Những chiếc đầu lân xứ Huế với nhiều nét riêng biệt so với các vùng miền khác, được xuất đi mọi miền đất nước, mang niềm vui đến cho trẻ em trong ngày Trung thu.
Những ngày đầu tháng 8 âm lịch, các lò làm đầu lân truyền thống ở TP Huế (Thừa Thiên - Huế) tất bật hoàn thành sản phẩm để đưa ra thị trường. Khuôn đầu lân được làm từ xi măng, người thợ dán giấy và hoàn tất các công đoạn cần thiết trên khuôn này.
Ngoài làm lân bằng khuôn xi măng thì đầu lân làm bằng khung sườn cũng là môt đặc trưng của lân Huế
Khung sườn được làm thủ công hoàn toàn, vật liệu chủ yếu là cây lồ ô và mây rừng.
Anh Cao Xuân Thắng (ngụ đường Ông Ích Khiêm - TP Huế) với 18 năm kinh nghiệm làm đầu lân truyền thống cho biết, đầu lân Huế độc đáo hơn các đầu lân ở các vùng miền khác bởi các họa tiết trang trí, đây cũng là công đoạn khó nhất để có được một chiếc đầu lân đẹp.
Lê Quang Nhật Trường (23 tuổi), có 4 năm trong nghề làm đầu lân cho đoàn Bạch Ngọc Đường tại TP Huế (Thừa Thiên - Huế) tâm sự làm đầu lân cực nhưng em vui và mê. Một chiếc đầu lân hoàn thành như tác phẩm nghệ thuật mà mỗi nghệ nhân muốn thổi hồn vào sản phẩm mình làm ra.
Một người thợ của cơ sở Thu Lan (đường Nguyễn Phúc Nguyên - TP Huế) đang dán giấy bồi lên lưỡi con lân. Gần đến Trung thu, các cơ sở miệt mài ngày đêm hoàn thành những đơn đặt hàng của khách trong và ngoài tỉnh.
Sau khi đầu lân lên khuôn, người thợ sẽ dán vải đính kim tuyến lên đầu lân trước khi tiếp tục vẽ các họa tiết trang trí. Khâu vẽ là phần quan trọng nhất để tạo một con lân có hồn.
Đầu ông Địa là một sản phẩm không thể thiếu khi múa lân. Đa số các xưởng làm đầu lân sẽ làm luôn đầu ông Địa để khách hàng có thể mua trọn bộ tại xưởng.
Một người thợ đang may những viền trang trí, đuôi, mi mắt và nhiều chi tiết vải để trang trí trên con lân. Để các chi tiết được kỹ càng, chính xác, họ buộc phải làm việc trong bóng tối, nhường sự tập trung của ánh sáng vào các chi tiết cần sự tỉ mỉ và cầu kỳ.
Hiện nay, ở TP Huế có hơn chục hộ gia đình vẫn giữ nghề làm đầu lân truyền thống. Những ngày đầu cận Tết Trung thu, các lò làm đầu lân hối hả hoàn thành sản phẩm để đưa ra thị trường, phục vụ khách hàng khắp nơi.
Thời điểm này, các con phố bán đầu lân cũng bắt đầu nhộn nhịp. Nhiều bậc cha mẹ đi chọn đầu lân cho con chơi trong đêm rằm, các thanh thiếu niên tụ họp nhau lại mua lân để múa kiếm tiền trong dịp này. Trong trung tâm thành phố, đường Trần Hưng Đạo và chợ Đông Ba là nơi tập trung nhiều cửa hàng bán đồ chơi Trung thu nhất, trong đó có đầu lân Huế.
Theo người làm đầu lân, để làm ra con lân hoàn chỉnh cần trải qua rất nhiều công đoạn như tạc khuôn, xẻ đầu lân khỏi khuôn, phun lót sơn, phủ bằng sơn Bạch Tuyết… Đối với một đầu lân cỡ vừa, trung bình, người thợ làm được một cái trong vòng 2 ngày. Với những người làm nghề lâu năm, một ngày có thể làm đến 2 đầu. Tuy nhiên với những chú lân nhỏ, có người trong vòng một ngày có thể làm được 5 đến 7 sản phẩm.
Đầu lân xứ Huế được bán dao động từ 600.000 đồng đến 2,5 triệu đồng tùy loại. Đầu lân Huế đặc biệt đều được vẽ bằng tay nên có được nét đặc trưng riêng biệt. Mỗi chú lân mang biểu cảm khác nhau như được truyền thần từ tay mỗi người thợ.
Chùa Wat Rong Khun hay còn gọi là chùa Trắng ở tỉnh Chiang Rai, phía Bắc Thái Lan, được đánh giá là ngôi chùa đẹp nhất thế giới, được xây dựng hoàn toàn từ thủy tinh và thạch cao.
Nếu châu Âu, châu Mỹ khoác lên mình chiếc áo yêu kiều, diễm lệ thì những quốc gia châu Á lại níu chân du khách bởi cảnh sắc đượm màu cổ tích khi thu về.