Không lâu sau khi ra mắt, Missing đã gây tiếng vang trên toàn thế giới và mang về doanh thu 42 triệu USD toàn cầu, trong khi kinh phí sản xuất chỉ vỏn vẹn 7 triệu USD. Tác phẩm của ê-kíp Searching (2018) nhận không ít lời khen từ cả khán giả lẫn giới phê bình.
Tại Việt Nam, sau gần 2 tuần công chiếu, doanh thu phim cán mốc 10 tỷ đồng. Đây là con số ấn tượng so với một bộ phim có kinh phí thấp và thiếu vắng các diễn viên ngôi sao. Đáng chú ý, doanh thu Missing ở Việt Nam đứng top 3 khu vực châu Á, chỉ sau Australia và Hàn Quốc. Trên thực tế, thành tích này còn vượt nhiều quốc gia châu Âu như Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Hungary…
Missing không mất nhiều thời gian để gặt hái 42 triệu USD doanh thu toàn cầu. |
Được thể hiện hoàn toàn thông qua màn hình máy tính và điện thoại, mô tả quá trình truy tìm tung tích bằng mạng xã hội, Missing dễ dàng chinh phục khán giả bởi loạt nút thắt bất ngờ cùng những công nghệ, thủ thuật thú vị trên Internet. Ngay khi ra rạp, bên cạnh nhiều lời khen, bộ phim còn nhận được điểm số 7,3/10 trên chuyên trang IMDb và 88% từ Rotten Tomatoes.
Ký giả Leigh Monson từ AV Club nhận xét: “Screenlife có thể không bao giờ là một trong những cách làm phim điện ảnh thông dụng, nhưng Missing lại là minh chứng điển hình về khả năng của định dạng này. Screenlife khai thác tối đa kỹ thuật số - yếu tố ngày càng can thiệp vào cuộc sống của chúng ta - để đạt được hiệu quả tuyệt vời”.
Các chuyên trang quốc tế đánh giá cao bộ phim screenlife mới ra mắt. |
Hollywood Reporter đánh giá đội ngũ thực hiện Missing đã áp dụng thành công khuôn mẫu của Searching - bộ phim khai thác các công cụ trên màn hình máy tính để kể một câu chuyện đầy cảm xúc và đáng báo động. Trong khi đó, The Times of India đánh giá bộ phim có thể trở thành tác phẩm xuất sắc khi nhắc đến kỷ nguyên kỹ thuật số mới của dòng điện ảnh giật gân.
“Missing là một tác phẩm đỉnh cao, khiến người xem phải đoán già đoán non trong toàn bộ thời lượng 111 phút” là nhận định của ký giả David Nusair trên Reel Film Reviews.
Phong cách làm phim độc đáo tạo sức hấp dẫn cho Missing. |
Paul Salfen của AMFM Magazine cũng dành cho tác phẩm này những lời có cánh: “Đây là một bộ phim giật gân dựa trên công nghệ, có nhịp độ nhanh và đáng sợ hơn bất kỳ tác phẩm kinh dị nào. Nó khiến bạn nhận ra chúng ta dễ bị tổn thương ra sao với tất cả công nghệ hiện có và rất nhiều điều tồi tệ không ai nghĩ đến vẫn có thể xảy ra”.
Bên cạnh kịch bản được xây dựng hợp lý và diễn xuất tốt, theo nhận định của Deadline Hollywood Daily, Missing còn thành công khi kết hợp phong cách hình ảnh cùng biên tập tuyệt vời của bộ đôi Austin Keeling và Arielle Zakowski.
Missing (tựa Việt: Mất tích) đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc. |
Tại Việt Nam, nhiều tên tuổi trong giới phê bình và làm phim cũng dành lời khen cho Missing. Đạo diễn Chung Chí Công nói: “Mấy năm rồi mới được xem một bộ phim kinh dị làm tôi sướng rơn đến vậy. Thậm chí, tôi còn thích Missing hơn ‘người anh em’ Searching ra mắt 5 năm trước bởi nhịp phim nhanh, đa dạng ứng dụng trực tuyến, biên giới câu chuyện mở rộng và đặc biệt là nhân vật cực kỳ gần gũi giới trẻ đương thời. Nhất định tôi sẽ xem lại bộ phim lần nữa”.
Đồng quan điểm, Huỳnh Lập ca ngợi đây là bộ phim xuất sắc và không dành cho người không dùng công nghệ hay đọc phụ đề không chạy.
Với cốt truyện hấp dẫn, nêu bật tác động cả tốt lẫn xấu mà công nghệ mang đến cuộc sống con người, Missing được đánh giá là bước đột phá trong dòng phim screenlife nói riêng và thể loại giật gân nói chung của Hollywood.