Hình ảnh bên lề sân cỏ của các vận động viên luôn thu hút người hâm mộ. Ảnh: Reuters. |
Trong một cảnh ở tập đầu tiên Break Point, chương trình hậu trường về quần vợt của Netflix, Costeen Hatzi (22 tuổi), bạn gái tay vợt người Australia Nick Kyrgios cười, thú nhận cô chưa bao giờ xem thi đấu môn thể thao này.
“Điều này rất mới mẻ với tôi”, cô nói.
Về mặt này, Hatzi chính là hình ảnh phản chiếu nhóm người xem mà dịch vụ phát trực tuyến, và thực ra là cả bộ môn quần vợt, muốn thu hút. Truyền hình về thể thao từ lâu chỉ là nơi dành riêng cho những người hâm mộ đặc biệt quan tâm, những người có thể liên tục nói về tỷ số, kỷ lục, số liệu thống kê và có xu hướng là những người mà James Gay-Rees, nhà sản xuất của Break Point, gọi là nhóm “nam giới, nhợt nhạt và nhạt nhẽo”, theo The Guardian.
Những người hâm mộ này rất trung thành, nhưng họ đang già đi và thách thức đối với nhiều môn thể thao là thu hút khán giả trẻ hơn, những người vẫn chủ yếu chỉ biết các chương trình như Love Island và The Traitors.
Đáp ứng thị hiếu
Hiện có hàng loạt chương trình truyền hình về thể thao chuẩn bị ra mắt như Full Swing (theo chân các golfer trong suốt một mùa giải) hay các chương trình hậu trường Giải vô địch bóng đá thế giới 2022, Tour de France và Invictus Games (Thế vận hội dành cho các cựu chiến binh và quân nhân khuyết tật quốc tế).
“Khán giả không chỉ muốn xem thi đấu thể thao. Nhiều người tò mò về những vận động viên nổi tiếng và muốn hiểu thể thao theo một cách khác, xem sự đầu tư, nỗ lực của vận động viên sau sàn đấu”, Gay-Rees nói.
Vận động viên lướt sóng Stephanie Gilmore xuất hiện trong chương trình Make or Break. Ảnh: Tony Heff/Apple TV. |
Cho đến nay, các chương trình truyền hình chuyên nghiệp đã làm tốt nhiệm vụ đưa thông tin, hình ảnh về thể thao song chưa khai thác triệt để những câu chuyện bên lề.
Có thể thấy từ ví dụ sự nghiệp của David Beckham. Dù chưa hẳn là cầu thủ bóng đá tài năng nhất ở Anh, anh được cho là cầu thủ nổi tiếng bậc nhất thế giới nhờ cách thể hiện một hình ảnh được chọn lọc cẩn thận.
Chính sự nâng cao nhận thức về hình ảnh này đã mang đến cho khán giả series All or Nothing trên Amazon Prime. Khi đưa máy quay vào các phòng thay đồ từng là nơi bất khả xâm phạm của Manchester City, Tottenham Hotspur và Arsenal, chương trình đã phơi bày những kiểu xung đột thường bị che giấu trước công chúng, cũng như những chiếc xe sang và nội thất đắt tiền của các cầu thủ bóng đá.
Trên hết, chương trình đem lại cái nhìn thoáng qua về các vận động viên, nằm ngoài những khuôn mẫu của các cuộc phỏng vấn sau trận đấu.
Ranh giới chân thực
Sau khi lên sóng, chương trình Drive to Survive được cho giúp đường đua F1 đến với nhóm khán giả rộng hơn, trẻ hơn, gỡ bỏ tấm kính mũ bảo hiểm mờ đục khỏi gương mặt các tay đua. Xếp hạng truyền hình cho môn thể thao này đã tăng 40% vào năm 2021.
Tuy nhiên, một số tay đua và quản lý đội bày tỏ lo ngại về cách các chương trình chỉnh sửa hành động để tạo sự ganh đua và căng thẳng, thậm chí ảnh hưởng đến kết quả cuộc thi.
Vào cuối mùa giải 2021, ở chặng đua tại Abu Dhabi, giám sát đường đua Michael Masi được cho đã không làm đúng luật về việc tiếp tục kết quả đang có mà yêu cầu lùi lại kết quả ở vòng áp chót, phần nào khiến chiến thắng gần như chắc chắn của Lewis Hamilton bị cướp mất. Một số nhà quan sát cảm thấy F1 đã bị ảnh hưởng bởi nhu cầu về yếu tố kịch tính cho chương trình tivi.
Nhiều người hiểu rõ hơn về các tay đua F1 sau khi xem Drive to Survive. Ảnh: Netflix. |
“Rõ ràng là nó được tạo ra để trở thành một cuộc chiến, tất nhiên là dành cho TV”, tay đua Lando Norris của McLaren nhận xét.
Nhà sản xuất Gay-Rees không đồng tình: “Tôi nghĩ rằng Masi chỉ là đã chịu rất nhiều áp lực và mắc sai lầm đôi chút. Tôi không nghĩ anh ấy làm vậy vì Netflix”.
Tuy nhiên, Gay-Rees tin rằng những rào cản giữa hành động thể thao và các câu chuyện bao trùm nó sẽ bị phá vỡ trong tương lai khi phủ sóng truyền hình toàn diện hơn.
Bên cạnh đó, cũng có những câu hỏi đặt ra về việc tham gia một chương trình truyền hình thực tế có ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất vận động viên hay không. Rốt cuộc, trong thể thao chuyên nghiệp, bất kỳ sự phân tâm nào cũng được coi là mối đe dọa.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.