Ở trại giam Hồng Ca (Bộ Công an), phạm nhân Nguyễn Ngọc Chấn (66 tuổi, quê ở huyện Trấn Yên, Yên Bái) là một người đặc biệt. Ông là một trong những trại viên già nhất, được đánh giá cải tạo tốt nhất và thụ án với thời gian ngắn nhất (8 tháng).
Nói về những thứ nhất đó, trại viên tuổi lão cười trừ: “Đời tôi nếm đủ biến cố, những thứ đó không nói lên điều gì. Tôi mong được sớm ra trại để sống ngày năm cuối đời thật an nhàn” - phạm nhân sinh năm 1949 bày tỏ.
Từng thoát chết trong đợt bom B52 rải thảm tại chiến trường Quảng Trị những năm đầu 1970, ông Chấn kể mình bị thương nên được chuyển về an dưỡng, điều trị tại Vĩnh Phúc.
Phạm nhân Nguyễn Ngọc Chấn. Ảnh: Lê Hiếu. |
Vài năm sau khi phục viên, ông về quê cưới vợ, có 5 người con (3 gái, 2 trai). Hỏi về hoàn cảnh gia đình, phạm nhân mái tóc muối tiêu cứ kể nhát gừng, ngắt quãng, như chính những trắc trở, gập ghềnh trong đời ông lão đã bao lần cố vượt qua mà chẳng nổi.
Chia sẻ về biến cố đầu tiên của mình, phạm nhân lớn tuổi bảo đó là khi hay tin cậu con trai út mắc nghiện. “Tôi khuyên nó đi cai thì cháu một mực chối không nghiện, còn vợ lại ra sức căn ngăn” - trại viên giãi bày rồi bảo, con út của ông cứ thế dấn sâu vào ma túy.
Anh con thứ sau này ra quân, trở về Yên Bái cũng không tìm được việc làm ổn định. “Nó muốn giúp em trai xa rời nghiện ngập nên rủ cùng lên Lào Cai làm nghê thợ xây. Ở đây 5-6 tháng, thằng em lại kéo anh vào ma túy”, ông Chấn trùng giọng khi kể về 2 người con mà theo ông là 2 niềm hy vọng lớn nhất của cuộc đời mình.
Cuộc sống gia đình ông từ ngày có 2 con vướng nghiện liên tục bị xáo trộn. Năm 2006, sau lần vợ chồng cãi vã, ông làm đơn ly hôn và chọn cách sống một mình.
“Hai năm sau ngày tôi bỏ vợ thì thằng con út qua đời, cậu anh đang sống nhưng cũng nhiễm HIV sắp chết” - ông thở dài.
Nói về hành vi phạm tội của mình, trại viên mang khuôn mặt đượm buồn kể, cuối năm 2013, ông được làm đại diện cho những hộ dân bị thu hồi đất, đi thực địa cùng hội đồng bồi thường hỗ trợ và tải định cư huyện Trấn Yên. Lợi dụng việc này, ông Chấn gặp người dân trong diện bị hồi đất, ép họ phải đưa 15 triệu khi nhận tiền đền bù.
Ông Chấn là phạm nhân lớn tuổi nhất trại giam Hồng Ca chờ xét đặc xá. Ảnh: Lê Hiếu. |
Khi đang cưỡng đoạt tiền, ông bị cơ quan công an bắt quả tang, tòa tuyên án 36 tháng tù giam.
Ông lão quê Yên Bái bảo, môi trường người lính trước kia dạy cho mình biết cách vượt qua gian khó, nên ngày nhập trại giam Hồng Ca, xác định tư tưởng phải cải tạo tốt để sớm trở về cuộc sống đời thường.
Được quản giáo động viên, xếp cho cải tạo ở đội may với công việc phù hợp với điều kiện sức khỏe, phạm nhân 66 tuổi bảo cảm phục vô cùng. “Làm ở đây được 3 tháng, tôi nhận tuyên dương là lao động tốt” - ông Chấn nói.
Nhắc đến phạm nhân lớn tuổi, đại úy Hà Mạnh Hoàn - Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ (Trại giam Hồng Ca) cho biết, trại viên Chấn là người cao tuổi nhất được xem xét đặc xá dịp 2/9 tại trại giam Hồng Ca.
“Chú từng được nhận Huân Chương kháng chiến hạng Ba, là bệnh binh nên trong số những phạm nhân đứng đầu danh sách được xét” - cán bộ trại giam thuộc Bộ Công an thông tin. Tính từ ngày nhập trại Hồng Ca đến 31/8/2015, phạm nhân này bị giam hơn 8 tháng.
Ngóng chờ niềm vui điềm tĩnh hơn mọi bạn tù khác, phạm nhân 66 tuổi nói chẳng biết ông có nằm trong số những người may mắn được đặc xá hay không nên chưa báo tin cho gia đình.
“Nếu được về nhà, tôi tính sẽ nghỉ ngơi một thời gian. Già rồi, chắc phải đan thuyền nứa, thả lưới đi đánh lưới trên sông kiếm sống qua ngày vậy” - ông lão chờ đặc xá trải lòng.
Ngày cuối cùng của tháng 8, trại giam Hồng Ca (Yên Bái) sẽ tổ chức công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho các phạm nhân đủ điều kiện được xét duyệt dịp 2/9. Trên 200 phạm nhân đang ngóng chờ giây phút đó.