Thời nào cũng vậy, thương thuyết vẫn được coi là vũ khí sắc bén trong mọi công việc, đặc biệt là đối với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Quyết định dứt khoát của một vị tướng
Cách đây không lâu, tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội xảy ra vụ khống chế con tin là trẻ em và phụ nữ.
Trần Thanh Bình, đối tượng gây án là người tỉnh ngoài, đã lang thang ra Hà Nội, đến khu tập thể Thanh Xuân Bắc và lợi dụng sơ hở của người phụ nữ không đóng cửa cẩn thận lúc 5h sáng, đột nhập vào nhà dùng dao nhọn đe dọa, khống chế những người ở bên trong bao gồm toàn phụ nữ và trẻ em để cướp tài sản.
Khi bị những người hàng xóm của nạn nhân phát hiện, báo tin cho lực lượng công an sở tại đến giải quyết, Trần Thanh Bình đã khóa trái cửa và bắt đầu thực hiện hành vi bắt giữ người trái pháp luật, khống chế con tin và ra nhiều yêu sách nhằm mục đích tìm đường thoát thân.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi đó đang ở cương vị Giám đốc Công an Hà Nội, sau khi nắm rõ tình hình sự việc đã quyết định trực tiếp đối thoại với tên tội phạm, nhằm mục đích thuyết phục đối tượng buông vũ khí đầu thú.
Công an Hà Nội đưa một đối tượng phạm tội về trụ sở sau nhiều giờ thương thuyết. |
Nhiều người cho rằng, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung thời điểm đó một mình trực tiếp thương thuyết với đối tượng bắt cóc để giải cứu con tin là nước cờ mạo hiểm, nhưng người đứng đầu Công an Hà Nội lúc đó đã đưa ra quyết định dứt khoát, bất chấp nguy hiểm khó lường xảy ra bên trong căn nhà có đối tượng tội phạm đang khống chế nhiều con tin là phụ nữ và trẻ em.
Bằng thái độ bình tĩnh, với những lý lẽ sắc bén của người có bề dày kinh nghiệm trong đấu tranh phòng chống tội phạm, lại dùng những lời nói chân thành, tình cảm để động viên, tác động tâm lý hướng thiện cho đối tượng, sau gần 10 phút đối thoại với tên tội phạm tay lăm lăm dao nhọn, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã thuyết phục đối tượng buông hung khí, về trụ sở công an để làm việc...
Cho đến bây giờ, sau gần 3 năm xảy ra vụ bắt cóc con tin ở phường Thanh Xuân Bắc, kẻ gây án đã nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật, nhưng nhiều người dân ở thủ đô nói chung và ở phường Thanh Xuân Bắc nói riêng vẫn nhớ như in hình ảnh vị Giám đốc Công an Hà Nội đưa tên tội phạm từ trong căn hộ ở tập thể Thanh Xuân Bắc xuống đường, rồi lên xe đặc chủng về trụ sở công an sau gần 10 phút thương thuyết.
Nhiều người tò mò muốn biết nội dung cuộc thương thuyết đó như thế nào? Vì lý do nghiệp vụ, chúng tôi không thể tiết lộ vấn đề này. Chỉ biết rằng, với kinh nghiệm sau nhiều lần tham gia chỉ huy và trực tiếp giải cứu con tin thành công, Giám đốc Công an Hà Nội khi đó đã kiên định, tự tin với lựa chọn của mình và đó chính là bí quyết của thành công trong thương thuyết với tội phạm, kể cả những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm, làm chúng phải khuất phục.
Đối tượng Trần Thanh Bình ra tòa. |
6 giờ đấu trí căng thẳng
Vụ Nguyễn Ánh Hùng (SN 1970), trú tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dùng dao đâm người rồi vào nhà cố thủ bằng xô đựng đầy xăng xảy ra tại phố Ngô Sỹ Liên, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội, vào ngày 12/5 cũng là sự việc “nóng” được dư luận đặc biệt quan tâm.
Nhiều người muốn biết vì sao một đối tượng từng có 6 tiền án, nhưng lại chịu buông dao, hạ xô xăng để theo lực lượng công an về trụ sở đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội. “Giải mã” những bí ẩn về vụ án này.
Chúng tôi được biết để có kết quả nêu trên, thượng tá Đỗ Xuân Tiến, Phó trưởng Công an quận Đống Đa và đồng đội của ông đã có 5 giờ đấu trí căng thẳng với tên tội phạm với bề dày “thành tích” bất hảo, từng có tới gần 30 năm tù.
Như bạn đọc đã biết, 13h ngày 12/5, anh Phạm Văn Minh, ở ngách 21, phố Ngô Sỹ Liên, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội phát hiện một người đàn ông lạ vai khoác túi xách từ trong nhà mình đi ra đã hỏi và giữ lại để làm rõ, liền bị đối phương dùng dao nhọn đâm 5 nhát gây thương tích nặng.
Sau đó, kẻ gây án được xác định là Nguyễn Ánh Hùng đã chạy về nhà người anh trai tại ngõ 28, phố Ngô Sỹ Liên cố thủ bằng dao và xô đựng đầy xăng. Trong thời gian này, Nguyễn Ánh Hùng liên tục đe dọa sẽ châm lửa đốt nhà và tự sát. Khi đó, trong nhà ngoài Hùng còn có người anh trai và chị dâu của đối tượng.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề điều tra hình sự, thượng tá Đỗ Xuân Tiến đã dùng lý lẽ, tình cảm, nhẹ nhàng thuyết phục, động viên, tác động vào tâm lý để đối tượng “hạ nhiệt”, bớt căng thẳng, không manh động dẫn đến gây án nghiêm trọng.
Đối tượng Nguyễn Ánh Hùng. |
“Một mặt “ru ngủ” đối tượng bằng cách dùng tình cảm thuyết phục, mặt khác chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ chiến sĩ tìm hiểu về lai lịch, nhân thân đối tượng để có được những thông tin, dữ liệu quan trọng làm “vũ khí” tấn công hạ gục đối tượng trong cuộc thương thuyết tiếp theo”, thượng tá Tiến cho biết và nhấn mạnh đối tượng này từng có 6 tiền án, trong đó có tiền án “Giết người” và thời gian Hùng phải thụ án là 20 năm tù từ khi mới 17 tuổi.
Ngoài ra, Hùng còn 5 lần phạm tội khác phải chấp hành hình phạt của tòa án với các tội danh “Cướp tài sản” và “Trộm cắp tài sản”. Từ những thông tin về nhân thân của Hùng, Thượng tá Đỗ Xuân Tiến bằng kinh nghiệm của mình đã phân tích tâm lý tội phạm để tìm ra điểm yếu của đối tượng và tập trung thuyết phục, cảm hóa đối tượng quay về nẻo thiện.
Sau 5 giờ thương thuyết, thượng tá Đỗ Xuân Tiến cùng đồng đội đã thuyết phục được Nguyễn Ánh Hùng tự nguyện giao nộp hung khí gây án là con dao nhọn và xô đựng xăng để ra đầu thú.
Theo đại tá Võ Hồng Phương, Trưởng Công an Đống Đa, trong khoảng thời gian thuyết phục đối tượng đầu thú, lực lượng công an đã tập trung cao độ mọi biện pháp phòng ngừa, tránh để xảy ra hậu quả xấu và mọi biện pháp ứng phó về các mặt như y tế, cứu hỏa cũng như các biện pháp nghiệp vụ khác… đều được triển khai kỹ lưỡng.
“Điểm nhấn quyết định thành công của vụ án chính là tài thương thuyết của thượng tá Đỗ Xuân Tiến, có sự hỗ trợ đắc lực của cán bộ chiến sĩ”, đại tá Võ Hồng Phương khẳng định.