Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Độc giả chia sẻ cách ứng phó chiêu lừa ‘xe cháy kìa’

Liên tục cảnh báo xe cháy, có lòng tốt sửa giúp hoặc gọi người quen làm việc trong hãng sửa xe đến hỗ trợ là chiêu lừa vừa xuất hiện lại trên đường TP.HCM.

Câu chuyện bị lừa đảo “xe cháy kìa” và nhân viên chính hãng xuất hiện giúp thay phụ kiện của chị Nguyễn Thị Huyền (38 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) gặp phải trên đường về nhà vào tối 22/8 đã nhận được rất nhiều chia sẻ của bạn đọc. Một số người cũng tâm sự trường hợp họ gặp phải cách đây nhiều năm với kịch bản tương tự.

Chị Nguyễn kể, cách đây 7 năm, khi chị đi từ ngã ba Vũng Tàu vào Sài Gòn, đoạn đường Tân Vạn có đến 3 người nhắc nhở “xe bốc cháy, xe cháy kìa”… Thế nhưng, khi chị dừng lại xem xét thấy không có gì và tiếp tục chạy. Lúc sau, một người đàn ông trung niên yêu cầu chị tấp xe vào lề và tự xưng là nhân viên của hãng xe máy ở Long Thành. Sau một lúc xem xét chỗ gần bình xăng con, ông lôi ra miếng nhựa tròn tròn bị bể.

Do chị Nguyễn không rành về xe máy nên không biết chính xác đó là gì. Xe của chị được thay cho cái mới do ông móc từ túi ra và ông yêu cầu chị trả 580.000 đồng. Lúc này, chị nghi ngờ bị lừa nên giả vờ nói không đủ tiền, bảo ông đứng đợi chị gọi điện về để người nhà mang tiền đến.

Chị cũng quanh co, chị dùng thẻ ATM nhưng xung quanh không có máy rút tiền. Không còn cách nào khác, người đàn ông này nói cho chị thiếu nợ nhưng phải để lại số điện thoại, hôm sau chị ngang Long Thành ghé trả tiền cho ông cũng được.

“Hôm nay tôi đọc được bài viết chia sẻ về trường hợp của chị Huyền mới cảm thấy mình hên”, chị bộc bạch.

Chiêu lừa 'xe bốc khói, xẹt lửa kìa' trên đường Sài Gòn

Chị Huyền vừa chạy một đoạn, có một phụ nữ trung niên chạy xe vượt qua mặt, rồi ngoái lại nói: “Xe chị bốc khói, xẹt lửa kìa”.

Cùng thời gian 7 năm trước, cùng trên một đoạn đường Sài Gòn - ngã ba Vũng Tàu ngay khúc Tân Vạn, chị Phan thấy có vài người chạy lên nói xe chị bị cháy. Chị đã đứng lại xem thì thấy người đàn ông chở thêm người phụ nữ dừng lại chỗ chị đứng và bảo sửa giúp. Họ còn khen chị may mắn vì gặp người đang làm trong hãng sửa xe. Lúc đó, chị từ chối ý tốt của họ và nói, nếu xe có vấn đề sẽ gọi điện nhờ người nhà đến giúp.

“May mắn là tôi đã kiên quyết từ chối sự giúp đỡ của họ nếu không tôi cũng trở thành nạn nhân của trò lừa đảo. Tôi còn nhớ mình gọi điện về cho bố để báo tôi đang đứng ở địa điểm nào cũng như kể rõ hiện trạng chiếc xe. Sau đó, bố dặn tôi cẩn thận để không bị lừa và cứ bình tĩnh lái xe chạy đi về nhà”, Phan cho biết.

Còn chị Bạch Tuyết kể, 10 năm trước, chị từng bị lừa như chị Huyền. Lúc đó, chị mới biết đi xe máy, trên đường về quê vừa ra khỏi nội thành Sài Gòn gặp một cặp vợ chồng liên tục chỉ vào sau xe chị.

Mới biết lái xe nên chị cũng lo lắng, chạy thêm một đoạn là tấp vô lề. Vì lo lắng xe gặp vấn đề hơn nên chị không nhớ rõ cặp vợ chồng đó có ngoại hình ra sao. Chị thấy có một người đàn ông đứng sẵn ở lề đường nên mở miệng nhờ giúp đỡ. 

Nhiều người gặp trường hợp xe bị cảnh báo cháy, bốc khói. Ảnh: Doisong&phapluat
Nhiều người gặp trường hợp xe bị cảnh báo cháy, bốc khói. Ảnh: ĐSPL..

Điều làm chị Tuyết bất ngờ là người đàn ông này rất nhiệt tình. Ông đến chỗ xe máy của chị, tháo nắp đậy bình nhớt xem và bảo nhớt không thể chảy khiến xe bị xịt khói, nếu chị không sửa liền có thể bị cháy xe.

Chị đang dừng xe nơi vắng vẻ, cách chỗ sửa xe xa quá nên không biết phải làm sao thì người đàn ông này lấy nắp đậy bình nhớt mới toanh ra. Lúc này, người phụ nữ đi cùng nãy giờ ngồi sát lề cũng bất ngờ sốt sắng đi ra phụ, lấy giấy cho chồng lau tay làm chị giật mình.

Chị Tuyết hốt hoảng, nghĩ trong lòng "chết rồi mình bị lừa" vì người đi đường làm sao có sẵn phụ tùng thay cho xe như vậy. Làm gì có người phụ nữ nào vui vẻ trưa nắng để cho chồng sửa xe cho người phụ nữ khác mà vui vẻ thế. Thế nhưng, lúc đó, chị đang đứng ở khúc đường vắng nên không dám phản kháng hay lớn tiếng, chỉ nhanh trí nói cảm ơn. Ông không nhận lời cảm ơn suông, yêu cầu chị trả 800.000 đồng vì nắp đậy bình xăng là loại xịn.

"Những kẻ lừa đảo này thường nhắm vào nữ nhiều hơn nam. Sao không có cảnh sát hình sự nữ nào giả bộ đi đường để bắt gặp tụi cướp này nhỉ? Tội người đi đường", bạn đọc Minh Sinh đề nghị.

“Tôi hơi uất ức nhưng vẫn bình tĩnh nói đang trên đường đi khám bệnh về, trong người chỉ có 30.000 đồng, mong anh lấy tạm uống nước", chị kể lại cách xử lý của mình.

Ngay lập tức, vợ chồng nọ la lối bảo đồ xịn không có giá đó. Chị đã giả bộ lấy điện thoại ra gọi cho anh em đang chạy phía sau đến để đưa thêm tiền

"Khi họ thấy tôi bấm số hốt hoảng quá, leo lên xe chạy mất. Tôi nghĩ mình đã may mắn và nhanh trí, nhưng bây giờ nghĩ lại vẫn cảm giác còn sợ”, chị tâm sự. 

Nhật My (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm