Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đòi chi phí tái tạo do bị… rạch mặt

Người bị hại yêu cầu tòa buộc bị cáo phải chịu chi phí phẫu thuật thẩm mỹ tái tạo khuôn mặt cho mình.

TAND huyện Phú Hòa (Phú Yên) vừa trả hồ sơ vụ án Huỳnh Thị Tâm (41 tuổi, ngụ thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa) cố ý gây thương tích để điều tra bổ sung và đề xuất giải quyết phần dân sự của vụ án.

Trong vụ này, người bị hại đã yêu cầu bị cáo bồi thường 90 triệu đồng chi phí phẫu thuật thẩm mỹ để khắc phục vết thương trên khuôn mặt mình.

"Mật phục" đánh ghen

Theo hồ sơ, tối 4/5/2013, Võ Văn Sáng (20 tuổi, con trai bị cáo Tâm) thấy cha mình vào nhà bà LTT nên về nói cho mẹ biết. Cho rằng chồng mình ngoại tình với bà T, Tâm cùng con trai chạy đến nhà người phụ nữ này để bắt quả tang.

Đến nơi, thấy nhà bà T. đóng cửa, Sáng núp sau một bức tường chờ, còn Tâm ra phía sau nhà bà T. xem xét. Trên đường đi, Tâm gặp và rủ thêm cô em chồng tên là Võ Thị Nguyệt. Nguyệt lại gọi thêm chị mình là Võ Thị Thanh Thu đang ở chơi cạnh nhà bà T. để cùng tham gia. Sau đó, chị em bị cáo Tâm chia nhau đứng canh xung quanh nhà bà T.

Đến khoảng 20h, khi con trai bà T. đi chơi về vừa mở cửa vào nhà, Tâm cùng con trai xông vào đánh bà T. tới tấp. Tâm nắm tóc bà T. kéo ngược ra sau, dùng dao lam rạch nhiều nhát vào mặt bà T. Sau đó, Tâm vừa kéo bà T. ra ngoài sân vừa tiếp tục cầm dao lam rạch liên tiếp vào mặt bà T. Ra ngoài đường, Tâm còn tiếp tục tìm cách kéo quần bà T. để bôi xấu. Bà T. được người thân đến giải cứu, đưa đi cấp cứu, điều trị 10 ngày tại bệnh viện.

Trung tâm Giám định pháp y Phú Yên xác định bà T. bị thương tích 18% (trong đó 8% là vĩnh viễn) do bị tác động bởi vật sắc gây nên. Ngoài ra, kết luận giám định còn chỉ ra vết thương để lại ở vùng mặt bà T. có ảnh hưởng đến thẩm mỹ với tỷ lệ thương tích 15%.

Bà T với các thương tích trên mặt do bị rạch bằng dao lam.

Bỏ lọt đồng phạm?

Theo xác định của cơ quan điều tra, trong lúc bà T. bị đánh, ngoài Tâm và con trai còn có bà Nguyệt, bà Thu và Huỳnh Thị Sớt (em ruột bị cáo Tâm). Tuy nhiên, VKSND huyện Phú Hòa chỉ truy tố một mình bà Tâm tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 BLHS (có mức án từ hai đến bảy năm tù).

Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư Nguyễn Hương Quê (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, bảo vệ quyền và lợi ích cho người bị hại) đề nghị TAND huyện Phú Hòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Luật sư Quê cho rằng, ngoài Huỳnh Thị Tâm còn có ba người khác cùng tham gia đánh bà T. là Võ Văn Sáng, Võ Thị Thanh Thu và Huỳnh Thị Sớt nhưng cơ quan điều tra không khởi tố họ. Trong quá trình tố tụng, bà T. đã có nhiều đơn yêu cầu khởi tố thêm Sáng, Thu, Sớt bởi bà khẳng định ba người này đã cùng Tâm xông vào đánh bà. Đến nay bà T. cũng không biết ai là người dùng dao lam rạch mặt mình do lúc đó trời tối.

Tại phiên tòa, trước câu hỏi của luật sư Quê, ông Sáng, bà Thu, bà Sớt không giải thích được lý do họ có mặt tại nhà bà T. “Bà T. là người làm thợ hồ, thể lực rất khỏe trong khi bà Tâm bị bệnh tim, thể lực yếu hơn bà T. nhiều nên một mình bà Tâm không thể nào đánh được bà T.” - luật sư nói.

Ngoài ra, một nhân chứng đã phát hiện có đến hai dao lam tại hiện trường nhưng cơ quan điều tra không thu thập chứng cứ, không lấy lời khai của nhân chứng này. Trong cáo trạng, VKS cũng nói có hai nhân chứng đã nhìn thấy nhiều phụ nữ cùng đánh bà T. nhưng do trời tối nên không xác định được ai đánh, đánh như thế nào.

Yêu cầu bồi thường chi phí phẫu thuật thẩm mỹ

Tại tòa, ngoài chi phí điều trị các vết thương trong thời gian nằm viện (hơn 13 triệu đồng), bà T. còn yêu cầu tòa buộc bị cáo Tâm phải chịu chi phí phẫu thuật thẩm mỹ khuôn mặt bà trở lại như cũ là 90 triệu đồng. Tuy nhiên, bị cáo Tâm không chấp nhận vì cho rằng số tiền này quá nhiều, bị cáo không có khả năng.

Cuối cùng, tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung, trong đó yêu cầu VKS đề xuất hướng giải quyết phần dân sự của vụ án.

Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Viện trưởng VKSND huyện Phú Hòa, yêu cầu của người bị hại là có cơ sở, đó là chưa nói hoàn cảnh của người bị hại rất khó khăn, không thể tự bỏ tiền để đi giải phẫu thẩm mỹ. “Trước đây, viện có đề nghị bị cáo và bị hại thỏa thuận bồi thường chi phí thẩm mỹ nhưng hai bên có ý kiến khác biệt nhau. Khi trả hồ sơ, tòa có yêu cầu giải quyết phần bồi thường nên viện đang kiểm tra lại, đề nghị hai bên thỏa thuận, tạo điều kiện cho bị can khắc phục hậu quả trước khi xét xử lại. Nếu hai bên vẫn không thống nhất được thì tiếp tục ra tòa phán xét” - ông Tiến nói.

Trong khi đó, luật sư bảo vệ cho người bị hại cho rằng, ở đây không có sự trả giá ít hay nhiều mà bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường. Luật quy định bị cáo phải bồi thường những chi phí điều trị hợp lý, trong đó có phần phẫu thuật thẩm mỹ, xóa thương tích trên khuôn mặt.

http://plo.vn/toa-an/doi-chi-phi-tai-tao-do-bi-rach-mat-455114.html

Theo Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm