Bất chấp việc hai nhà thiết kế Domenico Dolce và Stefano Gabbana lên tiếng xin lỗi “toàn thể người Trung Quốc khắp thế giới”, thương hiệu Dolce & Gabbana tiếp tục hứng chịu hậu quả từ vụ lùm xùm kỳ thị tại thị trường quốc gia tỷ dân.
Theo CNN, hôm 23/11 tập đoàn bán lẻ Lane Crawford - đặt trụ sở tại Hong Kong và có nhiều trung tâm mua sắm ở Đại lục - thông báo đã dừng bán các sản phẩm của Dolce & Gabbana tại cửa hàng và qua mạng vì sự phản đối của khách hàng.
Hai nhà thiết kế Domenico Dolce và Stefano Gabbana đã lên tiếng xin lỗi, nhưng không ngăn được cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc. Ảnh: Independent. |
Trong khi đó, các sản phẩm của Dolce & Gabbana biến mất không còn dấu vết trên các trang bán lẻ online của Alibaba, JD.com và Yoox Net-A-Porter. Trên mạng xã hội, nhiều người Trung Quốc chia sẻ clip và hình ảnh đốt, cắt quần áo, giày dép Dolce &Gabbana.
Các nhà phân tích cho rằng thương hiệu Dolce & Gabbana đang đối mặt với sự sụp đổ tại thị trường Trung Quốc. “Trong con mắt của người tiêu dùng Trung Quốc, thương hiệu này đã tàn lụi”, CNN dẫn lời chuyên gia Ben Cavender của hãng China Market Research tại Thượng Hải.
Ông Cavender cho rằng nguy cơ lớn đối với Dolce & Gabbana hiện nay là các trung tâm thương mại lớn ở Trung Quốc đồng loạt đóng cửa những cửa hiệu bán đồ của hãng thời trang Italy.
Nhà bình luận thời trang Hung Huang nhận định Dolce & Gabbana cũng khó có thể tiếp tục thực hiện chiến lược sử dụng người nổi tiếng để quảng bá cho các sản phẩm của hãng tại Trung Quốc.
“Sẽ không người nổi tiếng nào tại Trung Quốc làm việc với Dolce & Gabbana nữa”, Hung Huang nhấn mạnh. Bà giải thích hiện các ngôi sao Trung Quốc đang chịu áp lực phải thể hiện lòng yêu nước để lấy lòng chính phủ sau vụ minh tinh Phạm Băng Băng bị điều tra tội trốn thuế và phải nộp phạt 130 triệu USD.
Dù vậy, trên mạng xã hội ông Hu Xijin, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu, viết người dân Trung Quốc không nên trừng phạt Dolce & Gabbana quá nặng nề. Ông này cho rằng Trung Quốc cần “nhẹ tay” với thương hiệu thời trang Italy để cho thế giới thấy rằng nước này là một thị trường mở.
Các sản phẩm của Dolce & Gabbana đang bị tẩy chay tại Trung Quốc. Ảnh: Vogue. |
Theo Washington Post, chuyên gia Jerry Clode của hãng Resonance (Thượng Hải) cho biết trước vụ bê bối, Dolce & Gabbana là một thương hiệu mạnh tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, được nhắc đến trên Weibo nhiều hơn hẳn so với các đối thủ như Dior hay Burberry.
Chưa rõ Dolce & Gabbana sẽ tìm ra con đường nào để phục hồi tại thị trường Trung Quốc. Trước đây, nhà thiết kế Gabbana cũng thường gây sốc với những phát ngôn quá đà. Ông từng công khai chê một số ngôi sao như Selena Gomez là xấu xí, thể hiện sự khinh bỉ với những người thừa cân.
Ông bị chỉ trích vì phủ nhận sự tồn tại của nạn quấy rối tình dục tại Italy và bác bỏ phong trào #MeToo, và vì ủng hộ Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump, dù cả ngành thời trang quốc tế tỏ thái độ chống đối Tổng thống Donald Trump.