Người Dao quan niệm đàn ông nếu ai chưa trải qua lễ “cấp sắc” (lễ trưởng thành) và có pháp danh thì dù tuổi lớn vẫn được xem là trẻ con.
Khu vực thôn 3, xã Cư Suê (huyện Cư Mgar, Đắk Lắk) là nơi tập trung đông đảo đồng bào người Dao sinh sống. Thôn có 171 hộ, 855 khẩu nhưng người Dao chiếm đến 95%. Lễ cấp sắc được người dân nơi đây bảo tồn duy trì đến bây giờ.
Theo phong tục của người Dao, nghi lễ cấp sắc chỉ được thực hiện đối với người đàn ông đủ 18 tuổi trở lên, không quan trọng có gia đình hay chưa. Nghi lễ được thực hiện tuần tự trong dòng họ, tuân thủ từ trên xuống dưới. Người thụ lễ phải được chọn ngày lành tháng tốt, hợp với tuổi mới có thể làm lễ.
Bà Bàn Thị Lan (49 tuổi, ngụ thôn 3, xã Cư Suê) cho biết lễ "cấp sắc" được thực hiện gồm người chính, người phụ. Trước đây lễ cấp sắc được thực hiện 3 ngày 3 đêm, nhưng nay đã được rút ngắn còn một ngày, một đêm để tiết kiệm kinh phí.
Một thầy cúng thực hiện lễ "cấp sắc" cho một thanh niên trong thôn. Ảnh: Minh Quý. |
“Để thực hiện nghi thức, gia đình người thụ lễ phải chuẩn bị 3 con heo (mỗi con hơn 100 kg), 20 con gà, rượu, hoa, trái cây, gạo nếp, bánh chưng, bánh dày, mè... Trong mâm cúng của lễ cấp sắc, không thể thiếu bánh dày, vì đây tượng trưng cho trời đất. Thần linh sẽ chứng giám cho người thụ lễ đã thực sự trưởng thành qua lễ cúng”, bà Lan cho biết.
Bà Lan nói thêm, người cấp sắc phải ăn chay 2 ngày trước khi làm lễ, không được nói tục, chửi bậy, quan hệ vợ chồng hay để ý đến phụ nữ... Thầy thực hiện lễ cấp sắc cũng phải qua chọn lựa và phải là người có vợ.
Ông Triệu Văn Quý (một thầy cúng) cho hay thanh niên thụ lễ cấp sắc phải trải qua 2 lần lễ mới được công nhận trưởng thành, làm người lớn.
“Mỗi lễ cấp sắc phải có 7 thầy cúng hành lễ. Trong một lễ thường có 2 người được cấp sắc, một người chính và một người phụ. Người chính cầm 7 đèn và người phụ cầm 3 đèn. Người đàn ông có vợ thường được chọn để làm lễ cấp sắc trước”, ông Quý nói.
Theo thầy cúng, trong lễ trình diện, gia chủ mổ lợn để tế lễ tổ tiên. Các thầy cúng phải tẩy uế xong mới đánh trống mời tổ tiên về dự. Sau đó, thầy cúng làm lễ khai đàn để báo cho tổ tiên biết. Trong lúc làm lễ, phụ nữ cấm ra vào khu vực làm lễ, chỉ được đứng nhìn từ bên ngoài.
"Trong buổi lễ nghi thức quan trọng nhất là cấp pháp danh cho người thụ lễ. Người thụ lễ lấy vạt áo để hứng gạo từ thầy cả, cha đẻ và quan sát học một số điệu múa từ các thầy. Kết thúc nghi lễ, các thầy cúng múa để dâng rượu, lễ vật tạ ơn thần linh”, ông Quý nói thêm.
Sau khi nghi lễ cấp sắc hoàn tất, người thụ lễ được tổ tiên, thần linh và mọi người công nhận đã là người trưởng thành, người lớn trong gia đình. Những người đã được cấp sắc có thể học để trở thành thầy cúng và cấp sắc cho những người còn lại.
Trao đổi với Zing.vn, bà Phạm Thị Xuân Kiều, Cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Cư Suê, cho biết lễ cấp sắc là một nét văn hóa truyền thống được gìn giữ đến tận ngày nay của người Dao.
“Trước kia lễ cấp sắc được tổ chức 3 ngày 3 đêm. Hiện nay, tục lệ này vẫn được người Dao duy trì, nhưng chỉ thực hiện trong vòng 1 ngày 1 đêm để giảm bớt thời gian và tiền bạc”, vị cán bộ thông tin.
Người Dao tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía bắc như: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai.
Tuy nhiên từ năm 2000 đến nay, một bộ phận người Dao đã di cư vào các tỉnh Tây Nguyên để cư trú. Tại Đắk Lắk, người Dao có hơn 15.300 người. Trong đó, người Dao tập trung chủ yếu ở các huyện Cư M’gar, Mđrắk, Ea Súp…
Kinh tế truyền thống của đồng bào người Dao là canh tác nương rẫy đất dốc ở các tỉnh miền núi phía bắc. Khi di cư vào Tây Nguyên, người Dao đã thay đổi các hoạt động sản xuất để thích ứng với điều kiện tự nhiên ở địa bàn cư trú mới.
Quá trình thích ứng đó đã diễn ra và có nhiều yếu tố tác động tới thói quen sinh hoạt, canh tác cũng như đời sống văn hóa tộc người. Từ kinh tế tự cung tự cấp, sản xuất cây lương thực là chính chuyển sang sản xuất hàng hóa và thích ứng với nền kinh tế thị trường.
Do sản xuất quy mô nhỏ với diện tích canh tác hạn chế sang sản xuất quy mô lớn với các máy móc hiện đại. Điều này đã có những tác động không nhỏ tới đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa của đồng bào Dao ở Tây Nguyên.