Ở tuổi U90, cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng lúc nào vợ chồng ông Đường - bà Mỹ ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) vẫn luôn lạc quan yêu đời, quan tâm chăm sóc, hết mực yêu thương nhau.
Trước năm 1975, chuỗi ngày làm phu vác lúa, gạo ở Sài Gòn, ông Nguyễn Đường cảm mến, yêu thương rồi kết hôn với bà Nguyễn Thị Mỹ (cùng quê Hội An). Đất nước thống nhất, ông đưa vợ và con nhỏ về quê, ở sau gian nhà thờ tộc chật hẹp trong con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo (phường Minh An). Chồng làm nghề bốc vác hàng ven sông Hoài, còn vợ hàng ngày gánh nước ở giếng cổ Bá Lễ thuê cho người dân quanh phố cổ.
Cuộc sống gia đình ông Đường đang yên bình, hạnh phúc thì cậu con trai duy nhất Nguyễn Văn Quốc vừa tròn 3 tuổi đổ bệnh nặng. Hai vợ chồng quyết định không thêm con nữa, thức khuya dậy sớm, làm thuê dồn hết tiền đưa con chạy chữa khắp nơi nhưng không hết bệnh. Cậu bé càng lớn lên càng hồn nhiên, ngây ngô như một đứa trẻ. Công việc bốc vác nặng nhọc lại thu nhập bấp bênh, ông Đường trở về gánh nước thuê cùng vợ.
Ông Đường kể gia đình sống nhờ giếng Bá Lễ. Giếng cổ này quanh năm nguồn nước dồi dào luôn trong vắt, ngọt thanh nên người dân Hội An ai cũng ưa dùng. Hàng ngày, mọi người bận làm việc thì thuê vợ chồng tôi gánh nước tới. Tiền công được tính theo đoạn đường xa, hoặc gần.
Thời trai trẻ, mỗi ngày vợ chồng ông Đường dậy sớm từ lúc 5h sáng gánh nước thuê đến chiều tối. Khoảng 10 năm trước, vợ của ông mắc bệnh viêm khớp, sức khỏe yếu dần nên đành nghỉ ở nhà.
Dù đã 90 tuổi nhưng hiện nay ông Đường vẫn đều đặn gánh nước thuê cho các nhà hàng, quán ăn và người dân phố cổ sử dụng.
Nước giếng cổ ngọt thanh đặc biệt nên nhiều nhà hàng, quán ăn ở phố cổ Hội An lấy tên Bá Lễ để làm thương hiệu như cao lầu Bá Lễ, xí mà Bá Lễ… Chị Hạnh, một chủ quán cao lầu nổi tiếng ở phố cổ Hội An, chia sẻ chỉ
có nước giếng Bá Lễ mới có thể chế biến được món cao lầu ngon, đậm đà của người dân phố cổ. Sợi mỳ được chế từ nước giếng cổ mềm và ngon hơn hẳn. Do vậy, gia đình thường xuyên thuê vợ chồng ông Đường gánh nước từ giếng cổ này.
Cụ Đường cung cấp nước ngọt cho một hộ dân ở phường Minh An, TP Hội An.
Bà Phan Thị Trinh (92 tuổi, ngụ phường Minh An, TP Hội An), cho biết vợ chồng ông Đường gánh nước thuê cho người dân địa phương từ hàng chục năm qua. "Từ sáng sớm, tôi đã thấy vợ chồng họ gánh đôi thùng nước đi khắp cung cấp nước giếng Bá Lễ cho nhà hàng, quán ăn và hộ gia đình sử dụng. Cuộc sống khó nghèo, vất vả nhưng lúc nào họ cũng vui vẻ, chất phát, hiền lành nên ai cũng thương, nhiều lúc cho thêm tiền để chia sẻ bớt nỗi nhọc nhằn", bà Trinh nói.
Phút nghỉ ngơi của ông Đường bên đường phố Hội An.
Sau buổi gánh nước thuê, ông Đường trở về nhà đặt đôi thùng nhôm cùng đòn gánh và chiếc nón lá cũ mèm bên con hẻm Trần Hưng Đạo (phố cổ Hội An).
Sau một ngày gánh nước thuê nhọc nhằn, ông Đường trở về mái ấm vỏn vẹn 25 m2 sum vầy với vợ và con trai.
Bữa ăn đạm bạc, ấm áp của cặp vợ chồng U90.
Vừa khâu lại chiếc áo, bà Mỹ vừa trò chuyện vui vẻ với chồng. "Đời nghèo cơ cực, hai vợ chồng có con trai độc nhất thì lại bệnh tâm thần. Giờ tôi bệnh viêm khớp không còn gánh nước thuê được như trước nữa, giờ thấy chồng ở tuổi gần đất, xa trời mà còn bươn chải mưu sinh nuôi vợ, con nên tôi thấy thương ông ấy nhiều lắm", bà Mỹ thổ lộ.
Hơn nửa đời người gánh nước, đôi bàn tay, chân của vợ chồng ông Đường - bà Mỹ nhăn nheo, chai sạn.
Ông Đường nói niềm vui lớn nhất là được vợ khâu áo, lấy ráy tai..., nghe bà hát vài câu bài chòi xứ Quảng xua tan ngày lao động mệt nhọc.
Nói về niềm mong muốn nhất hiện nay, ông Đường ước mơ giản dị mỗi ngày gánh được vài đôi nước như "tập thể dục" quanh phố cổ Hội An, đủ sức khỏe sống tròn 100 tuổi vui vẻ, hạnh phúc cùng vợ, con chứ không dám mơ gì cao xa hơn nữa.
Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VIETNAM BOOK) cấp chứng nhận xác lập kỷ lục cụ Nguyễn Đường - người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất Việt Nam.
Trao đổi với Zing.vn, ông Bùi Văn Dũng, Bí thư phường Minh An (TP Hội An), cho hay hình ảnh vợ chồng ông Đường gánh nước ở giếng cổ Bá Lễ cho các nhà hàng, quán ăn và các gia đình sử dụng từ lâu đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở phố cổ Hội An.
"Dù gia cảnh nghèo khó, con trai duy nhất lại bệnh tật nhưng vợ chồng ông Đường lúc nào cũng cần mẫn mưu sinh, nghị lực vươn lên sống hạnh phúc. Điều này đã góp phần tạo nên hình ảnh đẹp về "người Hội An" chất phác, cần cù trong lòng du khách", ông Dũng bộc bạch.
Theo Bí thư phường Minh An, ghi nhận giá trị lao động chân chính của hai vợ chồng gắn bó hàng chục năm qua với người dân phố cổ, TP Hội An vừa cấp đất, huy động nguồn lực xây tặng nhà tình nghĩa tặng cho gia đình ông Đường an dưỡng tuổi già.
Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa –Thể thao Hội An, ghi nhận giếng cổ Bá Lễ là một trong những di sản quý của Hội An. Đó là cầu nối văn hóa Chăm – Việt, là nét văn hóa độc đáo, đặc biệt trong đời sống tâm linh của người dân phố Hội.
Theo ông Phùng, chính những người gánh nước giếng thuê như vợ chồng ông Đường cũng là một nét độc đáo, làm đẹp hơn cho phố cổ. Họ cũng sản sinh ra những giá trị đích thực, sự tồn tại của họ cũng là một phần của “di sản” đáng trân trọng.
Từng đi lính nhiều năm xa cách gia đình, khi trở về cụ Lê Văn Sỏ quyết tâm bù đắp cho người vợ kém 7 tuổi của mình bằng việc cùng nhau cuốc đất, trồng rau tại làng Trà Quế, Hội An.
Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Chile tiếp tục phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Chile.
Dự báo ngày và đêm 10/11, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-15, giật trên cấp 17; sóng biển cao từ 4-6 m.