ của dân mạng. Nhiều người có kinh nghiệm sơ cứu cho biết những chấn thương như bầm tím hoặc gãy xương sườn là phổ biến vì cần phải ép ngực mạnh và nhanh khi thực hiện hồi sức tim phổi.
Theo Đạo luật Dịch vụ Y tế Khẩn cấp của Đài Loan, những người sử dụng thiết bị cứu hộ khẩn cấp hoặc thực hiện sơ cứu để cứu những người đang bị đe dọa tính mạng sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Năm ngoái, Đài Loan còn thông báo sẽ xem xét việc lắp đặt nhiều AED (máy khử rung tim ngoài tự động) hơn ở nơi công cộng cũng như phổ cập cách sử dụng chúng đến nhiều người hơn để giảm tỷ lệ tử vong do đau tim.
Theo các bác sĩ khoa cấp cứu, cơ hội sống sót của người bị đau tim tăng 50% nếu họ được khử rung tim hoặc được hô hấp nhân tạo ngay lập tức.