Đôi vợ chồng câm điếc và lời tỏ tình đêm Giáng sinh
Đôi vợ chồng trẻ ở miền Tây bị chứng câm điếc bẩm sinh. Vượt qua những trở ngại, khiếm khuyết, họ yêu thương và đùm bọc nhau trong cuộc sống.
Tỏ tình bằng ngôn ngữ ký hiệu
Vừa đủ 18 tuổi, Trần Thị Ngọc Bích nhận lời tỏ tình bất ngờ của Đức Hòa, hơn cô 4 tuổi.
Đó là đêm Noel trời se lạnh, trong một góc phố nhỏ của TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, chàng trai ấy đã lấy hết dũng cảm để thổ lộ tiếng lòng.
Bích và Hòa ngượng ngùng kể về tình yêu bắt đầu từ năm 2009. |
"Anh ấy tay xách một con gấu bông lớn cùng một chiếc nhẫn màu bạc. Rồi tay kia, anh vẽ một trái tim và những ký tự khác. Tôi biết mình được tỏ tình, được yêu cầu trả lời có chấp nhận làm bạn gái của anh hay không", Bích nhớ lại.
Bích và Hòa kết hôn năm 2018. Cả hai vẫn thường xuyên hẹn hò nơi phố biển TP Rạch Giá để ngắm hoàng hôn như lúc mới yêu. |
Rồi theo lời mô tả của Hòa, cái gật đầu của Bích làm tim anh tan chảy. Trong đêm Giáng sinh, mọi thứ đến với anh và người con gái ấy thật đằm thắm, nhẹ nhàng trong tiếng nhạc.
Cả hai đều theo đạo Công giáo, vì thế dấu mốc tình yêu của họ trong dịp Giáng sinh cũng thật đặc biệt.
Bích và Hòa vẫn lưu giữ và thường xem lại hình ảnh khoảnh khắc ngày cưới của mình. |
Không một lá thư tỏ tình hay lời nói ngọt ngào từ người yêu, Bích cảm nhận được điều Hòa muốn nói qua những ký hiệu đặc biệt mà người thứ ba không dễ hiểu.
Cả hai đều bị câm điếc từ nhỏ, có nhiều năm cùng sống và học tập tại ngôi nhà chung - Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.
Cả hay quấn quýt nhau suốt ngày. Hòa vừa đi uống cà phê với bạn một lúc Bích đã gọi tìm. |
Giờ nhắc lại ngày hôm ấy, Bích vẫn ngượng đỏ mặt. Cô nói ngoài chuỗi ký hiệu, điều làm bản thân rung động là ánh mắt như muốn khóc của Hòa. Điều này đến bây giờ Bích vẫn nhớ như in.
Còn đối với Hòa, anh nói bản thân luôn tự ti vì khiếm khuyết cơ thể, nhiều năm trước chưa từng nghĩ sẽ lấy được vợ, huống chi là gặp được người xinh xắn như Bích.
Cây chuyện của đôi vợ chồng trẻ bắt đầu từ những ký hiệu đặc biệt. Đó cũng là cách để cả hai trao đổi thông tin và thể hiện tình cảm. |
"Có bấy nhiêu lương chồng đưa em hết"
Đây là lời chia sẻ của Bích trong lúc trò chuyện. Dĩ nhiên tôi không chủ động hỏi, nhưng trong câu chuyện của mình, Bích vô tình nói ra.
Hai vợ chồng cùng nhau đi chợ. Bích nói mình quản hết thu nhập của Hòa, chỉ chừa cho anh một ít tiền cà phê trong người. |
Bích và Hòa đều được nuôi dạy tại Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm - hiện là mái nhà của hơn 100 trẻ dị tật ở nhiều lứa tuổi. Tại đây, các em được nuôi dạy, cho học chữ, học nghề thêu hoặc may vá, vẽ...
Đôi vợ chồng trẻ cùng nhau làm việc nhà. |
Cả hai nằm trong số ít ở đây có thể vượt qua khiếm khuyết cơ thể, trưởng thành và tự nuôi sống bản thân. Hiện Bích là giáo viên dạy trẻ em câm điếc, chồng cô là họa sĩ vẽ mẫu tranh thêu cũng tại ngôi trường đặc biệt.
Tổng thu nhập của đôi vợ chồng trẻ là gần 8 triệu/tháng với mức lương của Bích nhiều hơn Hòa đôi chút. Số tiền này thường chỉ vừa đủ để 2 người sinh hoạt trong một tháng, cũng không ít lần thiếu hụt.
Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm là ngôi nhà thứ hai của Bích và Hòa. Cả hai sống và làm việc tại đây. |
Quê nhà của Bích ở TP Cần Thơ, còn Hòa ở huyện Tân Hiệp, cách xa trường vài chục km. Vì cả hai cùng làm việc tại đây, lãnh đạo Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm cho họ ở nhờ trong một căn phòng nhỏ, diện tích chưa đến 10 m2. Thường các ngày thứ bảy hoặc chủ nhật, Bích và Hòa sẽ về quê.
Dịp cuối tuần, 2 vợ chồng không về quê vì Hòa đột ngột bệnh. Không khí tổ ấm gia đình họ chùng xuống hơn ngày thường. |
Chờ mong "thiên sứ" tình yêu
Bích vừa hoàn thành lớp trung cấp sư phạm mầm non sau gần 2 năm theo học. Theo cô, đây là thời điểm thích hợp để sinh em bé.
"Trai hay gái cũng được. Đó là thiên sứ đến gắn kết tình yêu, mang đến nhiều yêu thương cho chúng em", Hòa viết vài dòng tin nhắn trong điện thoại.
Yêu trẻ, đôi vợ chồng luôn háo hức về một gia đình có tiếng cười đùa của con nít. |
Câu chuyện tình yêu của Bích và Hòa được nhiều người thân, bạn bè, các sơ trong trường quan tâm ủng hộ. Nhiều người cứ thúc mãi chuyện họ có em bé. Những lúc như vậy, cả hai chỉ biết cười.
Thời gian rảnh, 2 vợ chồng thường trò chuyện với nhau về phương pháp nuôi dạy trẻ. |
Hòa kể nhiều năm trước, giấc mơ về một mái ấm gia đình đối với anh xa vời như những ngôi sao trên bầu trời thoắt ẩn, thoắt hiện. Giờ đây, bản thân đã có được điều hằng mong đó như một cơ duyên của tạo hóa.
Cuộc sống vắng lặng theo đúng nghĩa đen, bởi Bích và Hòa không thể nghe được. Tuy nhiên, người đối diện dễ ấm lòng bởi ánh mắt, nụ cười họ dành cho nhau. |
"Chúng em hay mong sự ồn ào bên ngoài để tìm niềm vui. Bởi cuộc sống chúng em vốn không giống nhiều người. Nó vắng lặng, nhiều lúc rất buồn tẻ", Bích tâm sự.
Quan niệm về tình yêu và hạnh phúc của đôi trẻ là dựa trên sự thấu hiểu, tôn trọng và đồng thuận.
"Những lúc có chuyện cãi nhau, cả hai em đều rất mệt mỏi và buồn", Hòa cho biết.