Các trung tâm tiếng Anh thường đánh vào tâm lý phụ huynh là thích khuyến mại, sợ con không theo kịp bạn bè. Ảnh: Pro Docs Express. |
“Giá học phí hiện tại là 46,2 triệu đồng, hôm nay và ngày mai sẽ giảm 40% còn 27,7 triệu đồng, ưu đãi tái phí là 1,5 triệu đồng. Đặc biệt, nếu mình tham gia hôm nay, bên em sẽ tặng cho hai bé một tháng học bổng, tính ra học phí chỉ còn hơn 2 triệu đồng/tháng thôi ạ”.
“Em cam đoan sau này không có giá như thế này nữa đâu ạ, em chỉ xin được cho lớp em giảm 1,5 triệu đồng trong tuần này thôi. Mẹ đóng cho bé để tiết kiệm hơn nha”.
“Mẹ suy nghĩ về phí này nhé ạ, giảm trừ thêm thì em xin mới có, bây giờ còn có một bạn thôi, lúc nãy em xin thêm cho đủ hai bạn giảm thêm 5% cho anh em là rẻ lắm ạ”.
Tin nhắn chào mời khóa học của giáo viên gửi cho chị H.T.. Ảnh: PHCC. |
Đây là những tin nhắn thúc giục chị H.T. (sống ở TP.HCM) nhận được từ cô giáo chủ nhiệm ở trung tâm tiếng Anh của con trai vào tháng 6/2022. Dù đến tháng 10/2022 mới hết khóa học, chị T. đã bị cô giáo nhắn tin nhắc đóng thêm học phí cho khóa sau.
“Tôi đăng ký cho hai con đi học từ năm 2020 với tổng học phí khoảng 49 triệu đồng. Con mới học được 5, 6 tháng thì phải tạm nghỉ do Covid-19. Đến tháng 5/2022, con được đi học lại, sang tháng 6 cô giáo đã nhắn tin giục đóng thêm. Tôi thấy học phí vẫn còn nên quyết định không đóng”, chị T. nói với Zing.
Đánh đòn tâm lý để phụ huynh đóng thêm tiền
Lần đó, dù chị T. đã từ chối, giáo viên vẫn liên tục gọi điện nhắc chị đóng thêm học phí. Nhận thấy chiêu trò ưu đãi đặc biệt không thuyết phục được phụ huynh, trung tâm tiếng Anh này quyết định sử dụng một đòn tâm lý khác.
Giáo viên chủ nhiệm và nhân viên trung tâm thay phiên nhau liên hệ với chị T. để chào mời khóa học. Ảnh: PHCC. |
Chị T. kể rằng đến tháng 8, trung tâm tiếng Anh lại cử một nhân viên liên hệ với chị. Ban đầu, nhân viên liên hệ để báo cáo tình hình học tập của trẻ. Sau đó, người này giới thiệu rằng bên chăm sóc khách hàng vừa gửi gói phí ưu đãi đặc biệt cho trẻ, chỉ áp dụng trong tuần.
Sau khi nhắn tin, nhân viên lại gọi cho chị T., nói rằng trẻ đã hoàn thành khóa cuối, phụ huynh cần đóng thêm tiền để được theo học khóa tiếp theo mà không bị đứt quãng.
Nếu phụ huynh không đóng tiền, trung tâm phải chiêu sinh thêm học sinh, phụ huynh đóng tiền sau phải chờ thêm một thời gian, khi lớp mới khai giảng, con mới được đi học. Ngoài ra, chị T. được giới thiệu rằng khi khóa mới khai giảng, các bé đóng học phí sớm sẽ được tham gia lớp luyện thi chứng chỉ Cambridge.
Nghe những lời này, chị T. lo lắng con sẽ bị đẩy sang lớp mới, không quen bạn bè lại ảnh hưởng đến việc học. Bản thân chị cũng muốn con luyện thi chứng chỉ sớm để chuyển cấp. Vì thế, ngay vào tháng 8/2022, chị quyết định đóng thêm 47 triệu đồng tái phí cho hai con.
Chị N.H., phụ huynh có con học ở một trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội, cũng bị đánh đòn tâm lý tương tự. Chị H. cho con học ở trung tâm này từ năm 2018, đến đợt dịch Covid-19 năm 2020, một nhân viên sale của trung tâm liên hệ, nói với chị H. rằng trung tâm đang có gói ưu đãi học phí 5 năm tặng 5 năm và 3 năm tặng 3 năm. Các gói này phụ huynh có thể trả góp qua thẻ tín dụng không mất lãi và thời hạn lên đến 24 tháng. Những phụ huynh trả thẳng một lần sẽ được trừ thêm 5 triệu đồng.
Chương trình ưu đãi chị N.H. được giới thiệu có hai loại với mức giá khác nhau, nhưng điểm chung là chỉ giới hạn 10 suất. Ảnh: PHCC. |
Trong tin nhắn, nhân viên này nói với chị H. là chương trình chỉ giới hạn số lượng 10 suất trên toàn hệ thống. Chương trình ưu đãi này sẽ kết thúc khi đủ 10 phụ huynh đăng ký.
“Đợt đó mình cũng đăng ký, nghĩ là nếu anh lớn không học thì để dành sau này cho em nhỏ học cho tiết kiệm. Mãi đến sau này mình mới biết chương trình không giới hạn 10 suất như nhân viên nói, hóa ra phụ huynh nào cũng bị trung tâm chơi chiêu ‘em chỉ giới thiệu cho mỗi anh/chị thôi’”, chị H. kể lại.
