Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đối thủ kỳ phùng' làm sai lệch hình tượng cán bộ kiểm sát

Phim “Đối thủ kỳ phùng” đã không những không mở rộng hiểu biết cho dân mà còn khiến người dân có cái nhìn không đẹp về ngành KSND, làm xấu đi hình tượng của người kiểm sát.

Ưu điểm nhiều nhưng … lỗi cũng không ít

Bộ phim truyền hình 40 tập  Đối thủ kỳ phùng đang được phát sóng vào khung giờ vàng trên kênh VTV1 đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều người, trong nhiều độ tuổi và nhiều giới. Bên cạnh những ý nghĩa tích cực, những khung cảnh đẹp mắt, có thể nói, đạo diễn ít nhiều muốn truyền đến những thông điệp quan trọng đối với xã hội, trong đó, có không ít những suy tư, trăn trở về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, những khó khăn, vướng mắc mà các ngành, các cấp gặp phải trong trận chiến tưởng chừng không cân sức khi các thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đôi khi được hỗ trợ bằng các chiêu bài kinh tế, chính trị.

Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm trên, bộ phim vẫn mắc phải những lỗi không nhỏ mà nếu coi đó là hạt sạn thì thật oan uổng cho cục gạch hay đá hộc ngoài đường, cụ thể như: Bộ phim đề cập đến mối quan hệ ngầm chặt chẽ giữa nhân vật Lê Định Sơn với ông chủ tịch, từ đó dẫn dắt tới những mối quan hệ khác nhằm khắc họa sự nham hiểm, thủ đoạn của Lê Định Sơn khi dùng tiền để thao túng các lãnh đạo, những người đứng đầu các cơ quan tư pháp, báo chí và sự kiên cường của các đồng chí công an. Trong số các mối quan hệ chịu sự chi phối, ảnh hưởng của đồng tiền đó phải kể đến mối quan hệ giữa Lê Định Sơn - Vũ Gia, là một Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thành phố X nào đó. Sẽ không có gì đáng bàn cãi nếu đạo diễn không cố tình khai thác sự tha hóa về mặt nhân cách của nhân vật này, để từ đó ca ngợi sự vững vàng, kiên trung của các đồng chí công an.

Điều đáng nói ở đây là chính sự hạ thấp một cán bộ ngành Kiểm sát đã khiến cho đại bộ phận nhân dân có cái nhìn không đúng, không đầy đủ về một ngành được Đảng, Nhà nước giao những nhiệm vụ, trọng trách nặng nề. Thông qua một con sâu để quy kết cho cả một nồi canh có thật sự thỏa đáng hay không? Khi từng ngày, từng giờ, vẫn có những Kiểm sát viên luôn sát cánh cùng các lực lượng tư pháp, thầm lặng thực hiện công tác của mình. Buồn lắm, đó là câu nói của hầu hết những cán bộ ngành Kiểm sát khi phát biểu cảm nghĩ về bộ phim này.

Có ai biết, để khám phá ra một vụ án hình sự, hầu hết mọi người chỉ nhớ về các chiến sĩ công an, mấy ai biết, Kiểm sát viên có mặt trong từng khâu công tác của họ, bắt đầu từ khi nhận được tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố, người Kiểm sát viên đã góp mặt để giữ cho các hoạt động điều tra diễn ra đúng với trình tự, thủ tục luật định, góp phần đáng kể cho việc loại bỏ oan, sai trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Mấy ai hay, để ra được một bản án công bằng, nghiêm minh, có phần nào công sức của Kiểm sát viên thực hiện công tác Kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, có chăng, người ta chỉ nhớ đến công lao của Hội đồng xét xử.

Đó là thực tế mà ngành Kiểm sát nói chung và từng cán bộ, công chức ngành KSND nói riêng đều ý thức được, nhưng chúng tôi chấp nhận và đang từng ngày, từng giờ thực hiện công tác của mình mặc dù không được nhiều người trong xã hội biết đến, ghi nhận. Vậy mà chỉ vì một bộ phim, đánh giá của xã hội đối với một ngành tư pháp quan trọng nhưng ít được biết đến lại càng trở nên xấu xí đến thảm hại.

