Cuộc họp báo công bố kế hoạch tổ chức Triển lãm Ôtô Quốc tế Việt Nam 2016 (VIMS 2016) diễn ra sáng 18/11 được xem là một cuộc họp "bất thường", bởi kỳ triển lãm 2015 vừa kết thúc, còn gần một năm nữa mới diễn ra sự kiện tiếp theo. Trong khuôn khổ buổi họp báo, ngoài những thông tin liên quan đến triển lãm, đại diện các nhà nhập khẩu xe hơi dành nhiều thời gian chia sẻ về nỗi lo lắng trước sự thiếu ổn định về chính sách thuế đối với mặt hàng này, cùng với đó là một tương lai khó xác định của thị trường.
Nghị định 108/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt mới được ban hành gần đây như một gáo nước lạnh dội lên thị trường ôtô Việt Nam đang chuẩn bị tăng trưởng. Theo nội dung nghị định, cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô có sự thay đổi. Trước đây, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đánh trên ôtô là giá vốn (giá CIF + thuế nhập khẩu).
Giờ đây, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính trên giá bán buôn (giá vốn + phí vận chuyển, quảng cáo, chi phí bán hàng và lợi nhuận...). Giá bán không được thấp hơn 105% giá vốn. Thời điểm áp dụng của nghị định này bắt đầu từ 1/1/2016.
Đại diện các nhà nhập khẩu ôtô lo lắng trước tương lai bất định của thị trường xe hơi Việt Nam. Ảnh: Minh Anh. |
Theo ông Trần Tấn Trung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Á Quốc tế (đơn vị nhập khẩu xe Audi tại Việt Nam), thị trường phản ứng rất nhanh với các chính sách thuế, vì vậy thông tin sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô trong năm sau có thể làm cho thị trường cuối năm tăng trưởng đột biến, nhưng sang năm chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Ông Trung nêu dẫn chứng, năm 2012, chính sách thuế thay đổi cũng dẫn tới cơn sốt ảo trên thị trường xe hơi Việt Nam thời điểm bấy giờ, nhưng sau đó lại tụt dốc thảm hại.
Theo ông Laurent Genet, Tổng Giám đốc Audi Việt Nam - đại diện các nhà nhập khẩu ôtô, vấn đề thuế đang khiến các doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi đau đầu.
Ông Laurent Genet cho rằng thời điểm áp dụng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới ngay đầu năm 2016 là quá gấp, không đủ để doanh nghiệp xoay sở. Ông lấy thí dụ, một chiếc Audi từ khi nhận đơn đặt hàng đến tay khách hàng mất 4-5 tháng. Những khách hàng chấp nhận mua xe ở thời điểm hiện tại vẫn không biết giá trị chiếc xe của mình lúc nhận là bao nhiêu.
“Với tư cách đại diện cho các nhà nhập khẩu, tôi mong nghị định mới được giãn ra, ít nhất hãy chờ tới tháng 7 hãy áp dụng, để các nhà nhập khẩu và khách hàng có thời gian chuẩn bị”, ông Genet đề xuất.
"Chúng tôi hiểu thuế là nguồn thu quan trọng với ngân sách nhà nước. Điều chúng tôi không hiểu là tại sao lại áp thuế quá gấp. Cách thức áp thuế như thế nào, cách tính cũng không rõ ràng, điều này gây trở ngại rất nhiều đối với chúng tôi”.
Có những chiếc Rolls-Royce phải đóng thuế 30 tỷ đồng. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Ông Nguyễn Đăng Thảo - Tổng Giám đốc Euro Auto thì lo ngại về những rắc rối pháp lý có thể phát sinh từ việc chênh lệch giá bán nếu cách tính thuế mới được áp dụng.
Đại diện đơn vị nhập khẩu BMW tại Việt Nam cho rằng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán ra là thuế chồng lên thuế. Nói một cách cụ thể thì tiền lương trả cho nhân viên cũng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi người lao động đã đóng thuế thu nhập cá nhân.
Ông Thảo dự đoán luật thuế mới có thể khiến hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi bị phá sản hoặc phải chuyển đổi hình thức kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp ngân sách nhà nước cũng như có thể khiến nhiều người lao động mất việc làm.
Bên cạnh cách tính thuế mới, dự luật về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trên những dòng xe dung tích lớn cũng khiến nhiều đơn vị nhập khẩu đau đầu.
Ông Đoàn Hiếu Trung - Giám đốc điều hành Rolls-Royce Việt Nam cho rằng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên dung tích xi-lanh là chưa chính xác. Ông nêu dẫn chứng những chiếc Rolls-Royce động cơ 6,75 lít nhưng tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn so với Toyota Land Cruiser có động cơ bé hơn.
Kết thúc buổi họp báo, các đơn vị nhập khẩu xe hơi tại Việt Nam mong muốn Chính phủ cân nhắc các chính sách về thuế nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.