Thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Tuấn. |
Trong cương lĩnh của Đảng năm 1991, cùng với khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu. Năm 2013, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tầm quan trọng của giáo dục đã được khẳng định. Tuy nhiên, triết lý phát triển giáo dục lại chưa được cụ thể hóa.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội có 4 điểm cộng rõ rệt nhất cho những đổi mới của ngành giáo dục đó là ngành này đã giải quyết được nhu cầu học tập của nhân dân; Cơ sở vật chất cải thiện rõ rệt ở tất cả các vùng miền; chất lượng giáo dục có bước chuyển biến và cuối cùng là có nhiều cố gắng đổi mới nội dung, phương pháp học, cách quản lý…
Tuy nhiên, điểm trừ cũng không phải ít. Ngành giáo dục đang lúng túng trong đổi mới, thể hiện qua những quyết sách đưa các loại hình trường học cấp tiểu học mới; không chấm điểm học sinh tiểu học; đổi mới kỳ thi quốc gia, kết hợp thi phổ thông và đại học và mới đây là tích hợp bộ môn Lịch sử.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, những việc làm ấy chứng tỏ ngành giáo dục đã đổi, nhưng không mới: “Ví dụ có mỗi việc thi tốt nghiệp phổ thông với tuyển sinh đại học, ngành giáo dục cứ loay hoay mãi nhưng chưa có phương án nào đem lại kết quả tốt, chính xác, làm hài lòng xã hội. Thứ hai là khi chúng ta cho phát triển các trường ngoài công lập nhưng lại thiếu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan Nhà nước.
Một trong những nguyên nhân là thiếu chương trình hành động cụ thể ở tầm vĩ mô. Bên cạnh đó, công tác quản lý mang tính phân khúc đã thiếu đi sự liên kết ngay trong ngành”.
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội đã ví dụ từ chuyện nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học. Ghi nhận sự nghiêm túc của một kỳ thi, nhưng phân tích kỹ thì sự đổi mới này có vấn đề.
“Trên thực tế, việc ghép 2 kỳ thi THPT và đại học vào làm một gặp rất nhiều hệ lụy. Đấy là chưa kể thi mà lại tổ chức tại các trường phổ thông trong khi các trường này không quen tổ chức theo kiểu tuyển sinh đại học thì họ rất lúng túng trong xử lý hệ thống đánh giá kết quả. Việc này rất khó mà quy hết về cho Bộ GD&ĐT nên Bộ đã ôm vào mình việc cực khó. Nếu năm nay tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì khó khăn tăng lên bội phần. Vì những người thi trượt năm nay sang năm thi lại và cứ ùn sang năm thứ ba. Tôi cho rằng không biết có tổ chức nổi kỳ thi này nữa không nên Bộ GD&ĐT cần cân nhắc kỹ lưỡng việc tổ chức thi”- GS Vũ Minh Giang nói.
Sự loay hoay trong đổi mới do đội ngũ tư vấn của ngành giáo chưa đủ tầm. GS Vũ Minh Giang cũng cho rằng, điều cơ bản là người đứng đầu ngành phải mạch lạc về triết lí giáo dục, nếu không, mọi sự thay đổi cũng chỉ là chắp vá mà thôi. Và triết lí giáo dục phải được bắt nguồn từ đời sống thực tiễn.
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT thì lại ví von, nếu một “trận đánh” không biết bắt đầu từ đâu thì khó có thể tiên lượng kết quả. Ngành giáo dục cũng vậy.
Nghị quyết 29 đã đưa ra một cách toàn diện, cụ thể nhưng Bộ GD&ĐT lại chưa biết bắt đầu từ đâu, từ câu chuyện sách giáo khoa hay câu chuyện về quản lý, hay đội ngũ giáo viên. Tựa một bài văn phải có mở đầu, thân bài, kết luận, nhưng đã 2 năm trôi qua, bài văn ấy vẫn chưa được hoàn thành. Nói cách khác, những điều đổi mới căn bản vẫn chưa được thực hiện một cách đúng đắn. Trong khi ấy, những bức xúc đối với giáo dục ngày càng nhiều.
GS Phạm Minh Hạc nêu ý kiến: “Chúng tôi là những người tham gia công tác giáo dục rất băn khoăn, lo lắng. Theo tôi, Nghị quyết 29 chưa được những nhà quản lý, giáo dục từ trung ương đến cơ sở thấm nhuần. Trong Nghị quyết nêu rõ làm sao loại bỏ được tâm lý lấy thi cử là chính, lấy bằng cấp là chính, chuyển hẳn triết lý giáo dục đào tạo ra được những người có năng lực, phẩm chất thì cần làm thế nào, người ta không thấy rõ”.
Còn với GS - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn Khoa học Giáo dục và Môi trường của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vấn đề giáo dục lại nằm ở sự đồng thuận.
Ông cho rằng, mọi sự chuyển biến của giáo dục đều tác động đến cả xã hội, nên đổi mới giáo dục là sự nghiệp quan trọng, đầy khó khăn. Khó khăn lớn nhất làm sao để nhận được sự đồng thuận từ xã hội. Nếu vội vã, hậu quả sẽ khôn lường.
Lấy ví dụ từ những lần cải cách, đổi mới trong việc bỏ chấm điểm theo Thông tư 30, GS Nguyễn Lân Dũng đồng cảm rằng, xuất phát từ ý tưởng tốt là trẻ em không nên ganh đua, nhưng cách làm lại phản khoa học, phi thực tế. Hậu quả này sẽ dồn gánh nặng lên các thầy, cô giáo THCS khi học sinh tiểu học không có động lực rõ ràng để học tập.
Câu chuyện tích hợp cũng vậy, đã tốn biết bao giấy bút của giới truyền thông cũng như gây bức xúc trong và ngoài ngành giáo dục, tác động đến cả nghị trường trong kì họp Quốc hội vừa qua.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, câu chuyện tích hợp của Bộ GD&ĐT cũng là điểm trừ rất đậm trong công tác đổi mới: “Tôi tin chuyện tích hợp chắc chắn không thành công vì không ai đồng ý cả. Và nếu mà tích hợp như vậy thì coi như thủ tiêu luôn chủ trương rất đúng là nhiều bộ sách giáo khoa.
Bản thân tôi rất muốn viết quyển sách Sinh học vì dạy học gần 60 năm và tôi đã mua hàng trăm cuốn sách Sinh học của các nước. Tại sao tôi không thể viết sách Sinh học? Nhưng với chủ trương tích hợp này thì thua. Tôi không thể viết quyển sách khoa học tự nhiên được. Như vậy, những cải cách lớn không thể chấp nhận được. Nếu cứ bảo thủ, cứ làm, thì rõ ràng phải sửa lại và mỗi lần sửa như vậy không phải chỉ tốn kém mà mất lòng tin của dân”.
Đổi mới, nhất là đổi mới trong giáo dục, không thể vội vàng, lắp ghép, bởi giáo dục chính là cơ sở nền móng của xã hội. Suy cho cùng, sự trường tồn, thịnh vượng của một quốc gia đều phụ thuộc vào nền tảng của giáo dục. Và dù muốn đổi mới như thế nào đi chăng nữa, nhưng cũng phải trả lời cho được câu hỏi: Triết lí giáo dục của chúng ta là gì?