Bản thân người viết bài này không biết đến bộ phim vì công việc bận rộn, về đến nhà thường là khi đã hết phim, chỉ đến một ngày con gái nhất quyết không chịu đến trường, mới biết đến bộ phim nêu trên. Lý do cũng không có gì quá bất ngờ, cháu nói các bạn trêu chọc cháu, vì mẹ cháu công tác trong cơ quan toàn người xấu. Vậy đấy, chỉ vì một vài tình tiết phiến diện với cái nhìn không toàn diện, thiếu sự hiểu biết về mặt pháp luật của người dựng phim mà khiến ấn tượng cũng như cái nhìn của bao nhiêu người trong đó có trẻ thơ về chúng tôi trở nên méo mó đến thế.

Thiếu nghiên cứu, tìm hiểu về pháp luật và đi ngược lại thực tế

Ngoài điểm tối nêu trên, các vấn đề khác như trang phục của cán bộ ngành Kiểm sát hết sức sơ sài, không đúng với quy định về trang phục của ngành KSND, các nhân vật trong phim khi thì sử dụng trang phục sai hoàn cảnh, khi thì sai hình thức, chỗ thì thiếu cầu vai, biểu tượng bảo vệ công lý của ngành KSND không được tuân thủ, màu sắc trang phục nhạt nhòa, không đúng màu sắc phục của ngành… Đối chiếu với trang phục chuẩn của ngành KSND có nhiều chỗ không phù hợp, không phản ánh được tình hình thực tế. Trên thực tế công tác, không bao giờ có chuyện VKSND thành phố suốt ngày chạy sang xin ý kiến của Phó Giám đốc Công an tỉnh như các tình tiết trong phim.

Đây là minh chứng rõ nét cho sự thiếu nghiên cứu, tìm hiểu về pháp luật của người dựng phim. Bên cạnh đó, trong nội dung các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến ngành KSND không hề có quy định nào bắt buộc VKSND phải xin ý kiến chỉ đạo từ phía công an trước khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Bởi ngoài chức năng thực hành quyền công tố, VKSND còn có thêm chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Chức năng này cho phép VKSND giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ quan tư pháp khác, trong đó có cơ quan công an. Như vậy, liệu VKSND có cần phải xin ý kiến cơ quan công an khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình không? Đây là điều các nhà làm phim  Đối thủ kỳ phùng không nắm được nên xây dựng tình tiết trong phim đi ngược lại thực tế.

Trong một số phân cảnh phim, đạo diễn để cho ngài Phó Viện trưởng VKSND tỉnh X bị Lê Định Sơn gọi đến và chỉ tay vào mặt mắng chửi, thóa mạ. Đó là điều không thể có trong thực tế, vì ngoài những quy định của pháp luật, KSV nói riêng và cán bộ, công chức ngành KSND còn phải tuân thủ những quy định hết sức nghiêm ngặt về bí mật công tác ngành, những điều KSV, cán bộ, công chức ngành KSND được làm và không được làm. Một trong những điều ấy là nghiêm cấm tiếp xúc với đương sự, đằng này, việc gặp gỡ giữa Lê Định Sơn và ông Vũ Gia- nhân vật Viện phó VKSND diễn ra công khai, thậm chí, trong nhiều trường hợp còn diễn ra ngay tại những nơi đông người hoặc trụ sở công ty của Lê Định Sơn, khiến nhiều người bức xúc.

Không chỉ xây dựng hình tượng một Phó Viện trưởng VKSND hết sức thảm hại, đáng chê trách, bộ phim còn khắc họa hình ảnh của một Viện trưởng VKSND - một người được pháp luật giao phó nhiều quyền hạn trong hoạt động tư pháp hết sức nhu nhược, đa tình đôi khi yếu ớt. Nhân vật này không những không thực hiện các quyền năng được pháp luật quy định trong các giai đoạn tố tụng hình sự quan trọng, ngược lại còn tỏ ra phụ thuộc vào cơ quan công an, thiếu chính kiến trong công tác chỉ đạo, điều hành đối với đơn vị mình.

