Độc đáo chợ tem hè phố
Triệu Việt Vương được biết đến là “phố cà phê” của Hà Nội, nhưng trên con đường ấy còn một địa điểm thú vị mà người dân Thủ đô, đặc biệt là những người sưu tầm tem không thể bỏ qua, đó là “chợ tem”.
Chỉ cần vài chiếc ghế nhựa, những người yêu tem vẫn tụ họp mỗi sáng chủ nhật tại vỉa hè số nhà 160 để cùng nhau trao đổi và nói chuyện… tem.
Tem về cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam được phát hành ở Cuba. |
Góc nhỏ dành cho tình yêu lớn
Tiếng chuyện trò rôm rả bên chén trà hay ly cà phê … khiến chợ tem, nhìn qua, chỉ giống như một nhóm người tụ tập uống nước, nhưng thực chất lại là nơi trao đổi, mua bán của những người sưu tầm tem ở Hà Nội. Ra đời từ cuối năm 2003, từ đó đến nay, cứ 9h sáng chủ nhật hàng tuần chợ tem lại mở đều đặn để phục vụ những người chơi tem. Chợ chỉ chiếm một góc nhỏ trên hè phố Triệu Việt Vương, cũng bởi lượng khách của chợ không nhiều, chỉ khoảng hơn chục người. 2/3 số ấy là khách quen kể từ khi chợ mới thành lập, những người còn lại hầu như cũng đã gắn bó với chợ được vài năm, chỉ có một số ít là khách vãng lai.
Tuy chỉ là một địa điểm tự phát nhưng chợ tem đã duy trì được tròn 10 năm. Sở dĩ chợ tồn tại được lâu như vậy là nhờ những tâm hồn đồng điệu có cùng tình yêu dành cho tem. Hè cũng như đông, không kể nắng mưa… những khách hàng thân thiết của chợ tem luôn cố gắng không bỏ lỡ một phiên họp nào. Họ đến với chợ tem không chỉ để mua bán, “săn” những con tem độc đáo cho bộ sưu tập của mình, mà hơn thế nữa là để được giao lưu và trò chuyện. Góp công khai sinh ra chợ tem, cũng là người chơi tem đã lâu, ông Phạm Hào tự hào khẳng định: “Những người ngồi ở đây chính là những người có niềm đam mê thực sự và tình yêu lớn đối với con tem chứ không phải người “Cả thèm chóng chán” đua theo phong trào”.
“Tiếng nói” của những con tem
Tem thu hút người chơi không chỉ bởi sự phong phú về hình dạng, kích cỡ, đa dạng về hình ảnh, màu sắc mà còn bởi ý nghĩa của mỗi con tem. Những gương mặt quen thuộc của chợ tem không sưu tầm tem theo lối “lấy nhiều”, tràn lan mà thường theo đuổi một chủ đề nhất định như: giao thông, động vật, thực vật, quân đội… Mỗi bộ tem theo chủ đề như vậy lại có “tiếng nói” riêng, nó phản ánh một phần của thế giới tự nhiên hay những nét đặc sắc trong văn hóa loài người… Chính vì những ý nghĩa đó mà người chơi tem sẵn sàng dành nhiều thời gian, công sức “lùng” cho bằng được những con tem phù hợp với bộ sưu tập của mình. Hơn thế nữa, “để hiểu được ý nghĩa của từng con tem, người chơi tem cũng phải kỳ công tìm hiểu, tra cứu thêm thông tin. Vì vậy, chơi tem không chỉ thỏa mãn thú vui mà còn tích lũy cho người chơi những kiến thức lịch sử, chính trị, nghệ thuật... nhất định” - anh Nguyễn Văn Việt, một người chơi tem chia sẻ.
Do ý nghĩa và giá trị của mỗi con tem là khác nhau nên giá cả ở chợ tem cũng rất linh hoạt. Tem chưa qua sử dụng, gọi là “tem sống” được bán theo bộ hoặc bán lẻ từng chiếc với giá từ 5 nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng/chiếc. Những con tem đã qua sử dụng, được gọi là “tem chết” thì có giá thấp hơn, chỉ vài nghìn đồng. Tuy nhiên, những con tem đã qua sử dụng, nhưng vẫn còn dán nguyên trên bì thư hoặc bưu thiếp lại có giá cao hơn tem thường, tùy vào thời điểm, hoàn cảnh và nơi con tem được sử dụng mà giá tem có thể lên đến 400, 500 trăm nghìn đồng thậm chí là tiền triệu.
Một góc chợ tem trên hè phố Triệu Việt Vương. |
Khơi dậy đam mê
Ở chợ tem không chỉ có những “cây đại thụ” đã sưu tầm tem được hàng chục năm và có tiếng trong làng tem như ông Đạt, ông Hào… mà còn có những người ngấp nghé thú chơi tem. Một số thanh niên và cả những em học sinh cũng đến đây để tìm những con tem yêu thích hay để được nghe kể chuyện tem, được truyền đạt những kiến thức cũng như kinh nghiệm sưu tầm tem.
Không chỉ vun đắp tình yêu tem, chợ tem còn là nơi khơi dậy niềm yêu thích với những người chưa từng chú ý đến tem. Có những em nhỏ đi theo bố đến chợ tem, ngắm nhìn những con tem, nghe mọi người nói chuyện tem mà nảy sinh tình cảm, từ đó mới bắt đầu sở thích sưu tầm tem. Cũng có những bạn trẻ vô tình ngồi uống cà phê, phát hiện ra chợ tem rồi cũng “mê” tem từ đó. Em Nguyễn Phước Thịnh (9 tuổi) hàng tuần đều cùng bố đến chợ tem, tỏ ra thích thú đặc biệt với những con tem. Trong khi bố trao đổi với những người khác, em cũng ngồi cạnh, chăm chú lắng nghe, mắt không rời những bộ tem.
Chợ tem tuy nhỏ bé nhưng lại là một điểm nhấn giữa Thủ đô ngàn năm tuổi. Tại đây, lịch sử được lưu truyền và tương lai được tiếp nối bởi những con người đồng cảm trong tình yêu bất tận với những con tem.
Theo An Ninh Thủ Đô