Đổi mới giáo dục: Bất cập từ SGK đến giáo viên
Phân tích của các GS đầu ngành cho rằng, hệ thống giáo dục của chúng ta đang có rất nhiều bất cập, từ sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên đến chính sách, chiến lược trong lĩnh vực tối quan trọng này.
Để đổi mới giáo dục, cần chấn chỉnh tất cả những tiêu cực, thương mại hóa. |
Cần thay đổi lại chương trình
Vấn đề không phải chỉ nằm ở 11 hay 12 năm học phổ thông mà là thiết kế chương trình. Đó là ý kiến của GS Lâm Quang Thiệp. Theo GS Thiệp, cả hệ thống GD phổ thông và đại học (ĐH) mà để 12 năm +4 năm thì quả là quá dài. Nếu tính chung, bớt được 1 năm thì rất tốt.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cắt phắt đi một năm ở bậc này hay bậc kia mà là giữa phổ thông và ĐH phải được thiết kế một cách hài hòa. Chẳng hạn, nếu bớt đi 1 năm ở phổ thông thì chương trình ĐH phải được thiết kế lại.
Ví dụ, ở Mỹ, trong 4 năm sinh viên học ĐH thì 2 năm dành cho kiến thức phổ quát và 2 năm sau dành cho kiến thức nghề nghiệp. Hai năm đào tạo đầu ở Mỹ rất quan trọng, tạo nên mặt bằng kiến thức để học ĐH.
Điều này là do ở Mỹ chương trình phổ thông rất phân tán, mỗi bang mỗi khác do giảng dạy các chương trình khác nhau, vì vậy, họ phải khắc phục sự khác biệt đó bằng 2 năm đầu ở ĐH.
Ở Anh, bậc ĐH chỉ học 3 năm do phần giáo dục phổ quát ít hơn và cũng bởi nước Anh đưa người học vào GD nghề nghiệp ngay.
Quá trình thống nhất hệ thống giáo dục ĐH ở châu Âu đã công bố: ĐH ít nhất là 3 năm. Vì vậy, nếu phổ thông của ta chỉ dạy 11 năm thì giai đoạn giáo dục kiến thức phổ quát đầu tiên của bậc ĐH phải được chú trọng như ở Mỹ, vì phần kiến thức đó rất quan trọng đối với sinh viên.
Hiện nay, đào tạo bậc ĐH của chúng ta mất nhiều thời gian cho những môn phụ nên cần phải được thiết kế lại để phần giáo dục tổng quát tốt hơn. Nếu chúng ta thiết kế chương trình phổ thông 12 năm thì giai đoạn cuối cùng của bậc học này nên có giáo dục tổng quát giúp định hướng nghề nghiệp tốt hơn.
Nói chung, cả phổ thông và ĐH bớt đi một năm thì tốt, vì đối với giáo dục, thời gian dài bao nhiêu cũng không thể cung cấp đủ những kiến thức cần thiết cho một con người.
“Tôi ủng hộ rút ngắn thời gian học tập. Học sinh phổ thông của ta đang học quá sâu, quá nặng, cứ như là đào tạo để học sinh ra thành chuyên gia, thành ra mất cả tính phổ thông và chúng ta đã nhồi nhét kiến thức chứ không rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Bớt thời gian học tập nhưng phải thay đổi chương trình và cách học thì việc học tập sẽ hiệu quả hơn. Đây là việc khó và lâu dài” - GS Thiệp nói.
Sẽ tiếp tục lạm thu và dạy thêm học thêm?
Trong 164 nước thì có tới 128 nước theo mô hình 12 năm; một số áp dụng 13, 14 năm; một số nước là 11 năm. Ở Việt Nam, từ năm 2003 đến nay, chúng ta đã thực hiện 12 năm và tình hình tương đối ổn định, vì vậy, nên giữ nguyên mặc dù trong nội bộ ba cấp học có thể phải tính sau.
Để GD phổ thông 12 năm, việc hội nhập rất thuận lợi: mấy vạn học sinh VN đi du học các nước Anh, Mỹ, Singapore hòa nhập rất tốt. Trên đây là ý kiến của GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, theo GS Hạc, chúng ta cần tiến hành viết lại sách giáo khoa (SGK), sớm hơn mà không nên để lại sau năm 2015. Các môn khoa học như Toán, Lý Hóa, Tin học thì cứ theo đúng các nước như Pháp, Mỹ mà dạy.
“Thời gian trước, chúng ta theo hệ thống GD của Liên Xô cũ chỉ mất 6 tháng là xong 1 cuốn sách giáo khoa; nay đưa ra 5 năm với hàng nghìn tỷ đồng để làm SGK thì vô lý quá. Với các môn khoa học xã hội, đòi hỏi phải viết lại SGK cho thiết thực, gần gũi với cuộc sống hơn và đi vào vấn đề giáo dục nhân cách nhiều hơn, cách viết cần giản dị chính xác. Tôi ủng hộ mô hình đào tạo phổ thông 12 năm” - GS Hạc nói.
GS Phạm Minh Hạc cũng nhấn mạnh: Điều lớn nhất cần được đặt ra trong việc thay đổi căn bản và toàn diện GD không chỉ nằm trong câu hỏi 11 hay 12 năm mà là hàng loạt các vấn đề quan trọng: Có thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu không? Có đi trước một bước không và có đầu tư để phát triển GD không? Không nên chạy theo bằng cấp, nhất là bằng ĐH; quản lý nhà nước cũng phải thoát khỏi tâm lý đó ngay từ sách vở đến phương pháp giảng dạy; chấn chỉnh tất cả những tiêu cực thương mại hóa, hành chính hóa…
GS Hạc lưu ý cũng phải tính toán thế nào để giáo viên đủ sống. Với phụ cấp dành cho giáo viên ở miền núi 70%, họ không đủ tiền về quê thăm bố mẹ. Như thế ai mặn mà với giáo dục miền núi? Giáo viên không đủ sống thì sẽ tiếp tục xảy ra lạm thu, dạy thêm, học thêm..
Theo Tiền Phong