Nhiều lần cải cách giáo dục không tạo ra sự đổi mới
Góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể từ tầm nhìn đến hiện thực, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết: “Để đổi mới giáo dục phổ thông thành công cần nhiều yếu tố, trong đó giáo viên là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nhưng giáo viên giỏi cũng cần người học tốt. Thầy giỏi mà trò không chịu học thì kết quả cũng không thể tốt. Chính vì vậy, phải đẩy mạnh việc giáo dục trong gia đình để hình thành những học sinh có ý thức học tập”.
TS Phạm Thị Lý, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Viện Đào tạo Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM thẳng thắn phát biểu: “Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) của chúng ta đã trải qua nhiều lần cải cách, nhưng vẫn không tạo ra được một sự thay đổi đáng kể nào trong chất lượng giáo dục”.
Trong khi đó, PGS. TS Đỗ Ngọc Thống - Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT cho rằng: “Trong đổi mới căn bản toàn diện này nếu chỉ đổi mới chương trình sách giáo khoa là chưa được, vai trò giáo viên rất quan trọng. Chương trình hay mà thầy không giỏi thì không được, sách không hay có ông thầy giỏi cũng sẽ xử lý được. Tuy nhiên, ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến nhiều chiều trước khi hoàn thiện Dự thảo. Dự kiến, sang năm 2016 Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành”.
"Những cải cách tạm gọi là “nửa vời” này đã làm giảm lòng tin của xã hội đối với những nỗ lực đổi mới", TS Phạm Thị Lý phân tích. Ảnh: Infonet. |
“Điều này có nhiều lý do, nhưng trước hết là vì chúng ta thiếu cả điều kiện cần (một quan điểm nhất quán và khác biệt về chất so với những quan điểm thể hiện trong chương trình hiện hành), lẫn điều kiện đủ (những thiết chế cần thiết để thực hiện các quan điểm ấy) trong các trường phổ thông và trong cả hệ thống.
Những cải cách tạm gọi là “nửa vời” này đã làm giảm lòng tin của xã hội đối với những nỗ lực đổi mới. Vì vậy, đổi mới chương trình GDPT cần theo hướng nhắm đến những kết quả cụ thể mà các bên liên quan có thể thấy được.
Chuyển từ một nền giáo dục cung cấp kiến thức thành một nền giáo dục nhằm vào phát triển năng lực. Điều này đã được nói nhiều, nhưng vấn đề là chương trình hiện hành và cách thức đánh giá kết quả học tập hiện nay của chúng ta không thể hiện mục tiêu ấy, không tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện điều này.
Những phẩm chất và năng lực học sinh cần đạt đã được xác định trên cơ sở cân nhắc điều kiện thực tế của Việt Nam và nhu cầu xây dựng con người công dân trong một thế giới toàn cầu hóa.
Những phẩm chất đó là: biết yêu thương; sống tự chủ và có trách nhiệm. Những năng lực chung chủ yếu được xác định bao gồm: năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề, năng lực thẩm mỹ; năng lực thể chất, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực tính toán; năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Tất cả đều là những năng lực cốt lõi và có ý nghĩa thực tế”, TS Phạm Thị Lý phân tích.
Chương trình mới coi trọng trải nghiệm của học sinh
Theo TS Phạm Thị Lý, để đạt đến những phẩm chất và năng lực ấy, chương trình GDPT có 8 lĩnh vực giáo dục: Ngôn ngữ và văn học, Toán học, Đạo đức - Công dân; Thể chất, Nghệ thuật, Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên, Công nghệ - Tin học. Một điểm mới là chương trình lần này được thiết kế với mức độ linh hoạt cao nhằm đáp ứng những mối quan tâm và khả năng đa dạng của học sinh: có một số môn bắt buộc, kết hợp với nhiều môn tự chọn.
Nhờ vậy chúng ta có thể kết hợp giữa việc bảo đảm một số năng lực cốt lõi, đồng thời cá nhân hóa quá trình giáo dục phù hợp với đặc điểm riêng của từng học sinh. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì nó khích lệ học sinh khẳng định năng khiếu và sự khác biệt, nền tảng nuôi dưỡng khả năng sáng tạo và thái độ dám chấp nhận rủi ro khi đi tìm cái mới.
Chương trình mới coi trọng trải nghiệm của học sinh, thay cho lối tiếp thu thầy giảng- trò chép. Vai trò của người thầy không còn là một “diễn viên” truyền giảng kiến thức mà là người tổ chức các hoạt động để học sinh tự tìm kiếm tri thức và đạt đến hiểu biết thông qua trải nghiệm cá nhân của chính họ.
Trước đây, chúng ta coi đánh giá chất lượng học tập là nhằm ghi nhận kết quả đạt được, nhưng xu hướng hiện nay là đánh giá nhằm phục vụ cho quá trình giáo dục, nhằm cung cấp thông tin phản hồi cho thầy và trò nhằm điều chỉnh quá trình dạy và học.
“Vì vậy, thay cho việc kiểm tra kiến thức và khả năng ghi nhớ hiện nay, chương trình mới sẽ đánh giá mức độ đạt được những năng lực liên quan của học sinh, ghi nhận quá trình phát triển những năng lực ấy để tiếp tục cải thiện nó. Cách thi cử do đó cũng phải khác. Bài thi phải được thiết kế cho người học thực thi năng lực mà họ đã đạt được thay cho việc nhắc lại những gì đã được học.
Bên cạnh đó là kết hợp giữa tích hợp ở các lớp dưới và phân hóa ở các lớp trên, phù hợp với xu hướng quốc tế, nhằm nhấn mạnh khả năng lựa chọn và trao quyền lựa chọn cho học sinh gắn với những nỗ lực hướng nghiệp. Tích hợp không chỉ nhằm giảm tải, mà còn là giúp học sinh vận dụng kiến thức của những lĩnh vực khác nhau vào việc hiểu biết hay xử lý một vấn đề. Điều này gây ra lo ngại cho đội ngũ giáo viên hiện nay là do họ hiểu tích hợp là lồng ghép hay minh họa, và vẫn hiểu giảng dạy chủ yếu là truyền đạt kiến thức”, TS Phạm Thị Lý chia sẻ.
Cũng theo TS Phạm Thị Lý, ở những lớp cao hơn, chương trình thiết kế theo lối học tập phân hóa, tức sẽ có nhiều môn tự chọn hơn, gắn với việc cá nhân hóa quá trình học tập và giao cho người học thực thi khả năng lựa chọn của mình, gắn với năng khiếu cá nhân và những định hướng nghề nghiệp tương lai.