Chị T.L., phụ huynh có con học ở một trung tâm tiếng Anh tại TP.HCM, không được giới thiệu các khóa học số lượng có hạn như chị T. và chị H., nhưng chị L. lại được trung tâm chào mời đăng ký khóa học bằng cách giảm giá sâu, cam kết lớp có giáo viên chủ nhiệm kèm cặp và tặng thêm USB để trẻ tự ôn tập.
Khóa học chị L. được giới thiệu khoảng 46 triệu đồng cho 12 tháng. Chị được giảm 8 triệu đồng học phí, giảm thêm 1,5 triệu đồng vì là khách hàng cũ và tặng thêm 6 tháng miễn phí. Như vậy, chị L. chỉ cần đóng khoảng 36 triệu học phí cho 18 tháng học.
Xác định cho con học tiếng Anh dài hơi vì con thích học tiếng Anh, chị L. quyết định đăng ký hai gói, tổng cộng hơn 73 triệu đồng cho 3 năm học.
Chào mời, hứa hẹn đủ kiểu rồi lại thất hứa
Đóng 73 triệu đồng với mong muốn con được học tiếng Anh đến nơi đến chốn nhưng chị T.L. chỉ nhận về những sự thất vọng. Chị L. kể sau Tết Nguyên đán 2022, tức là sau đợt nghỉ dài do dịch Covid-19, chất lượng dạy học của trung tâm bắt đầu đi xuống.
Giáo trình không đảm bảo chất lượng, giáo viên bỏ bê trẻ, dạy không đến nơi đến chốn, chị L. đành phải bỏ thêm 3 triệu đồng mỗi tháng để thuê gia sư về dạy thêm cho con.
Hồi đó, chị L. thông cảm với trung tâm, nghĩ rằng dịch bệnh ảnh hưởng nên khiến chất lượng dạy học đi xuống. Bản thân chị cũng từng động viên bản thân là chờ một thời gian nữa trung tâm sẽ ổn định lại. Nhưng để càng lâu, chất lượng dạy học của trung tâm càng tệ.
Đến tháng 11/2022, trung tâm nơi con chị L. học đóng cửa, trẻ được chuyển về một cơ sở mới nhưng việc học vẫn bị gián đoạn liên tục. Bất bình, chị L. yêu cầu hoàn phí và đăng ký cho con học ở một trung tâm khác.
“Con cứ hỏi tôi tại sao phải chuyển trường mãi, thương con lắm nhưng tôi đành phải chuyển thôi, tôi không thể để con học ở nơi chỉ biết hứa rồi thất hứa như vậy được”, chị L. nói.
Cũng giống như chị T.L., chị N.H. đã cho con học ở trung tâm khác dù đã đóng hơn 70 triệu đồng học phí. Ban đầu, trung tâm giới thiệu với chị H. là trả góp học phí qua thẻ trong 24 tháng sẽ không mất phí. Nhưng thực tế, chị bị thu phí thẻ vào tháng thứ 13, nghĩa là phụ huynh chỉ được miễn phí 12 tháng đầu.
Bị tính phí trả góp không phải vấn đề chị H. thấy bức xúc nhất, vấn đề nằm ở cách tổ chức dạy và học của trung tâm. Chị H. cho con học ở trung tâm này đã lâu, vốn cũng tin tưởng chất lượng dạy học, nhưng sau đợt dịch Covid-19, trung tâm đột ngột đóng cửa, không trả tiền, không dạy học cho trẻ như đã cam kết ban đầu.
Đến nay, chị H. vẫn chưa đòi được học phí từ trung tâm. Bản thân chị hối hận vì đã tin tưởng, đóng quá nhiều tiền, thậm chí còn giới thiệu cho người nhà đăng ký học cùng.
“Trước đây tôi chỉ đóng học phí cho con theo từng khóa ngắn 3-6 tháng, chưa bao giờ đóng tiền cho một khóa dài hơi mấy năm như vậy. Không ngờ tiền cho con ăn học cũng bị người ta lừa mất”, chị H. buồn bã nói.
Chị T. từng hỏi cô chủ nhiệm về việc con luyện thi chứng chỉ Cambridge 3 buổi rồi lớp dừng. Ảnh: PHCC. |
Về phần chị H.T., sau khi đóng học phí khóa mới, con chị được trung tâm bố trí học lớp luyện thi chứng chỉ Cambridge như đã cam kết. Tuy nhiên, trẻ chỉ học được 3 buổi thì trung tâm ngừng dạy. Bản thân trẻ cũng không theo kịp vì chương trình khó, dạy nhanh.
Chị T. nhắn tin cho cô giáo chủ nhiệm để hỏi về vấn đề này nhưng cô giáo giải thích qua loa là lớp luyện thi đã mở từ lâu, hiện tại đã hết buổi. Sau đó, cô gửi cho chị T. file tài liệu cho trẻ tự ôn tập, nếu có phần thắc mắc, trẻ có thể đến trung tâm hỏi cô.
Thế nhưng đến tháng 9/2022, cô giáo chủ nhiệm thông báo nghỉ việc, xóa kết bạn với chị H.T.. Đến đầu tháng 10, lớp của con chị T. có giáo viên mới, nhưng phần lớn thời gian giáo viên này chỉ vào nhóm lớp thông báo lịch nghỉ học, trẻ hầu như không còn được đi học đều như trước.
Đến nay, trung tâm tiếng Anh nơi con chị T. theo học đã đóng cửa. Con không được đi học nhưng hàng tháng chị T. vẫn bị trừ tiền trong thẻ tín dụng vì chị đóng học phí trả góp qua thẻ. Hiện, chị T. vẫn còn khoản nợ 20 triệu đồng chưa trả xong, bản thân chị không còn tiền, không thể đăng ký cho con học ở trung tâm khác.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên