Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đòn giáng vào kế hoạch khuyến khích đẻ con của Trung Quốc

Ngày càng ít người Trung Quốc chọn kết hôn vào năm ngoái, làm căng thẳng thêm cuộc khủng hoảng dân số do tỷ lệ sinh lao dốc của quốc gia này.

Số lượng đăng ký kết hôn giảm kể từ năm 2013, trong khi số liệu do một số chính quyền địa phương công bố gần đây khẳng định xu hướng tiếp tục giảm.

Đây là đòn giáng mới nhất vào kế hoạch khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con của Trung Quốc, sau khi số lượng sinh giảm năm thứ 5 liên tiếp vào năm 2021, theo SCMP.

Tại tỉnh Giang Tô, số lượng đăng ký kết hôn giảm 5,16% so với con số được Sở Nội vụ tỉnh xác nhận năm 2020.

Tại thành phố Hợp Phì, phía đông tỉnh An Huy, số cặp vợ chồng kết hôn năm 2021 giảm 4.065, tương đương 6,6% so với một năm trước đó. Đây là mức giảm năm thứ 7 liên tiếp kể từ 2014. So với mức đỉnh điểm, số lượng cuộc hôn nhân ở Hợp Phì giảm 41% vào năm ngoái.

Tại Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, số lượng các cặp kết hôn năm ngoái tăng nhẹ so với 2020. Tuy nhiên, đây là một trong những mức thấp nhất trong một thập kỷ, giảm hơn 20% so với năm 2011.

Ke hoach khuyen khich de con cua Trung Quoc anh 1

Tại Trung Quốc, số lượng đăng ký kết hôn trong 3 quý đầu năm ngoái giảm nhẹ so với 9 tháng đầu năm 2020, nhưng giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: AFP.

Tháng 5/2021, Trung Quốc tuyên bố cho phép mỗi cặp vợ chồng có tối đa 3 con, khác xa so với giới hạn 2 con trước đó, sau khi phụ nữ chỉ sinh 12 triệu trẻ năm 2020, giảm so với 14,65 triệu vào 2019.

Năm ngoái, các bà mẹ Trung Quốc chỉ sinh 10,62 triệu trẻ, giảm 11,5% so với mức 12 triệu của 2020. Tỷ lệ sinh trên toàn quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục 7,52 ca/1.000 người năm 2021, từ 8,52 vào 2020.

Trên cả Trung Quốc, số lượng đăng ký kết hôn trong 3 quý đầu năm ngoái giảm nhẹ so với 9 tháng đầu năm 2020, nhưng giảm đáng kể 17,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Tỷ lệ ly hôn giảm, được cho là do thời gian hòa giải 30 ngày được áp dụng kể từ tháng 1/2021, yêu cầu các cặp vợ chồng đợi trước khi quy trình hoàn tất. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng quy định mới cản trở sự tự do của họ.

Tại tỉnh Giang Tô, gần 40% vụ ly hôn được đệ trình năm 2021 được rút lại hoặc xem là rút lại do chưa hoàn thành.

Ở An Huy, số vụ ly hôn giảm hơn một nửa vào 2021, so với một năm trước đó.

Các xu hướng tương tự cũng xuất hiện ở các thành phố khác, bao gồm Nhạc Dương ở tỉnh Hồ Nam và Ôn Châu ở tỉnh Chiết Giang.

Những thay đổi về xã hội Trung Quốc cũng khiến mọi người kết hôn ở độ tuổi ngày càng cao.

Năm 2020, những người trên 30 tuổi chiếm 46,5% tổng số đăng ký kết hôn trên toàn quốc so với năm 2005, khi 47% ở độ tuổi 20-24.

Ở thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình của nam giới là 35,23 vào năm 2021, so với 33,96 đối với phụ nữ. Con số này chênh gần 6-7 tuổi so với năm 2016, khi tuổi kết hôn trung bình của nam và nữ lần lượt là 29,41 và 27,27.

Năm ngoái, ở Ôn Châu, nam giới kết hôn lần đầu ở độ tuổi trung bình là 29, so với 26,7 ở nữ giới. Cả hai đều tăng nhẹ so với một năm trước đó.

Tuy nhiên, ở tỉnh Giang Tô, độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ là 26,5 và 28 với nam giới, trẻ hơn nhiều so với năm 2017, khi mọi người lập gia đình ở tuổi 30.

Tuy nhiên, thống kê phổ biến rằng ở Giang Tô, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình là 34 có thể sai, theo nhà nhân khẩu học độc lập He Yafu.

“Tỷ lệ sinh giảm dẫn đến các cuộc hôn nhân giảm. Điều này lại dẫn đến việc giảm số lượng sinh nở trong tương lai. Tất nhiên, ngoài số lượng thanh niên thấp hơn, tỷ lệ kết hôn giảm cũng dẫn đến số lượng đăng ký kết hôn giảm”, ông nói.

Trung Quốc nhận trái đắng vì chính sách một con

Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đang giảm mạnh và chính phủ nước này dường như bất lực trong việc ngăn chặn điều đó.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm