Một đàn ngỗng bao gồm 9 con đang tuần tra vòng quanh dải đất nằm giữa hàng rào bên ngoài và bức tường của nhà tù São Pedro de Alcantara (Brazil). Theo các lính gác ở đây, chúng là “một lữ đoàn” với những “đặc vụ” hung dữ và nhạy bén.
Hiếu chiến và có bản năng bảo vệ lãnh thổ cao, những con ngỗng nặng đến 4 kg là một “cơn ác mộng” của các tù nhân lẫn lính canh ở đây. Bởi lẽ, chúng tấn công bất kỳ ai dám đặt chân vào lãnh thổ của mình sau khi phát ra những âm thanh cảnh báo chói tai như tiếng còi ô tô.
“Hung thần” ngỗng
Trước đây, theo Marcos Souza - Giám đốc nhà tù, những con chó được trưng dụng để canh gác dải đất bao quanh nhà tù. Tuy nhiên, giải pháp này không mang lại hiệu quả cao vì lũ chó thường ngủ trưa và phải được chăm sóc đặc biệt. Souza cho biết nhà tù phải trả 7.000 USD tiền mua chó và hàng nghìn USD tiền thức ăn và thú y mỗi tháng cho mỗi chú chó giống Malinois của Bỉ.
“Những con ngỗng không bao giờ bị bệnh và chỉ cần cho ăn cơm là được”, ông Souza so sánh.
Theo giám đốc nhà tù, việc sử dụng ngỗng làm lính canh vừa tiết kiệm vừa hiệu quả hơn sử dụng chó. Ảnh: Wall Street Journal. |
Các nhân viên nhà tù nảy ra ý tưởng sử dụng ngỗng làm lính canh khi họ bị một đàn ngỗng tấn công vì tổ chức tiệc nướng ở lãnh thổ của chúng. Giống như nhiều nhà tù khác ở Brazil, nhà tù São Pedro de Alcântara lúc đó đang chật vật với các vấn đề về tài chính. Do đó, giám đốc nhà tù đồng ý sử dụng ngỗng thay chó nghiệp vụ.
Nông dân địa phương từng sử dụng ngỗng để xua đuổi những kẻ xâm nhập trái phép. Thậm chí, theo một truyền thuyết từ thời La Mã, ngỗng còn đảm nhận vai trò lính canh trong cuộc chiến giữa Gallic và Rome nhờ tiếng kêu chói tai và thính giác nhạy bén của mình.
Một lợi thế khác giúp ngỗng cướp được công việc lính canh từ tay đàn chó là vì chúng không thể bị hối hộ. “Những con chó có thể bị một miếng bít tết thuyết phục dễ dàng cũng như một tay cai ngục có thể bị một xấp tiền dụ dỗ. Điều đó là bất khả thi với ngỗng, việc làm bạn với chúng là không thể nào”, Marcos Coronetti, nhân viên nhà tù, chia sẻ.
Giây phút Tweety chuẩn bị tấn công Souza. Ảnh: Wall Street Journal. |
“Ngỗng không phân biệt đối xử, chúng ghét tất cả”, Souza nói trong khi Tweety, một trong những “hung thần hung dữ nhất” của bầy ngỗng, tiến đến gần ông. Khi Souza đang nói chuyện, Tweety vươn cổ và rít lên, kêu gọi cả đàn lao vào viên cảnh sát lực lưỡng. Souza tháo chạy ngay sau đó.
“Chúng tấn công bất kỳ ai dám bước vào lãnh thổ của mình, kể cả chúng tôi, những người cho chúng ăn hàng ngày”, Souza chia sẻ sau khi thoát khỏi bầy ngỗng.
“Ác mộng” của tù nhân
Vì sự hung dữ của bầy ngỗng, nhiệm vụ chăm sóc ngỗng được xem như một trong những hình phạt nặng nề nhất đối với các tù nhân.
“Cho ngỗng ăn là một ác mộng”, một tù nhân đang thụ án 20 năm vì tội giết người cướp tài sản chia sẻ. Anh kể bản thân từng bị bầy ngỗng tấn công khi đang sơn lại cổng ra vào của nhà tù.
Thậm chí, “lữ đoàn” ngỗng còn hoạt động vào ban đêm. Theo Coronetti, lũ ngỗng có thể định vị những âm thanh nhỏ nhất dọc theo bức tường cao gần 8 m của nhà tù nhờ khả năng nhìn rõ vào ban đêm và thính giác nhạy bén.
“Ngỗng hoạt động cả đêm lẫn ngày. Nếu quan sát camera, bạn sẽ thấy chúng thay phiên nhau đi lạch bạch xung quanh tường bao để giám sát những kẻ xâm nhập”, Coronetti chia sẻ. “Thời gian mà chúng đi ngủ vẫn còn là một bí ẩn”.
Theo Coronetti, đàn ngỗng sẽ thay phiên nhau tuần tra vào ban đêm. Ảnh: Wall Street Journal. |
Ý tưởng sử dụng ngỗng để canh gác đang trở nên phổ biến tại các nhà tù Brazil. Gần đây, các nhân viên ở nhà tù Rio de Grande do Sul đã thuê một “lữ đoàn” ngỗng để giám sát quá trình vận chuyển hàng hóa cho tù nhân. Một nhà tù ở bang Paraná của Brazil cũng phát hiện một kho thuốc nổ và một phòng chế biến rượu phi pháp trong tù nhờ các giác quan phi thường của đàn ngỗng.
Trên mạng xã hội, bầy ngỗng ở nhà tù São Pedro de Alcântara cũng khá được yêu thích. “Khi chia sẻ các hoạt động của nhà tù, chúng tôi chỉ nhận được 1.000 lượt thích. Nhưng khi đăng ảnh về bầy ngỗng, những bài đăng luôn nhận được ít nhất 7.000 lượt thích”, Souza nói.
Dù vậy, ông vẫn nhấn mạnh rằng nhà tù, nơi giam giữ những tội phạm nguy hiểm bậc nhất, có nhiều biện pháp vũ trang hơn là một bầy ngỗng. “Chúng tôi có súng, súng trường loại 7,62 mm và 5,56 mm. Có thể nói bầy ngỗng chỉ là một biện pháp an ninh bổ sung”, giám đốc nhà tù khẳng định.
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.