Zing trích dịch bài đăng trên South China Morning Post về hoàn cảnh sống khó khăn của những người lao động nhập cư tại Đài Loan trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Có hơn 718.000 dân nhập cư đang sinh sống tại Đài Loan. Trong số này, khoảng 280.000 người, tương đương 40%, đến từ Indonesia, tiếp theo là Việt Nam (221.400), Philippines (158.700) và Thái Lan (58.700). Nhóm này chủ yếu làm các công việc chân tay trong lĩnh vực sản xuất, chăm sóc sức khỏe hay nông, lâm nghiệp và đánh cá.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng lao động này buộc phải ở lại, sống trong điều kiện không đảm bảo phòng tránh virus.
Chỉ có một công nhân người Indonesia không giấy tờ được xác nhận mắc Covid-19 trên một hòn đảo vào tháng 2 vừa qua. Kể từ đó, không có ghi nhận mới về người mắc bệnh trong nhóm lao động nhập cư.
Tùy vào công việc, dân nhập cư ở đây có điều kiện sống khác nhau. Một nhà trọ cho công nhân nhà máy thường có 4-8 người sống song cũng có trường hợp lên đến 30 người.
Một phòng trọ tồi tàn cho lao động nhập cư ở Đài Loan. |
Các lao động được yêu cầu sống với gia đình nhà chủ, không được phép sống bên ngoài một mình. Nhiều người làm công việc chăm sóc sức khỏe chia sẻ phòng cùng bệnh nhân mình chăm sóc, hiếm khi có phòng riêng. Trong khi đó, các ngư dân sống trong những chiếc thuyền neo ngoài cảng, không gian cũng chẳng mấy thoải mái.
Febry Setiawan (30 tuổi, người Indonesia) làm việc trong một nhà máy sản xuất gỗ ép. Anh đến Đài Bắc từ 3 năm trước.
Ký túc xá của Setiawan nằm trong khu nhà xưởng. Vì cả nhà máy chỉ có 8 công nhân nước ngoài, anh có một căn phòng nhỏ cho riêng mình. 5 đồng nghiệp của anh chia sẻ một căn phòng lớn hơn.
"Lương của chúng tôi bị trừ 2.000-3.000 Đài tệ (67-100 USD) cho tiền phòng. Ngoài ra, tiền điện nước có thể mất thêm khoảng 500 Đài tệ (17 USD)/tháng", Setiawan cho biết.
Lao động nhập cư thường kiếm được mức lương tối thiểu 23.800 Đài tệ (790 USD)/tháng trước khi khấu trừ phí chỗ ở, phí dịch vụ cho người môi giới, bảo hiểm lao động, y tế và thuế.
Khu trọ của Febry Setiawan nằm trong khu nhà máy phức hợp. |
Thời điểm này, chủ của Setiawan vẫn cho phép anh ra ngoài với yêu cầu đảm bảo giãn cách xã hội. Anh cũng chủ động mua khẩu trang và nước rửa tay cho mình.
"Setiawan là một trong những người may mắn. Nhiều công nhân nhà máy còn phải chen chúc trong các căn 'nhà container', mùa hè thì nóng, lạnh cóng vào mùa đông và không có nước máy. Họ phải tự mang nước theo", Wu Jing Ru, nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Công nhân Quốc tế Đài Loan (TIWA), cho biết.
Wu nhận định nguy cơ lây lan virus corona không phải là vấn đề duy nhất đáng lo ngại tại các khu nhà ở này. Phần lớn ký túc xá tại nhà xưởng rất nguy hiểm vì gần với vật liệu trong nhà máy, dễ bắt lửa. Trong những năm gần đây, 11 công nhân đã thiệt mạng vì các sự cố hỏa hoạn.
"Nói chung, các khu nhà ở này không thực sự an toàn trừ khi các công ty có điều kiện cung cấp ký túc xá tách khỏi nhà xưởng", Wu nói.
5 đồng nghiệp của Febry Setiawan chia sẻ một phòng trọ. |
Grace Huang, tổng thư ký Hiệp hội người chăm sóc sức khỏe, cho biết lao động nhập cư ở Đài Loan chưa trở thành nạn nhân của Covid-19 vì chưa có lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
"Những nỗ lực ban đầu của Đài Loan đã ngăn chặn bùng phát quy mô lớn. Ví dụ, mọi người ở Đài Loan đều có thể mua khẩu trang theo khẩu phần. Công dân nước ngoài có thẻ cư trú có thể đặt hàng khẩu trang tại bất kỳ nhà thuốc nào", bà nói.
Tuy nhiên, bà vẫn nghi ngờ sự sẵn sàng của chính quyền trong việc bảo vệ người lao động nhập cư nếu trường hợp dịch bệnh bùng phát. Bộ trưởng Y tế Đài Loan Chen Shih-chung đã nhận định sự lây nhiễm trong cộng đồng sẽ là "không thể tránh khỏi" nếu trong thời gian dài.
"Dù Đài Loan đã cố gắng giữ số ca mắc Covid-19 ở mức dưới 500 và duy trì cuộc sống hàng ngày gần như bình thường, nhưng quyền tự do cá nhân của công nhân nhập cư đã bị ảnh hưởng", bà Grace nói.
Bà cho biết hiện người lao động bị chủ nhân siết chặt quản lý hơn. Nhiều người bị hạn chế ra khỏi nhà chủ trong nhiều tháng vì không được có ngày nghỉ, trong khi thậm chí chủ nhân của họ vẫn ra ngoài đi làm như bình thường.
"Điều này chẳng khác gì phân biệt đối xử", bà nhận định.
Febry Setiawan may mắn hơn nhiều người nhập cư khi có phòng riêng. |
Hesty Marettasari (27 tuổi, người Indonesia) làm công việc chăm sóc sức khỏe cho biết chủ nhân thường xuyên đá và cào cô. Hesty cũng thường xuyên bị thiếu ngủ vì phải chăm sóc bệnh nhân. Kể từ khi có dịch, cô phải đấu tranh với chủ để có thể được nghỉ 1 ngày/tuần và ra ngoài.
Chính quyền Đài Loan đã tăng cường các biện pháp để ngăn chặn làn sóng nhiễm Covid-19 thứ hai từ cư dân và người nước ngoài quay trở lại khi tình hình dịch leo thang tại nhiều nước.
Lao động nhập cư trở về được yêu cầu cách ly 14 ngày trong các cơ sở do chính quyền chuẩn bị. Họ sẽ được trả 1.000 Đài tệ (33 USD) cho mỗi ngày cách ly.