Trong khi vai trò của VKSND nói chung và Viện trưởng VKSND nói riêng vô cùng quan trọng, gắn liền với mỗi hoạt động tố tụng do Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát và Thi hành án tiến hành, ở bộ phim này, vai trò tố tụng của VKSND và Viện trưởng VKSND đã bị đạo diễn vô tình hay cố ý lờ đi, khiến cán bộ, công chức ngành KSND nói riêng cảm thấy hết sức phi lý, bức xúc. Về phía người dân, do không có nhiều quan tâm cũng như ít tìm hiểu, qua phản ánh của bộ phim càng trở nên thiếu công bằng trong đánh giá, nhìn nhận về vai trò của ngành KSND và cán bộ, công chức ngành KSND. Ở nhiều nơi, người dân vẫn còn nhầm lẫn giữa hai từ kiểm sát và kiểm soát, thì phim ảnh, báo đài là những công cụ tuyên truyền quan trọng nhất, nhưng bộ phim Kỳ phùng địch thủ đã không những không mở rộng hiểu biết cho nhân dân, ngược lại còn khiến người dân có cái nhìn không đẹp về ngành KSND, làm xấu đi hình tượng của người cán bộ kiểm sát trong lòng nhân dân.

Khoan bàn về những điều không hợp lý so với thực tế cuộc sống của bộ phim, chỉ riêng việc đạo diễn xử lý hình ảnh trong phim cũng đã tạo nên dư luận không đồng tình trong nội bộ các cơ quan Công an - Kiểm sát - Tòa án. Về nguyên tắc, rất hiếm khi các cơ quan tư pháp nêu trên tiến hành họp liên ngành để giải quyết một vụ án hình sự, chỉ trong một số trường hợp cực kỳ cần thiết nhằm bảo đảm tính khách quan, độc lập và nghiêm minh trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này. Trong phim, dường như đạo diễn rất thích cho các cơ quan tư pháp họp liên ngành để giải quyết vụ án ngay trong giai đoạn điều tra, mặc dù không hợp lý và không sát với thực tế.

Bối cảnh họp lại được tiến hành trong trụ sở cơ quan Công an, trong khi các thành viên khác dự họp, nhân vật Phó Viện trưởng Vũ Gia lại đứng như người phục vụ bên cạnh, tình tiết này quả thật không hề có trong thực tế. Có lẽ, do phòng họp quá hẹp hay số thành viên dự họp quá đông nên phòng họp hết ghế nên một nhân vật không kém phần quan trọng, được pháp luật quy định cụ thể về vị trí pháp lý trong Luật tổ chức VKSND 2014 (các điều 68, Điều 72 và Điều 73) và Bộ luật TTHS (sửa đổi) lại phải đứng như người phục vụ chăng?

Và còn rất nhiều, rất nhiều nữa những điều phi pháp lý ở lời thoại của các nhân vật đại diện cho ngành KSND trong phim khiến không những các cán bộ, công chức ngành KSND mà ngay cả người xem mặc dù không quá chú ý cũng có thể nhận ra. Song, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ mong muốn các nhà làm phim nói riêng, đài truyền hình Việt Nam và khán giả có cái nhìn, đánh giá đúng đắn, toàn diện về ngành KSND, về những con người đang ngày đêm cố gắng hết mình hoàn thành nhiệm vụ mà Hiến pháp, Đảng, Nhà nước, và nhân dân ta đã giao phó.

Chúng tôi không đòi hỏi xã hội phải ghi nhận, phải cám ơn hay phải trân trọng chúng tôi, bởi ngay khi nhận nhiệm vụ, mặc nhiên mỗi cá nhân, mỗi đơn vị trong hệ thống VKSND đều chấp nhận mọi rủi ro, mọi nguy hiểm, mọi dư luận trái chiều đối với bản thân, công việc và đối với ngành. Điều duy nhất chúng tôi mong muốn là sự nhìn nhận, đánh giá phù hợp với ngành, một trong những cơ quan tư pháp hàng đầu, đã và đang từng ngày, từng giờ giữ gìn công lý, bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ quyền lợi cho Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đấu tranh kiên quyết và không khoan nhượng với mọi loại tội phạm trong xã hội. Vì vậy, điều cuối cùng cá nhân người viết bài và đông đảo anh em trong ngành KSND mong muốn, Xin đạo diễn phim  Đối thủ kỳ phùng và Đài truyền hình Việt Nam hãy trả lại hình tượng đúng đắn nhất cho ngành KSND và người cán bộ, công chức ngành KSND.

http://baobaovephapluat.vn/kiem-sat/diem-nong/201512/lien-quan-den-bo-phim-ky-phung-dich-thu-dang-duoc-phat-song-tren-vtv1-hinh-anh-sai-lech-ve-nguoi-can-bo-kiem-sat-2456623/

Theo Trịnh Phương Thảo/Báo Bảo vệ Pháp luật

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm