Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đôi chân tật nguyền và ước mơ đại học

Mang căn bệnh lạ từ khi còn nhỏ, trải qua thời thơ ấu nhọc nhằn trong gia đình nghèo, Vũ Văn Cao (Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn luôn cố gắng phấn đấu vì ước mơ đại học.

Bữa cơm chiều trong căn phòng nhỏ tại khu chung cư mini tại ngõ 51, Tương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) đầy ắp tiếng cười. Đây là bữa cơm đầu tiên cô Hiền, chủ nhà, chiêu đãi các bạn học sinh sẽ tham gia kỳ thi THPT năm nay.

Đây đều là những thí sinh nghèo được Thành đoàn Hà Nội hỗ trợ chỗ ăn, ở trong chương trình Cùng bạn đi thi.

Ngồi giữa các bạn là Vũ Văn Cao, học sinh trường THPT Phú Xuyên A, một trong 24 học sinh được giúp đỡ. Chàng trai lần đầu rời gia đình, một mình lên Hà Nội dự thi nên không tránh khỏi sự rụt rè, hồi hộp.

Khi được hỏi về mình, nam sinh trầm ngâm: "Cá nhân em không có gì đáng nói, chỉ may mắn hơn khi nhận được sự quan tâm của gia đình, bè bạn".

Thí sinh đặc biệt của kỳ thi THPT quốc gia 2016 Những khuyết tật bẩm sinh không ngăn Vũ Văn Cao cố gắng phấn đấu vì ước mơ Đại học/

Nỗ lực của chàng trai "tàn nhưng không phế"

Cao kể mình mang căn bệnh lạ, sống mũi không phát triển, cổ họng từng phải phẫu thuật mở ống thanh quản. Các từ Cao nói ra bị ngọng như ngạt mũi. Âm không được tròn trịa, nhiều âm tiết bị mất, phải cố gắng tập trung mới nghe được lời cậu nói.

Đôi chân của nam sinh, xương ống đồng phát triển lệch, hai bàn chân không thể đứng bằng trên mặt đất nên việc đi lại rất khó khăn. Khi trèo cầu thang, em phải có người giúp đỡ. 

ky thi THPT quoc gia 2016 anh 1
Lần đầu xa gia đình, một mình lên Hà Nội dự thi, Vũ Văn Cao không khỏi lo lắng và hồi hộp. Ảnh: Ngân Giang.

Những ngày ở Hà Nội, Cao ở khu trọ có cầu thang. Nhiều lúc, các bạn và anh chị tình nguyện viên phải đỡ, thậm chí bế, đỡ nam sinh.

"Ngày thường thì không sao, nhưng những hôm gió lạnh, em đau buốt lắm. Những hôm mùa đông, em nhức xương khớp đến mức phải nghỉ học. Người mỏi rã rời, tay chân mất hết sức lực. Mũi không thở được, phải hô hấp bằng họng, thế là viêm họng, đau sang cả tai", Cao tâm sự.

Nhà nghèo, bố bị khuyết tật, không có khả năng lao động, ông nội ốm yếu, chỉ có mẹ Cao giúp việc thuê quanh làng. Thỉnh thoảng, bà đi làm xa, kiếm tiền nuôi cả nhà và con trai đang tuổi ăn học.

"Em từng trải qua 6 lần phẫu thuật, 4 lần mổ chân và bàn chân, 2 lần mổ mũi, họng. Mỗi khi em vào viện là gia đình lại khó khăn hơn. Bố với ông em đều có bệnh nên gánh nặng nằm hết trên vai mẹ", chàng trai 20 tuổi nói.

Theo lời Cao, cha của cậu bệnh nặng, chỉ ngồi được một chỗ, đan lưới thuê. Ông được trả công 10.000 đồng cho một tấm lưới hoàn chỉnh. Ngày nào khỏe mạnh, ông đan được 2 chiếc. Có ngày trái gió trở trời, tay chân đau nhức, ông chẳng làm được gì.

ky thi THPT quoc gia 2016 anh 2
Vũ Văn Cao là 1 trong 24 thí sinh được chọn giúp đỡ trong chương trình Cùng bạn đi thi của Thành đoàn Hà Nội. Ảnh: Ngân Giang.

Khi còn nhỏ, Cao nhiều lần bị bạn bè trêu chọc vì đôi chân mang bệnh, trốn vào một góc khóc. "Nhưng bây giờ hết rồi", chàng trai cười nói.

Nam sinh giải thích, so với những người khác, cậu còn may mắn được đến trường, có gia đình và bạn bè ở bên, chút khuyết tật ngoài cơ thể không ảnh hưởng việc cậu phấn đấu học tập và theo đuổi ước mơ.

Ước mơ đi học và tự nuôi sống bản thân

Ngày bé, phải nghỉ học vì bệnh tật triền miên, nên Cao lớn hơn các bạn cùng lớp 2 tuổi. Cũng vì thế, cậu hiểu được đến trường là một điều hạnh phúc.

"Nhiều người cứ mong những điều cao sang, còn em chỉ cần được cầm cuốn sách trên tay, ngửi mùi giấy thơm, nghe thầy cô giảng bài là đủ", chàng trai tâm sự.

Mấy năm trước, để không làm phiền gia đình, nam sinh tự tập đi xe đạp đến trường. Việc lên, xuống xe đối với cậu rất khó khăn và tốn thời gian, nhưng lâu rồi cũng quen. "Em được bạn bè và thầy cô trong trường giúp đỡ nhiều lắm. Đến được trường, khó khăn thế nào em cũng vượt qua".

Lần đầu tiên lên Hà Nội dự thi, nam sinh tâm sự kế hoạch ban đầu là mẹ đưa đi, nhưng nhà còn ông và bố, nên em đi một mình. "Mọi người đưa em lên Hà Nội, tìm chỗ ở miễn phí, nấu cơm, đưa đến điểm thi. Buổi tối, các anh chị tình nguyện viên còn cùng em ôn lại kiến thức".

Gia đình mong muốn cậu làm việc trong ngành công nghệ thông tin, nhưng bản thân Cao chưa chắc chắn về chuyên ngành đó.

"Em chỉ có một ao ước, đỗ đại học, tìm được một công việc ổn định, có thể tự nuôi sống bản thân, không để mẹ phải lo lắng. Còn với kỳ thi trước mắt, nói điều gì bây giờ cũng quá sớm. Em chỉ biết sẽ phải cố hết mình, đạt kết quả cao nhất có thể", nam sinh chia sẻ.

Một người bạn của Vũ Văn Cao kể: "Cao là học sinh thông minh, học giỏi trong lớp, nhất là môn Toán. Ba năm trung học, cậu ấy đều đạt học sinh giỏi nhưng rất khiêm tốn. Nếu có ai hỏi, cậu ấy đều nói: mình rất bình thường, không có gì nổi bật. Nhưng chính nghị lực, lòng ham học và sự nỗ lực của bạn là điều khiến thầy cô và bạn bè trường Phú Xuyên A cảm phục".

Hoàng Văn Quân (sinh năm 1993, sinh viên ĐH Dược, tình nguyện viên giúp đỡ Cao suốt đợt thi nàycho biết, nói chuyện với Cao mới nhận thấy được sự lạc quan, ý chí và nghị lực vượt khó mà có lẽ nhiều người bình thường cũng khó mà có được. 

"Dù đi lại khó khăn nhưng Cao vẫn tự học rất tốt. Mình thật sự mong Cao đạt kết quả tốt trong kỳ thi tới, vào được ngôi trường bạn mong muốn".

Nữ sinh không tay ước mơ vào đại học

Ở cụm thi Thanh Hóa, Lê Thị Thắm là thí sinh đặc biệt của kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Em sinh ra không có đôi tay nhưng đã hoàn thành 12 năm học với đôi chân viết chữ khéo léo.


Ngân Giang

Bạn có thể quan tâm