Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Độc hành' - âm nhạc có thể chỉ cần một lần được cất tiếng

Tác phẩm "Độc hành" đã tìm ra tiếng nói chung rất đẹp của những chất liệu âm nhạc có khoảng cách xa nhau về địa lý.

Nghệ sĩ piano Phó An My vốn được biết đến ở Việt Nam mấy năm gần đây bởi hình thức biểu diễn đối thoại: đối thoại giữa tác phẩm âm nhạc chơi bởi piano và một tác phẩm thuộc nghệ thuật truyền thống Việt Nam (tuồng, chèo, chầu văn); đối thoại giữa nghệ sĩ trình diễn nhạc cụ phương Tây với nghệ sĩ/nghệ nhân trình diễn nghệ thuật truyền thống.  

Nhưng đến Độc hành (diễn ra tối 1/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội), dường như cặp đôi Đặng Tuệ Nguyên - Phó An My đang có những thay đổi trong cách tiếp cận. Tính chất trình diễn, hình thức đối thoại được thay thế bởi tinh thần đề cao cấu trúc, hình hài của tác phẩm hơn. Nói cách khác, trong hơn 1 giờ đồng hồ, khán giả thưởng thức tác phẩm Độc hành chứ không phải một buổi trình diễn lấy cảm hứng Độc hành.

Hoa nhac,  Am huong truyen thong anh 1
Phó An My thể hiện sức sáng tạo khi trình diễn piano mang tới âm hưởng núi rừng phía Bắc. Ảnh: Tuấn Đào

Mở đầu chương trình, phóng sự điện ảnh Vùng cao Đông Bắc của Đặng Xuân Trường mang tới những hình ảnh của núi rừng, nơi bát ngát gió núi, mây trời, nơi tiếng đàn Tính Tẩu, tiếng hát lượn, hát Shi, hát cọi… đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên và nghệ sĩ Phó An My sáng tạo tác phẩm.

Tiếng hát cọi là âm thanh đầu tiên phát ra trong buổi hòa nhạc. Nhiều năm trước, Phó An My làm chương trình phát triển từ hát cọi, nên chị sử dụng một điệu hát ngắn này cho lần chuyển đổi sang chu trình sáng tạo âm nhạc mới.

Hoa nhac,  Am huong truyen thong anh 2
Nghệ sĩ bộ gõ Trần Xuân Hòa mô phỏng lại tiếng lá khô trong gió. Ảnh: Tuấn Đào

Độc hành trình diễn tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh của Đặng Tuệ Nguyên, nơi Phó An My (piano), Trần Xuân Hòa (bộ gõ) và Đỗ Hải Nam (contrabass) kể lại hành trình lên núi của họ bằng âm nhạc.

Tác phẩm chia làm 6 chương, mỗi chương nhạc là một khoảnh khắc tự ngẫm, tự cảm, tự vấn của người nghệ sĩ. Vọng núi, Yêu, Nhịp núi, Dâng then, Ru rừng, Thiêng là những khúc độc tấu, hòa tấu nhạc cụ của thính phòng nhưng thể hiện âm hưởng và không gian của núi rừng phía Bắc.

Nhưng điều đặc biệt là tất cả không khí âm nhạc của một vùng đất được thể hiện qua những nhạc cụ phương Tây hoàn toàn mà không mượn tới bất cứ nhạc cụ địa phương nào. Tuy vậy, khi âm nhạc cất lên, người nghe vẫn cảm nhận được một cách rõ nét không gian và hồn cốt văn hóa những vùng đất ấy.

Phó An My có một sự tiết chế bất ngờ trong lối chơi ở Độc hành. Chị vẫn giữ được xung lực trong từng nốt nhạc cất lên nhưng người nghe, đặc biệt với những ai đã quen với tiếng đàn của My, được dẫn dắt theo một cảm hứng khác trong tiếng đàn. Đó là sự dịu dàng và tinh tế, sự lắng đọng và chiêm nghiệm nhiều hơn.

Tất nhiên, điều đó cũng là sự phản ánh về một nhân vật quan trọng nhưng không đứng trên sân khấu, nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên. Tới Độc hành, anh càng khiến người nghe bị thuyết phục bởi sự chặt chẽ và chắt lọc cũng như những sáng tạo giá trị trong việc tìm ra một tiếng nói chung của những chất liệu âm nhạc có khoảng cách về địa lý.

Độc hành không chỉ là âm nhạc mà từ âm nhạc còn mở ra không gian văn hóa, không gian tâm hồn những con người ở đông Bắc, tây Bắc đất nước. Có những thời điểm, nhạc thậm chí lùi xuống, giữ vai trò nền cho... âm. Âm của lá khô xào xạc trong gió, âm của sấm chớp của đại ngàn, âm của trong veo giọt sương trên lá, âm của trùng trùng lớp lớp núi rừng…

Hoa nhac,  Am huong truyen thong anh 3
Nghệ sĩ contrabass Đỗ Hải Nam. Ảnh: Tuấn Đào

Sau đêm diễn, trước câu hỏi liệu sự kết hợp giữa âm nhạc phương Tây với âm hưởng truyền thống, dân gian miền núi phía Bắc có “ăn khớp” với nhau không, Phó An My tự tin: “Chúng tôi thấy ổn mới đưa tác phẩm tới khán giả”.

“Chúng tôi là những người làm nghề, nếu sáng tác mà không đưa ra tác phẩm thì biết làm gì? Có rất nhiều trường phái âm nhạc, và chúng tôi làm con đường riêng của mình. Đặng Tuệ Nguyên làm khí nhạc, tôi chơi piano cổ điển, Trần Xuân Hòa… cũng vậy. Chúng tôi chơi nhạc cổ điển, và hôm nay diễn giải tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam” – Phó An My nói.

Theo nghệ sĩ, trên thế giới, cách chơi nhạc giao hưởng mang âm hưởng dân gian không có gì là lạ. Bởi vậy, khi chị và các bạn đồng hành đưa âm hưởng truyền thống vào âm nhạc phương Tây, có nghĩa là nghệ sĩ nước ngoài cũng có thể hiểu, chơi được âm nhạc truyền thống Việt Nam. Và như vậy, tinh thần âm nhạc truyền thống Việt Nam có thể đi xa hơn.

Sau chương trình Độc hành, các chặng đường sáng tạo tiếp theo của Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên tiếp tục chuyển theo hướng độc thoại, là sự tự cảm, tự ngẫm của người nghệ sĩ với một loại hình nghệ thuật, âm hưởng truyền thống của Việt Nam. 

Không ít khán giả bước ra khỏi Nhà hát lớn Hà Nội trong sự tiếc nuối. Tiếc bởi một tác phẩm như thế, nếu có bản ghi âm sẽ thật đáng giá, để sự thưởng thức không chỉ là một lần và có thể đi sâu hơn vào những ngóc ngách nghệ thuật mà cuộc gặp gỡ đầu tiên có thể chưa đủ để người nghe có thể chạm tới.

Nhưng biết làm sao, Phó An My và những người nghệ sĩ đồng hành với chị dường như chỉ cần một buổi diễn cho tác phẩm của họ. Buổi diễn kết thúc cũng là lúc hơn 100 tờ tổng phổ kín đặc nốt vung vãi dưới chân người nghệ sĩ. Tác phẩm dường như chỉ cần một lần được cất lên là đủ...

Phép thử thị trường bất chấp lỗ của 'ông giám đốc' Tấn Minh

"Hà Nội xưa và nay" là chương trình bán vé đầu tiên của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Nhưng tiếc rằng, phần đông lại là vé mời.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm