Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đội trưởng SBC đầu tiên và những chiến công lừng lẫy

SBC là hình ảnh mê mẩn của thanh niên TP HCM ngày đó và khắc tinh của tội phạm khi người ta đồn SBC chạy xe không giới hạn tốc độ, bắn súng bách phát bách trúng, võ nghệ đầy mình.

Đó cũng chính là hình ảnh của Võ Tấn Thành, Hai Thành, một huyền thoại đường phố…

Sau 1975, công tác hình sự thật ra là cuộc chiến vũ trang giữa lính hình sự và các băng nhóm giết người, cướp của, bắt cóc... Hãy nhìn vào quy định hoạt động của đội SBC (Săn bắt cướp) thì rõ tình hình dữ dội như thế nào trong những ngày đầu sau giải phóng 1975:

“SBC không quá 30 tuổi, được phép chạy hết tốc độ, được chạy vào đường cấm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, gặp kẻ truy nã không đầu hàng được phép bắn vào nghi phạm sau khi đã bắn cảnh cáo hai phát”.

Vâng, vì các băng nhóm luôn nổ súng trước, mạng sống của trinh sát SBC luôn treo trước đầu họng súng, ai bắn nhanh hơn sẽ sống.

Nhưng Hai Thành luôn chủ trương khống chế an toàn, hạn chế nổ súng và anh đã suýt chết khi làm điều này với tướng cướp Sáu Cầu Bông Phan Bá Y (người giết trùm du đãng Sơn Đảo trước 1975) cũng bắn cán bộ khi bị truy bắt.

Tuy nhiên dù đã chết hụt nhiều lần Hai Thành vẫn kiên định với phương pháp này.

 Anh Huỳnh Bá Thành (Tổng biên tập báo công an TP HCM) khi còn sống rất ái mộ Hai Thành nhưng than không khai thác được gì nhiều vì Hai Thành kín tiếng lắm.

Không chỉ là huyền thoại đường phố, Hai Thành còn là cảm hứng tuyệt vời cho văn học và điện ảnh… khi nhìn vào danh sách Hai Thành phá án: vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, bắt con Bác sĩ Lã Hỉ, vụ án Thanh Nga, Tín Mã Nàm, Điền Khắc Kim, Bông Hồng Trắng…

Đó là những vụ án đã đi vào kinh điển của ngành công an.

doi truong san bat cuop anh 1

Đội trưởng SBC Võ Tấn Thành.

SBC ra đời dưới sự chỉ đạo trực tiếp của những cán bộ công an dày dạn kinh nghiệm về công tác nội tuyến, ngoại tuyến, vũ trang như Đại tướng Mai Chí Thọ,Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp, Trung tá Phan Thanh (Ba Tung) và người học trò, đồng chí của họ là Hai Thành đã học tập phát triển nó thành những quan điểm hình sự mới như công tác vận động tuyên truyền, công tác mạng lưới cơ sở, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc…

Trang Học viện An ninh nhân dân C500 dành cả một trang nói về người công an vốn là thần tượng của ngành công an này.

“Đồng chí Thành thường được mọi người yêu quý gọi là đại úy Hai Thành, sinh năm 1936, quê xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại (Bến Tre).

Từng trải qua một thời tuổi thơ cơ cực, ở mướn chăn trâu, chăn vịt, làm công. Năm 11 tuổi, Hai Thành đã ném lựu đạn xuống tàu giặc Pháp trên sông Cửa Đại, Bến Tre. Năm 14 tuổi, anh vào du kích.

Năm 1954, vừa tròn 18 tuổi anh nhập ngũ ở Tiểu đoàn 307. Tháng 10 năm ấy anh lên tàu tập kết ra Bắc. Sau 6 năm rèn luyện trưởng thành trong quân đội, năm 1960, anh được kết nạp Đảng rồi vào Trường Công an Trung ương C500 (nay là Học viện An ninh nhân dân), chính thức trở thành người chiến sĩ công an.

Sau khi học lớp điệp báo cấp tốc, đầu năm 1975, anh làm phó đoàn công tác đặc biệt gồm một trăm cán bộ chiến sĩ vào Nam.

Hai ngày sau khi Sài Gòn được giải phóng, anh được cử giữ chức Đội trưởng Đội Chấp pháp đầu tiên của Phòng Cảnh sát hình sự và Bí thư chi bộ của phòng. Khi thành lập Đội Săn bắt cướp, anh cũng được cử giữ chức đội trưởng.

Anh và đồng đội đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Đó là phá các vụ án chấn động dư luận trong nước và quốc tế như vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, vụ án Thanh Nga, vụ bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ; điều tra vụ thảm sát tại nhà Quận chúa Mộng Hoa, giải cứu 11 em bé bị bắt cóc bán lên vùng rừng núi Lâm Đồng, phá các băng cướp có súng như băng cướp Võ Tùng Hội, Phú “Salem”, băng cướp Thái Lập Thành, băng Bông Hồng Trắng, truy bắt các tên cướp khét tiếng Điềm Khắc Kim, Tín Mã Nàm (vụ án Mã Ngưu)...

doi truong san bat cuop anh 2
Ông Võ Tấn Thành giải cứu một bé gái bị bắt cóc.

Đặc biệt là vụ án Nguyễn Hữu Đạt hãm hiếp, giết 9 cô gái xinh đẹp rồi đốt xác phi tang. Khi hung thủ giết cô thứ 3 vào đầu tháng 3/1976, đại úy Hai Thành đã cùng đồng đội vượt qua nhiều gian khổ mới tìm ra được kẻ sát nhân dâm đãng này. Những lần “vào hang bắt cọp”, anh bị tội phạm đánh bầm dập mà anh không hé răng mình là công an.

Anh kiên quyết trừng trị những kẻ ngoan cố, nhưng luôn mở lối hoàn lương cho những người ăn năn hối cải. Tấm lòng độ lượng, khoan dung của anh đã cảm hóa không ít tên tội phạm nguy hiểm và những tên giang hồ, gái làng chơi hoàn lương.

Tôi may mắn nhiều lần được gặp, bàn trà với anh Hai Thành khi anh về làm chánh án TAND quận Tân Bình, lúc nào anh cũng nhắc về đội SBC như một niềm tin yêu về lớp đồng đội kế tiếp.

Thật ra với vai trò người đội trưởng SBC đầu tiên (săn bắt cướp) Hai Thành đã đào tạo những học trò xuất sắc về hình sự cho ngành công an…

Những năm 1990, anh Huỳnh Bá Thành yêu cầu tôi và nhà văn Đam San viết một tiểu thuyết về huyền thoại đường phố Võ Tấn Thành, anh Hai Thành từ chối khéo và sau đó gặp riêng tôi: Có nhiều điều chưa được phép tiết lộ. Anh luôn cho thấy mình không màng chuyện đua danh đoạt lợi. Anh sẵn lòng cống hiến cho cách mạng ở bất cứ vị trí công tác nào.

Anh Hai Thành đã mất tại nhà riêng vào năm 2014 sau thời gian nghỉ hưu.

Khôi phục huyền thoại Săn bắt cướp thế nào?

Trong buổi làm việc mới đây với cán bộ cao cấp nghỉ hưu, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng nói sẽ khôi phục lực lượng SBC (Săn bắt cướp).



Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm