Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đổi mới giáo dục: Không thể lấy ý kiến 'kín'

"Bộ GD-ĐT nên mời thêm chuyên gia am hiểu hệ thống môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông và phải công khai rộng rãi để người dân, các chuyên gia góp ý. Tránh tình trạng, ra quyết định thì không ai biết".

GS Hồ Sĩ Đạt đặt vấn đề tại hội thảo hệ thống các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 26/10.

Ưu điểm

Trình bày trước các chuyên gia giáo dục, PGS Đỗ Ngọc Thống - phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông khái quát, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) sau năm 2015 được thiết kế theo hướng tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên. Đồng thời giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục (HĐGD) cho học sinh tự chọn.

Giảng viên Tống Xuân Tám, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Điều được PGS Thống nhất mạnh ở chương trình mới là "khắc phục được tình trạng bị cắt khúc và thiếu thống nhất giữa các cấp học". Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc - phát huy tính chủ động, sáng tạo và kỹ năng của người học theo phương châm "giảng ít, học nhiều". Đồng thời, chuyển cách học từ chủ yếu lắng nghe và ghi chép sang suy nghĩ và phản hồi tích cực với bạn và thầy...

"Khi chuyển sang dạy học theo chương trình mới kéo theo việc đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, đảm bảo trung thực khách quan theo năng lực người học", lời ông Thống.

Theo đó, nội dung hình thức, kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục phải chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn. Hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc, học tủ...

Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng kiểm tra được năng lực học sinh, đủ tin cậy, sử dụng được kết quả công nhận tốt nghiệp THPT làm căn cứ cho tuyển sinh của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH.

Thay đổi cách đánh giá?

Đổi mới thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH là một vấn đề bức xúc. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, tuy đã có nhiều cải tiến nhưng nhìn chung các kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn còn cồng kềnh, nặng nề, tốn kém.

Đề thi vẫn chủ yếu coi trọng kiến thức ghi nhớ, ít chú ý đến đánh giá năng lực vận dụng. Một trong các nguyên nhân của tình trạng dạy học theo lối "đọc - chép", mở lò luyện thi... là do đề thi chỉ chú ý đến yêu cầu tái hiện kiến thức, không coi trọng việc kết hợp kết quả đánh giá quá trình với kết quả thi tốt nghiệp THPT. Số phận học sinh chủ yếu phụ thuộc vào 1 bài thi, một kì thi cuối...

PGS Đỗ Ngọc Thống dẫn dụ, theo kinh nghiêm của các nước tiên tiến trên thế giới thì thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH gắn bó chặt chẽ với các đặc điểm của chương trình, sách giáo khoa - đặc biệt là phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá ở nhà trường phổ thông.

Do đó, ông Thống đề xuất hướng đổi mới thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ như sau: Đề thi không chỉ tập trung vào xem học sinh học cái gì mà quan trọng hơn là kiểm tra học sinh đó học như thế nào, có biết vận dụng kiến thức hay không. Thực hiện đánh giá theo chuẩn năng lực. Định hướng này buộc đề thi không thể chỉ kiểm tra trí nhớ mà phải yêu cầu vận dụng, tổng hợp, kiểm tra năng lực sáng tạo...

Việc thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cần kết hợp đánh giá quá trình và kết quả thi, kiểm tra kết thúc (để tốt nghiệp), kết quả thi, kiểm tra đầu vào (để tuyển sinh).

Về công nhận tốt nghiệp THPT, phải dựa trên kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục về phẩm chất và năng lực của học sinh và kết quả đánh giá cuối cấp học. Trong đó, đánh giá kết quả học tập theo hướng học xong đến đâu, kiểm tra đánh giá đến đó...

Ông Nguyễn Hà Thanh, Khoa Toán - Tin, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Về tuyển sinh ĐH, CĐ các trường tổ chức tuyển sinh theo hướng: dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và có thể kiểm tra hoặc thi thêm một vài môn theo yêu cầu chuyên ngành đào tạo của mỗi trường.

Ông Thống cho rằng, với việc đối mơi như trên sẽ khắc phục được cơ bản những hạn chế về kiểm tra, đánh giá và thi cử hiện hành... tránh tối đa oan ức cho học sinh

Cần công khai lấy ý kiến

Ông Nguyễn Hà Thanh, Khoa Toán - Tin, trường ĐH Sư phạm TP.HCM nêu ý kiến: "Lớp 10 không nên tách ra quá nhiều môn riêng. Với 11 môn học bắt buộc thì không khác chương trình hiện hành".

"Để đổi mới lần này không thất bại - Bộ cần xem xét việc quy định các môn học bắt buộc và tự chọn - không cẩn thận sẽ có những môn học sinh không bao giờ học", ông Thanh phân vân.

GS Hồ Sĩ Đạt đề nghị Bộ GD-ĐT mời thêm chuyên gia tương đối am hiểu về hệ thống môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, làm cả tháng mới được và phải công khai rộng rãi để người dân, các chuyên gia góp ý. Tránh tình trạng, ra quyết định thì không ai biết.

Tương tự, một cán bộ giảng dạy khoa Sử, trường ĐH Sư phạm Hà Nội băn khoăn chương trình THCS, THPT căn cứ vào cái gì để Bạn thường trực Đề án Đổi mới Chương trình, SGK phổ thông sau 2015 đề xuất phương án như PGS Thống nêu. Nếu làm theo nước ngoài thì căn cứ vào nước nào nên công bố...

Ý kiến khác phân vân, dù Nghị quyết đã quyết giáo dục cơ bản là 9 năm - nhưng vị này cho rằng giáo dục cơ bản phải 10 năm mới đủ thời gian trang bị những kiến thức kỹ năng cho học trò. Còn giáo dục THPT trang bị kiến thức cho học sinh đi làm hoặc vào ĐH, CĐ - có thể gọi là "cấp học dự bị ĐH" thì chỉ cần học hai môn Ngữ văn và Ngoại ngữ. Môn Toán học 10 năm là đủ, lớp 11, 12 không cần học.

Hơn nữa vị này đưa ý kiến ngược cho rằng, giảm số môn học không phải là mục tiêu mà nên xem xét việc tổ chức dạy học như nào cho phù hợp. Vì giáo dục toàn diện không nằm ở việc "bắt" trẻ học bao nhiêu môn...Môn KHTN phải là môn riêng không thể tích hợp. Đồng thời, phải chuẩn bị đội ngũ viết giáo trình và giảng dạy.

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm