Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh thu thấp kỷ lục, ngành công nghiệp ghi âm Hong Kong lao đao

Trong vòng 20 năm trở lại đây, doanh thu của ngành công nghiệp ghi âm Hong Kong thấp ở mức kỷ lục, từ 1,6 tỷ HKD giảm xuống chỉ còn 200 triệu HKD.

Trước khi Kpop có sức ảnh hưởng như hiện tại, Cantopop (hay còn gọi nhạc đại chúng Hong Kong) từng là đế chế của ngành giải trí châu Á. Nó là điểm giao nhau của hai nền văn hoá Đông - Tây với đa dạng thể loại từ jazz, pop rock cho đến electronic.

Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất của trang China South Morning Post, Hong Kong vừa trải qua một năm khủng hoảng về mặt văn hoá khi Cantopop, nơi từng khai sinh ra những biểu tượng như Trương Quốc Vinh hay Trần Dịch Tấn, đang ở mức doanh số thấp kỷ lục trong vòng hai thập kỷ trở lại đây.

Không thể sống nhờ bán đĩa

Nhac Hongkong,  am nhac,  Chau A,  canto pop,  Truong Quoc Vinh anh 1
"Tứ đại thiên vương" là tên gọi thân mật của những người hâm mộ dành cho ngôi sao trẻ nổi tiếng nhất lần đầu xuất hiện vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990.

Từ 1,6 tỷ HK doanh thu vào năm 1998, năm nay, con số ấy chỉ còn 200 triệu HK, tương ứng với 15% thị phần của nền âm nhạc. "Trong thời đại mạng xã hội lên ngôi, sự sụt giảm doanh số của ngành công nghiệp ghi âm đã khiến nhiều người mất việc" - theo Herman Ho, giám đốc điều hành Voice Entertainment.

Ông cho biết nguyên nhân xuất phát từ tình trạng phổ biến của những trang mạng xã hội chia sẻ như Youtube, Youku hay Baidu. "Chúng đã giết chết nhiều người hoạt động trong lĩnh vực vì thiếu đi sự bảo vệ chất xám". 

Với 30 năm kinh nghiệm, Herman Ho là thế lực đứng sau nâng đỡ cho các ngôi sao tên tuổi hàng đầu Cantopop như Sandy Lam, Joyey Dung, Chung Hân Đồng, Hà Nhạn Thi.

"Ngành công nghiệp ghi âm của Hong Kong từng bùng nổ vào những năm thập niên 1980 nhờ sự phát triển của kinh tế", Herman Ho nói. Ông nhớ lại thời kỳ huy hoàng khi doanh thu của nền âm nhạc được tạo ra bởi băng cassette, đĩa compact và vé biểu diễn. 

Đó từng là thời kỳ mà Sandy Lam có thể bán được 100.000 bản album, một con số không tưởng trong giai đoạn thịnh hành của dịch vụ nghe nhạc trực tuyến và Youtube.

Trải nghiệm thưởng thức này cho phép người nghe được phép tải sản phẩm không phải mất phí, trong khi bản thân họ lại không biết rằng những người sở hữu thì đang lâm vào tình cảnh lao đao.

Loay hoay bằng mọi cách

Không bằng lòng trước việc mất "đất sống" tại Hong Kong, nhiều nghệ sĩ quyết định chuyển thị trường hoạt động sang Đại lục. Đặng Tiểu Kỳ chính là ví dụ điển hình.

Vốn là một ngôi sao Cantopop ít tên tuổi, cô đã có màn xuất hiện ấn tượng trên chương trình I Am a Singer. Được khán giả biết đến nhiều hơn dẫn đến lượng fan gia tăng nhanh chóng, Đặng Tiểu Kỳ giờ đây chỉ hát những ca khúc tiếng Bắc Kinh thay thế cho Quan thoại.

"Cantopop thật sự đã mất vị thế trước Kpop và Âu Mỹ", Jason Chu, một nhạc sĩ từng làm việc với Vương Phi và Đàm Vịnh Lân cho biết. Theo anh, việc thay đổi môi trường hoạt động từ một nơi ảm đạm đến một nơi nhiều tiềm năng hơn là điều hết sức bình thường.

Ngành công nghiệp ghi âm đã không còn mang lại thu nhập cho nghệ sĩ nhiều bằng truyền hình thực tế. Họ duy trì danh tiếng, độ nhận biết để tổ chức các buổi hòa nhạc và bán các sản phẩm ăn theo hơn là tập trung vào radio, trình chiếu nhạc. 

Nhac Hongkong,  am nhac,  Chau A,  canto pop,  Truong Quoc Vinh anh 2
Đêm nhạc Vương Phi Moments Live 2016 diễn ra ở Thượng Hải (Trung Quốc) vào tối 30/12 đánh dấu sự trở lại của cô sau 6 năm ở ẩn.

Những khán giả thực thụ của Cantopop hầu hết đều rơi vào độ tuổi 30 đến 40. Họ có đủ khả năng tài chính để bỏ tiền mua những tấm vé với giá rất cao để được chứng kiến thần tượng.

Năm 2016, concert của Vương Phi đã bán hết vé sau vài phút với mức giá không hề rẻ: từ 265 USD đến 1.152 USD. Trong đó, một khán giả giàu có đã chấp nhận bỏ ra 88.000 USD để đối lấy chỗ ngồi và lối ra vào cao cấp.

Nhưng theo Herman Ho, chính vì quá tập trung vào lượng khán giả trung niên, Cantopop đã phủ nhận hoàn toàn vai trò của thế hệ khán giả trẻ. Họ dĩ nhiên sẽ không đủ tiền để có thể lấp đầy khán đài của một buổi hoà nhạc có chi phí quá cao, và đồng thời không hứng thú để mua album trong thời đại ngày ngay.

"Hãy khuếch tán, khiến cho ca khúc của bạn đến được nhiều người trên Internet", ông nói. Dù lên án Youtube, nhưng bản thân Herman Ho cũng phải thừa nhận chỉ có mạng xã hội mới là phương án làm trẻ hoá nền âm nhạc Hong Kong.

Duy Vũ

Bạn có thể quan tâm