Theo quy chế thi THPT quốc gia, thời nhận đăng ký xét tuyển đợt 1 từ ngày 1-12/8. Các trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 14/8. Thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 19/8 (tính theo dấu bưu điện nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh).
Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Nghĩa - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Bộ GD&ĐT hướng dẫn cách nộp hồ sơ để trúng ngay từ đợt đầu tiên.
- Thưa PGS.TS Trần Văn Nghĩa, trong quá trình tư vấn, học sinh và phụ huynh quan tâm nhất đến vấn đề gì?
- Tôi thấy, học sinh chủ yếu quan tâm đến việc lựa chọn ngành nghề, chọn trường. Một số em khác quan tâm đến cách thứ nộp hồ sơ xét tuyển, đặc biệt là xét tuyển trong các nhóm trường.
- Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời gian các em nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học. Để có cơ hội trúng tuyển cao, thí sinh cần lưu ý điều gì, thưa ông?
- Để nộp hồ sơ có cơ hội trúng tuyển, học sinh cần biết nguyên tắc để nộp cho đúng. Năm 2016, các em có ba con đường để nộp hồ sơ, đó là nộp qua bưu điện, trực tuyến qua mạng và trực tiếp tại các trường đại học.
Hiện tất cả thông tin hướng dẫn thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia đều được đăng tải trên website của Sở GD&ĐT và các trường cao đẳng, đại học để học sinh tham khảo.
Ngày cuối xét tuyển tại ĐH Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Phạm Minh Đức. |
Để xét hồ sơ nộp vào đại học có cơ hội trúng tuyển cao, học sinh cần xác định được trường và ngành mình yêu thích. Sau đó, dựa trên kết quả thi để đăng ký khối xét tuyển, so sánh điểm trúng tuyển của ngành đó trong những năm trước để quyết định nộp hồ sơ.
Học sinh cần tận dụng cả 4 nguyện vọng trong hai trường để chọn các ngành yêu thích. Có thể, các em không trúng tuyển 100% ngay từ ngành đầu tiên, nhưng các em còn các ngành khác dù kém yêu thích hơn một chút. Vì vậy, xác suất trúng tuyển sẽ cao hơn.
Ví dụ, có ngành các em rất thích nhưng cao điểm hơn một chút, vẫn có thể chọn lựa để không phải hối tiếc. Tuy nhiên, cơ hội trúng tuyển chỉ 50-60%. Ngành thứ hai nên chọn điểm thấp hơn một chút, cơ hội trúng lên đến 80-90%.
Thí sinh nên chọn hai ngành điểm cách biệt nhau, chênh càng xa thì càng an toàn, cơ hội trúng sẽ càng cao.
- Ông nhận định về cơ hội xét tuyển cho thí sinh nhóm điểm trung bình sẽ như thế nào?
- Với điểm của thí sinh và chỉ tiêu tuyển sinh từng trường, các em hoàn toàn có cơ hội trúng tuyển vào các trường khác nhau. Học sinh điểm cao có khả năng trúng tuyển vào các trường top trên, điểm trung bình thì trúng tuyển các trường top giữa, điểm thi cận điểm sàn thì trúng tuyển các trường top dưới.
Điều quan trọng, các em cần tỉnh táo lựa chọn xét tuyển điểm sao cho đúng, phù hợp với năng lực và kết quả thi.
- Tuy nhiên, với mức điểm trung bình, học sinh đăng ký vào trường top dưới lại lo lắng về khả năng khó xin việc sau khi ra trường. Ông có tư vấn gì cho các em?
- Đây là vấn đề mỗi em đều phải lựa chọn. Với trường càng có thương hiệu thì điểm trúng tuyển sẽ càng cao, các em không đủ điểm làm sao có thể đỗ?
Thông tin về tuyển sinh và chương trình đào tạo đều được các trường công bố, học sinh cần tìm hiểu để cân nhắc.
- Năm nay, về xét tuyển đại học, Bộ GD&ĐT có biện pháp nào để khắc phục tình trạng hỗn loạn trong các ngày cuối tuyển sinh?
- Quy chế thi THPT đã nêu rõ, học sinh nộp hồ sơ vào trường không được phép rút ra. Vì vậy, các em cũng không phải chờ đến cuối đợt mới nộp.
Bởi Bộ GD&ĐT không yêu cầu các trường công bố danh sách điểm trúng tuyển tạm thời. Việc công bố sẽ gây hỗn loạn khi học sinh dựa vào thông số đó để chờ đợi thời điểm nộp hồ sơ.
Nếu năm nay, học sinh vẫn có tâm lý đợi những ngày cuối cùng để nộp hồ sơ thì rất nguy hiểm.
Năm nay, thí sinh có thể đăng ký hai trường với 4 nguyện vọng. Căn cứ vào số lượng đăng ký xét tuyển ở một trường, thí sinh không thể biết được khả năng trúng tuyển của mình.
Ví dụ như trong một trường công bố 1.000 chỉ chỉ tiêu, năm ngoái bạn đứng thứ 1.001 là bạn trượt nhưng năm nay chưa hẳn vậy, điều này còn phụ thuộc vào lượng thí sinh ảo.