Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội nghị về công tác phối hợp giữa Uỷ ban Tư pháp với các đoàn ĐBQH trong xử lý đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp, được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tại Đà Nẵng trong ngày 25/8.
Thích kiện tụng
Đại biểu Phan Huỳnh Sơn (Chánh án TAND tỉnh An Giang) cho biết có nhiều trường hợp dù đã được cơ quan chức năng trả lời, dù có trả lời đến đâu đi chăng nữa vẫn cứ hàng tuần làm đơn gửi tiếp.
Đại biểu Sơn cho biết bản thân ông dính một vụ rất dai dẳng mà biết người tố cáo theo ông đánh giá là bị tâm thần hoang tưởng nhưng vẫn không dứt ra được.
“Tôi là Chánh án trực tiếp tiếp người ta mà họ còn bảo là tôi không xứng đáng để tiếp. Rồi chỉ đạo luôn là để tui truy cứu trách nhiệm hình sự thẩm phán tối cao và kiểm sát viên tối cao xong rồi ông mới có thẩm quyền xem xét việc này”, đại biểu Sơn chia sẻ.
ĐBQH Phan Huỳnh Sơn cho hay, có nhiều người đi kiện có dấu hiệu tâm thần. |
Theo đại biểu Sơn, đối với một số loại đơn thư mà người tố cáo có dấu hiệu thì cần phải giám định tâm thần để xem xét có xử lý đơn hay không. Nhưng đến nay việc này vẫn chưa làm được.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk) cũng cho biết Đắk Lắk đang dính một trường hợp người khiếu nại trú tại Đà Nẵng.
“Người này đòi tố cáo cả tôi, rồi tới tận các lãnh đạo cấp cao. Anh em rất áp lực với trường hợp này. Dù đã xử đi xử lại rất nhiều lần nhưng người này vẫn cứ làm đơn tung lùng xèng cả lên”, ông Hữu nói.
Đại biểu Hữu cho rằng có những vụ án mà người khiếu nại, tố cáo có biểu hiện tâm thần, trường hợp người khiếu kiện ở Đà Nẵng cũng vậy.
Đại biểu Hữu kể tiếp: “Có trường hợp nữa là chuyện không phải của mình nhưng vẫn cứ nhận của mình rồi đi kiện. Có lần bà này đổ cả một bao tiền vào mặt thẩm phán, thẩm phán thấy tiền sợ quá nên phải gọi hết thư kí, chánh án… đến chứng kiến.
Có hôm bà này mặc đồ tang lên sân toà ngồi kèm theo 10 lon bò húc vừa chửi vừa bồi dưỡng. Thậm chí, chọc tiết lợn ở nhà rồi bỏ vào chai cầm lên toà đổ từ đầu đổ xuống. Bà này còn bảo nhà còn ba con lợn nữa sẽ về tiếp tục làm, không sợ gì cả, nhà đầy tiền, đầy heo. Mà đây không phải là chuyện của bà ấy”.
Tuy nhiên, theo ông Hữu, cũng bà này nhưng khi thấy các chấp hành viên thi hành án thì sợ, trốn về không giám làm gì nhưng về toà lại chửi, làm ác liệt. Giờ qua hai cấp xét xử và ba vòng tố tụng rồi mà bây giờ quay lại tiếp tục nữa. Cũng không có gì cả nhưng toà cấp cao không hiểu rồi cứ bắt làm đi làm lại.
Bà Lê Thị Nga (Chủ nhiệm Uỷ ban tư Pháp Quốc hội) cho hay, trường hợp ở Đà Nẵng mà đại biểu Hữu nêu thì cứ 2-3 ngày là có đơn gửi đến tay bà mà viết rất lung tung. “Theo tôi nghĩ những dạng như thế này là có vấn đề”, bà Nga nói.
Đại biểu Hữu cho biết có nhiều vụ việc cơ quan ông hết khổ vì người đi khiếu kiện tố cáo có dấu hiệu tâm thần. |
"Tư pháp chậm trễ thì công lý bất công"
Trong khi đó, góp ý cho hội nghị lần này, TS Đỗ Văn Đương (Phó trưởng ban dân nguyện của Quốc hội) cho hay mỗi năm có đến hàng chục ngàn đơn khiếu nại tố cáo về tư pháp về các quyết định, hành vi tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử và việc thi hành án.
“Trong đó nhiều nhất vẫn là khiếu nại đề nghị giám đốc thẩm các bản án, quyết định dân sự, án hành chính của toà án. Mỗi năm có đến 5.000 - 6.000 đơn trong đó liên quan đến nhà đất, vay nợ chiếm tới 80%”, ông Đương cho biết.
Theo ông Đỗ Văn Đương, hình sự thì chủ yếu khiếu nại kêu oan, bỏ lọt tội phạm, tố cáo điều tra viên bức cung nhục hình, thẩm phán làm sai lệch hồ sơ vụ án, thẩm phán ra bản án quyết định trái pháp luật.
Nếu giải quyết 100% các đơn khiếu nại thì có thể xem xét lại đến 1.000 số phận kêu cứu vì oan ức...
“Có nhiều vụ việc khiếu nại của công dân là có căn cứ, dai dẳng, kéo dài có vụ 10-20 năm. Dân đội hàng tạ đơn đi đòi công lý nhưng càng tìm, càng mất hút. Nhiều vụ án hình sự kéo dài trên 5 năm chưa giải quyết xong. Tư pháp còn chậm trễ thì công lý bất công, quyền lợi của người dân bị xâm phạm nên cần có sự giám sát của các cơ quan dân cử”, ông Đương nói.