Nhiều ca mắc trong đợt dịch này là F1 khiến người dân lo ngại. Zing đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung, về vấn đề này.
Nhiều F1 thành F0: Không bất thường
- Trong số các ca mắc Covid-19 mới đây, rất nhiều trường hợp là F1. Điều này có đáng lo ngại?
- F1 là người tiếp xúc gần với ca bệnh (F0) và có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2. Điều này là bình thường, đúng cơ chế lây bệnh của virus, không có gì bất thường. Trong đợt dịch ở Đà Nẵng, chúng ta mất dấu F0 nên các ca bệnh đều được coi là F1. Những người tiếp xúc gần với các ca bệnh này lại trở thành F1 của họ.
Các ca F1 trở thành bệnh nhân vừa rồi nhiều bởi đa phần tập trung trong phòng bệnh, buồng kín, đông người, lại trong điều kiện điều hòa nhiệt độ, không thông gió nên rất dễ lây. Hơn nữa, những người có sức khỏe yếu, mang bệnh nền đang điều trị cũng dễ lây hơn.
Những người khác tiếp xúc gần với các bệnh nhân F1 này cũng trở thành F1 của họ. Chẳng hạn, những ca ở Hà Nội từng đi du lịch Đà Nẵng, đến các điểm Bộ Y tế cảnh báo được coi là F1. Những ca tiếp xúc với họ là F2. Với nhiều ca mắc vừa được ghi nhận, nguy cơ từ những người này khi đi khắp nơi, lây ra những người khác, tức F2 giờ cũng rất đông, gây khó khăn cho ngành y tế, đòi hỏi phải tầm soát kỹ.
Sự lây lan trong cộng đồng cũng cảnh báo mọi người cần cảnh giác. Còn về bản chất, những người tiếp xúc bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ có nguy cơ lây bệnh, tùy khoảng cách và điều kiện tiếp xúc.
- Vậy chúng ta phải đối phó ra sao để F1, F2 không trở thành người mắc Covid-19?
- Trong bối cảnh không biết được đâu là nguồn bệnh và người đã nhiễm, chúng ta phải thực hiện các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang, vệ sinh tay, giữ khoảng cách với người lạ. Trong đó, đeo khẩu trang rất quan trọng bởi virus SARS-CoV-2 lây qua giọt bắn. Rửa tay cũng là một biện pháp phòng dịch hiệu quả. Virus văng ra các bề mặt, khi tay chúng ta chạm phải sẽ vô tình đưa chúng vào người. Các bệnh viện phải thông gió, hạn chế điều hòa. Nhân viên y tế đảm bảo các phương tiện bảo hộ, rửa tay xà phòng, giữ khoảng cách.
Đồng thời, chúng ta phải xét nghiệm chọn lọc những người có nguy cơ cao, phân loại theo thứ tự ưu tiên. Những trường hợp chưa được xét nghiệm phải tự theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà, xin tư vấn của nhân viên y tế khi cần. Sau 14 ngày, nếu không phát bệnh, hết cách ly, người dân vẫn cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.
Những người tiếp xúc bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ có nguy cơ lây bệnh, tùy khoảng cách và điều kiện tiếp xúc. Ảnh: Hoàng Giám. |
Đỉnh dịch có thể đã qua
- Sáng nay (11/8), Việt Nam có buổi sáng thứ 2 liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19. Chiều qua, con số 5 ca mắc trong cộng đồng là thấp nhất kể từ ngày 27/7. Điều này có ý nghĩa gì không?
- Đấy là tín hiệu mừng. Như vậy, dịch ở Đà Nẵng đang được kiểm soát và các biện pháp chống dịch của chúng ta có hiệu quả. Tuy nhiên, tại các tỉnh khác, nếu chúng ta kiểm soát không chặt, con số mắc sẽ tăng. Còn kiểm soát chặt sẽ làm số ca tăng chậm hoặc bị chặn lại. Hai hôm nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc vào sáng sớm song cần theo dõi tiếp. Số ca còn tùy thuộc vào số lượng mẫu đã được lấy. Đối với vụ dịch ở Đà nẵng, có thể chúng ta đã đi qua đỉnh dịch.
- Đợt dịch này có gì khác so với trước?
- Khác là dịch lây trong cộng đồng nhiều hơn, số ca mắc cao. Tại Đà Nẵng, chúng ta bị bất ngờ, mất dấu F0 nên tình hình phức tạp, khó khăn hơn. Lần trước, dịch có lây lan trong cộng đồng nhưng ít hơn khi đã được khống chế kịp thời. Ngoại trừ ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai, phần lớn ca bệnh được dự đoán trước, chủ động khoanh vùng được. Nhưng hiện Việt Nam nhiều kinh nghiệm, biết rõ virus hơn và có điều kiện hỗ trợ nhau. Từ đó, Việt Nam có thể ngăn chặn được dịch tốt hơn.
- Dù số ca mắc mới giảm, các ca tử vong vẫn cao. Điển hình là ngày hôm qua có tới 4 ca liên tiếp. Ông đánh giá gì về con số này?
- Trong đợt dịch này, virus bùng phát trong các bệnh viện ở Đà Nẵng. Đa số là bệnh nhân đang điều trị nhiễm SARS-CoV-2. Đây là nhóm người có sức đề kháng yếu, lại mang bệnh nền nên khi bị virus tấn công, tình trạng sẽ nặng hơn. Các ca tử vong là bất khả kháng và được dự tính trước. Chúng ta phải chấp nhận. Con số tử vong sẽ còn tăng.
Tâm dịch đã được khống chế
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định công tác chống dịch ở Đà Nẵng đã được thực hiện rất quyết liệt, toàn diện, hiệu quả. "Đến thời điểm này có thể nói chúng ta đã kiểm soát, khống chế được ổ dịch ở Đà Nẵng và tâm dịch ở Bệnh viện Đà Nẵng, hạn chế được lây lan”, PGS Phu nói.
Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trong và ngoài nước vẫn rất phức tạp. Nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực ở các tỉnh. Do đó, tất cả địa phương tiếp tục phải nâng cao cảnh giác, nhất là đối với những địa phương phát triển du lịch.
Bên cạnh việc tăng tốc truy vết trường hợp đi về từ Đà Nẵng, các địa phương cần triển khai biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, 5 nguyên tắc cần áp dụng là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.