Báo cáo từ Hội thảo "Phổ biến kết quả nghiên cứu trẻ em ngoài nhà trường của Việt Nam" do Bộ GDĐT cùng UNICEF tổ chức cho biết, tổng số trẻ em ngoài trường học ở lứa tuổi 5-14 tuổi tại Việt Nam là hơn 1,1 triệu em. Trong đó, đa số nằm trong độ tuổi 11-14 với gần 700.000 em.
Đây là những trẻ chưa từng đi học, bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học. Đa phần đều thuộc đối tượng là trẻ em nghèo, sống ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh; hoặc các em dân tộc thiểu số, khuyết tật; trẻ phải lao động và trẻ em di cư…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: "Dù cả xã hội đã nỗ lực cố gắng đưa trẻ đến trường, những con số này cho thấy chúng ta còn quá nhiều việc phải làm. Bộ sẽ thay đổi chiến lược “đưa trẻ em đến trường” thành “đưa trường đến cho trẻ em", như vậy sẽ hiệu quả hơn".
Nhưng làm thế nào để “đưa trường đến cho trẻ em” có lẽ còn là câu hỏi lớn. Để giải bài toán này, cần có một chiến lược xã hội hóa giáo dục mạnh mẽ, với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp, bởi đây là nguồn lực rất lớn.
Làm thế nào để “đưa trường đến cho trẻ em” có lẽ còn là câu hỏi lớn. |
Trong gần chục năm trở lại đây, đã có hàng trăm ngôi trường, hàng ngàn lớp học, hàng triệu suất học bổng được các doanh nghiệp trao tặng để chắp cánh ước mơ tới trường cho các em học sinh. Đơn cử như Viettel - đơn vị này đã triển khai nhiều hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, với triết lý kinh doanh gắn liền trách nhiệm xã hội và quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai đất nước.
Một số chương trình thiết thực từ Viettel phải kể đến hoạt động phổ cập Internet băng thông rộng 100% trường học và cơ sở giáo dục trên toàn quốc; chương trình hỗ trợ học sinh sinh viên với tên gọi Tôi là sinh viên. Nhân kỷ niệm 10 năm phủ sóng di động và hưởng ứng tháng cao điểm vì người nghèo, mới đây Viettel đã chính thức công bố chương trình khuyến học 10 năm Vì em hiếu học.
Theo đó, công ty cam kết mỗi năm sẽ trao 26.000 suất học bổng với tổng trị giá 26 tỷ đồng và thực hiện ngay từ năm 2014. Chương trình sẽ được triển khai xuống tận cấp xã, trong đó ưu tiên 2.331 xã nghèo theo chương trình 135 và 311 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.
Mỗi xã có 10 em nhỏ gia đình nghèo nhưng có học lực khá sẽ được chọn để trao học bổng hàng năm, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng. Số tiền này sẽ được quy đổi sang dụng cụ học tập, các khoản đóng góp trực tiếp cho nhà trường hoặc vật dụng, phương tiện đến trường cho các em.
Hoạt động thiết thực từ Viettel giúp các em không phải rời xa con chữ. |
Với nỗ lực toàn dân đưa trẻ đến trường cùng những chính sách mạnh mẽ, quyết liệt chăm lo, đầu tư cho giáo dục của Đảng và Nhà nước, những thành tựu về giáo dục, đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về phổ cập giáo dục tại Việt Nam là không thể phủ nhận.
Nhưng đúng như thứ trưởng Hiển đã tâm sự, vẫn còn quá nhiều việc phải làm. Nếu biết cách huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn lực của các doanh nghiệp có tấm lòng, kết quả sẽ rất tốt đẹp.
Tư liệu: Bản Sắc Việt.