Gần nửa tháng qua, cứ đều đặn 8h mỗi sáng, Trần Bảo Vy (sinh năm 1997) lại có mặt tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC).
Trong văn phòng làm việc không có gì ngoài điện thoại, máy tính và những tập danh sách, giấy tờ, Bảo Vy cùng 17 sinh viên khác của Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM thực hiện hàng trăm cuộc gọi truy vết F0, F1 mỗi ngày.
Hầu hết tình nguyện viên trong nhóm đều lần đầu tham gia công tác truy vết nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ và khó khăn ban đầu.
"Đó là cảm giác buồn, bất lực khi không thể trực tiếp hỗ trợ người bệnh hay đôi lúc người được truy vết hoàn toàn không hợp tác. Tuy nhiên, chúng mình vẫn luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Vì trong thời điểm này, vẫn được ăn uống đầy đủ, được ngồi làm việc trong văn phòng và không phải mặc đồ phòng hộ, chúng mình đã cảm thấy rất biết ơn", Bảo Vy nói với Zing.
Các sinh viên của Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y dược TP.HCM tham gia đội truy vết F0. |
"Chỉ sợ người ta không nghe hoặc dập máy"
Bắt đầu một ngày làm việc mới, Bảo Vy lại nhận được một danh sách liên hệ của hàng trăm ca nhiễm mới ở TP.HCM.
Với tư cách trưởng nhóm, Vy sẽ chia đều danh sách này cho các thành viên còn lại trong đội truy vết, trung bình mỗi người đảm nhận khoảng 10 ca/ngày.
"Chúng mình làm theo một quy trình rất cụ thể, nhận thông tin F0, gọi điện truy vết, xác nhận thông tin với F1, làm biểu mẫu điều tra dịch tễ, làm báo cáo hoàn chỉnh và nhập CDS".
Với mỗi F0, từng thành viên trong đội có thể mất hơn một giờ đồng hồ để thực hiện 2-3 cuộc gọi truy vết và hoàn thành hồ sơ. Mọi người làm việc dựa trên nguyên tắc tôn trọng, bảo mật thông tin, lắng nghe, thấu hiểu và giải đáp thắc mắc của người bệnh.
Tuy nhiên, đối với những F0 không hợp tác, quá trình này thường tốn thời gian hơn rất nhiều.
"Có những người rất nhiệt tình chia sẻ nhưng có những người vì quá nhạy cảm hay lo sợ nên họ chỉ im lặng, không hợp tác và dập máy ngang. Sợ nhất là khi người ta không bắt máy hoặc chỉ nghe đến HCDC đã dập máy. Còn những trường hợp im lặng hay phản ứng lại thì họ vẫn cho mình cơ hội để giải thích và thuyết phục truy vết", Bảo Vy nói.
Gặp không ít khó khăn nhưng các thành viên trong đội truy vết luôn cố gắng tạo sự tin tưởng để có thể lắng nghe, chia sẻ, thu thập thông tin từ các F0.
"Thực hiện công việc này, chúng mình nhiều lúc khá căng thẳng, chỉ sợ bản thân không hoàn thành được cuộc gọi để truy vết đầy đủ", Vy chia sẻ.
Kết thúc ngày làm việc lúc 18h nhưng khi về đến nhà các thành viên đội truy vết cũng luôn trong tâm thế sẵn sàng làm việc online. "Nguyên tắc là công việc sẽ được xử lý hết trong ngày để hôm sau nhóm sẽ nhận danh sách mới và bắt đầu làm việc với những ca nhiễm mới".
Mỗi thành viên đội truy vết thực hiện 20-30 cuộc gọi/ngày. |
Những câu chuyện phía bên kia đầu dây
Trong hơn 10 ngày làm việc, nhóm của Vy đã gọi điện cho hàng nghìn trường hợp F0, F1. Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh khó khăn riêng. Nhiều trường hợp vẫn khiến các tình nguyện viên xúc động khi nhớ và kể lại.
Vy nhớ nhất là trường hợp của một F0 13 tuổi, F1 là ông bà của bệnh nhân. Sau khi bé 13 tuổi được đưa đi cách ly, đội truy vết liền gọi điện cho ông bà của bé.
Cả hai đã lớn tuổi, sống một mình, khi nghe điện chỉ biết cầu cứu.
Sau khi cố gắng hỏi thông tin chi tiết và trấn an hai ông bà, đội truy vết đã nhanh chóng liên lạc với UBND phường để nhờ trợ giúp.
"Dù rất lo lắng khi biết mình bị nhiễm bệnh, nhiều người vẫn trả lời chi tiết và nhẹ nhàng, không bao giờ tỏ ra khó chịu khi nhóm gọi điện xác minh nhiều lần. Vài ngày sau khi được truy vết, một số người thậm chí gọi điện lại cho tụi mình chỉ để nói lời cảm ơn. Thực sự có rất nhiều cuộc gọi làm chúng mình phải rơi nước mắt vì xúc động", Bảo Vy nói.
TP.HCM tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng, mở rộng điều tra dịch tễ. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Không chỉ là những thông tin, thắc mắc về dịch bệnh, nhiều F0 còn gặp những khó khăn trong cuộc sống thường ngày đã nhờ cậy đội truy vết hỗ trợ.
"Có những vấn đề nghe có vẻ nhỏ nhặt nhưng với người bệnh ở thời điểm đó thì nó thực sự quan trọng. Chính vì vậy, tụi mình muốn cố gắng lắng nghe, thấu hiểu, giúp đỡ hoặc nghĩ ra phương án giải quyết ổn thỏa nhất", Vy chia sẻ.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4, TP.HCM trở thành địa phương có số ca lây nhiễm lớn nhất cả nước.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, đội ngũ điều tra dịch tễ đang tăng tốc truy vết F0, kết hợp đánh giá thực địa để có cơ sở khoanh vùng phạm vi xử lý.
Gần 10 ngày qua, hơn 400 sinh viên của Đại học Y Dược TP.HCM đã tình nguyện tham gia vào 22 đội truy vết F0 ở 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức để hỗ trợ công tác chống dịch của toàn thành phố.