Những ngày đầu năm mới, khi mọi người ở nhà quây quần bên nhau đón Tết Nguyên đán, cũng là lúc Trần Đặng Đăng Khoa, phượt thủ xuyên lục địa bằng xe máy, đón cái Tết thứ 2 trên đất Mỹ xa xôi.
Chọn nước Mỹ là điểm dừng chân tiếp theo sau 1 năm 8 tháng "lang bạt" khắp lục địa từ Á sang Âu rồi qua Nam Mỹ, Bắc Cực, năm nay, Trần Đặng Đăng Khoa, phượt thủ gốc Tiền Giang với hành trình xuyên lục địa, đón cái Tết xa nhà lần 2 tại nơi cách Việt Nam nửa bán cầu.
"Do mải chơi quá, cũng vì trót yêu châu Mỹ quá", Đăng Khoa đã đi tiếp chuyến hành trình rẽ qua châu lục có thác Niagara hay rừng Amazon huyền thoại rồi tiếp tục qua châu Úc, châu Phi và Nam Cực để khoanh tròn chuyến đi xuyên lục địa bằng xe máy.
"Không còn lạc lõng như những ngày đầu đón Tết xa quê... Lần thứ 2 bao giờ cũng dễ chịu hơn vì đã quen với cảm giác cô đơn mất rồi..." là những chia sẻ của chàng trai 8X khi được hỏi về cái Tết bên kia bán cầu. Khoa bộc bạch nếu đúng như dự định, anh sẽ khép lại hành trình tròn 1.000 ngày đúng vào dịp Tết bên gia đình năm 2020 hoặc có thể kéo dài chuyến đi quanh thế giới vào ngày 1/6/2020, tức là khoảng 3 năm kể từ khi xuất phát.
Những ngày đầu xuân, năm mới, khi những người con tất bật trở về quê sau một năm bôn ba, ở bên kia bán cầu, Trần Đặng Đăng Khoa cũng mang trong mình một nỗi nhớ da diết với quê hương, sự chạnh lòng đôi chút khi được hỏi về gia đình của mình.
Chia sẻ với Zing.vn, phượt thủ xe máy xuyên lục địa (tên gọi cộng đồng mạng đặt cho Trần Đặng Đăng Khoa) tâm sự: "Tết năm nay là nốt trầm lần thứ 2 trong suốt cuộc hành trình của mình rồi. Năm nay, mình không còn chạnh lòng hay cô đơn như những ngày đầu nữa. Ở nơi xa, không ai nhắc đến Tết Việt nên mọi thứ khá bình lặng, chỉ có lên mạng mới thấy bà con ở quê đón Tết rộn ràng thôi".
Mỗi khi gọi điện thoại với người thân, ba mẹ, những hình ảnh quây quần ở nhà không khỏi khiến Đăng Khoa mong nhớ, khắc khoải về một nỗi niềm xa xứ.
Đi nhiều, trải nghiệm rộng, mỗi khi bản thân rơi vào cảm xúc trầm lặng, phượt thủ 8X đều tự động viên bản thân "cuộc đời quả thực ngắn, tính ra cả đời cũng chỉ đón năm mới mấy chục lần, vì vậy việc dành vài năm ăn Tết xa quê để thấy được những điều quen thuộc quý giá đến nhường nào cũng là một trải nghiệm vô cùng quý báu".
Những điều gần gũi, thân thuộc, như việc ăn Tết bên bố mẹ chính là điều trân quý nhất với Khoa khi đối diện với cảm giác đón năm mới ở một nơi xa lạ, chẳng có người thân, chẳng có không khí rộn ràng, thân quen. "Người ta thường nói phải đi xa mới thèm cảm giác quay trở về, và không ít lần. Khoa thèm lắm cảm giác trở về nhà, ăn một bữa cơm bên gia đình. Nhớ mẹ, nhớ ba lắm, nhưng Khoa vẫn cố gắng chinh phục hết những châu lục còn lại, kẻo sau này về rồi, không đi được nữa sẽ rất tiếc", anh trải lòng.
Đối với Đăng Khoa, Tết xa nhà không phải là điều quá to tát hay xa vời. Nếu xa là để tìm tòi những điều mới, để hoàn thiện bản thân thì khoảng cách địa lý hay cảm giác cô đơn, lạc lõng nhận lại là hoàn toàn xứng đáng. Chỉ cần trong tâm luôn hướng về gia đình, Tết ở đâu cũng đều trọn vẹn.
Chuyến đi nào dù xa đến mấy, điểm bắt đầu và dừng chân cũng là nhà. Khoa mong mỏi mình sẽ trở về nhà và kịp đón Tết bên gia đình tròn đúng 1.000 ngày anh chu du khắp địa cầu. Trước khi chạm đến vạch đích đó, Khoa còn 3 ô trống trên tấm bản đồ chưa được tích dấu là châu Úc, châu Phi và Nam Cực. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Zing.vn, chàng trai với chất giọng miền Tây cười lớn trước câu hỏi về dự định tương lai: "Khoa chỉ lo rằng không đủ tiền để đi tới Nam Cực thôi".
Chuyến đi của Khoa sẽ khép lại khi anh hoàn thành chặng đường chinh phục châu Úc, châu Phi và có thể là Nam Cực. |
Không những vậy, Đăng Khoa cũng dự định sau khi trở về Việt Nam, để hòa nhập lại với cuộc sống nơi quê nhà, anh sẽ xách balo lên và đi một vòng quanh đất nước, ghé thăm những người bạn cũ đã lâu không gặp dọc miền Tổ quốc.
Bên ngoài là một chàng trai tuổi 32 tự do, tự tại với cái ngông "chẳng ai cản được", nhưng bên trong Trần Đặng Đăng Khoa lại là tâm hồn hướng nội, trầm tư, chẳng mấy khi trò chuyện, tâm sự cùng bố mẹ và nỗi suy tư của người con trai cả xa nhà để thực hiện khát khao bản thân.
"Mình sẽ ở nhà cùng bố mẹ, đón cái Tết Việt Nam sau khi hoàn thành chuyến đi dài. Cũng giống như nhiều năm trước, mình và gia đình sẽ đón Tết theo truyền thống, mùng 1 Tết nội, mùng 2 Tết ngoại, mùng 3 đi qua đi lại với bạn bè, chỉ đơn giản vậy. Nói tới đây mới thấy mình nhớ quê hương da diết ha. Vậy mà, mỗi ngày rong ruổi, mình còn tự nhủ bản thân mạnh mẽ lắm, đi trải nghiệm là điều thú vị hơn. Tới bây giờ, mình đi cũng nhiều rồi, mỗi khi nghĩ tới việc trở về nhà, mình chắc chắn sẽ lại gắn bó với những điều thân thuộc thôi", anh giãi bày.
Chàng phượt thủ quen mặt điểm tên trong giới xê dịch tưởng chừng muốn bay nhảy mãi nhưng có lúc lắng xuống để nghĩ tới những kế hoạch không phải là chuyến đi từ nước này qua nước khác, mà là đường đi nước bước của giai đoạn trong cuộc đời.
Khoa cũng hào hứng vẽ ra kịch bản sau khi trở về Việt Nam là chọn một công việc văn phòng 8 tiếng, yên bề gia thất với một người bạn đời "theo duyên số" mà không đặt ra quy chuẩn nào cả, nhưng nhất định phải là một cô gái Việt.
"Hiện tại, Khoa không yêu ai cả. Đôi lúc, Khoa cũng thấy cô đơn, song đó cũng lại là một may mắn bởi mình vẫn có thêm chút thời gian tự do, không vướng bận điều gì", anh cười nói.
Đằng sau một Trần Đặng Đăng Khoa gắn mình với lời nhắc nhở "Always be careful" (tạm dịch: Luôn luôn thận trọng) trong mỗi chuyến đi là một người đàn ông trưởng thành, có trách nhiệm với gia đình. Khoa nói rằng, khi còn một mình, anh có thể chu du đây đó chẳng biết ngày mai, nhưng tới thời điểm có gia đình, trách nhiệm sẽ lớn hơn, có lẽ anh sẽ không còn là tên Khoa ngông cuồng, tự tại, "nay ngủ lều, mai ngủ sân bay" được nữa và càng không thể đem theo cả nhà cùng mình lang thang khắp 5 năm châu như bây giờ.
Có lẽ vì thế mà Khoa chọn sống hết mình, dành trọn 2 năm thậm chí hơn để được sống riêng cho bản thân, để đi đủ nhiều, trải nghiệm đủ đầy rồi mới chạm tới vạch đích là gia đình.
Nam Mỹ là miền đất nên duyên với chàng trai miền Tây khi anh liên tục khẳng định rằng "hợp châu Mỹ và yêu châu Mỹ quá nên mãi không đi hết châu lục này.
Một năm trước, đối với Trần Đặng Đăng Khoa, Nam Mỹ như là nhà, khi anh dành vài tháng liền ngao du, khám phá mảnh đất phía nam lục địa này. Đầu năm 2019, điểm dừng chân của Đăng Khoa vẫn tiếp tục là Mỹ. "Nhiều khi, mình không tin được vẫn còn ở châu Mỹ. Châu lục này có quá nhiều điều khiến mình muốn nán lại, dừng chân. Năm nay, mình sẽ cố gắng đi bằng hết Bắc Mỹ", Đăng Khoa hào hứng nói về điểm đến để lại nhiều ấn tượng với mình.
"Quậy hết mình" là những gì Khoa miêu tả về chặng đường hơn 1 năm qua 3 châu lục cùng "bạn đồng hành" nhỏ bé là chiếc xe máy. Những lần bị muỗi chích đến lạnh người ở rừng Amazon, loanh quanh sống chậm ở các nước châu Âu, ngắm lá vàng rơi ở Canada diễm lệ hay hòa mình với cuộc sống của hậu duệ người Eskimo ở Greenland cận Bắc Cực xa xôi... hẳn sẽ là những ký ức trọn đời không thể quên của chàng trai Việt.
Càng đi xa, Khoa càng cảm thấy cuộc đời thêm ngắn lại, càng mong được trải nghiệm được nhanh hơn, được nhiều hơn vì sợ sau này không còn cơ hội nữa. Đi tới đâu, Khoa cũng ghi lại tỉ mỉ những câu chuyện anh cho là "lan man" và "tào lao", nhưng lại gần gũi và truyền cảm hứng tới những người yêu xê dịch.
600 ngày, 3 châu lục, 1 chiếc xe máy là khối tài sản lớn của Khoa trong quãng đường tuổi trẻ. |
Năm 2018 khép lại với chàng trai tuổi 32 là những ngày mở mắt ra không phải nghĩ tới chuyện những giờ làm việc đằng đẵng, gò bó ở văn phòng, mà là những điều bất ngờ về con người mới, miền đất mới. Đi tới đâu, Khoa cũng coi nơi đó như ngôi nhà thứ 2 của mình. Đó cũng là lý do ông chủ nhà ở Greenland "lôi" Khoa đi săn hải cẩu bằng xe chó kéo đúng kiểu người Bắc Cực, trải nghiệm không phải ai cũng may mắn được thử, hay 2 cô bé Naomi và Mila lưu luyến tặng cho tấm thiệp tự làm khi Khoa rời Canada sang Mỹ.
Trong suốt "chuyến đi không hẹn ngày về" của mình, chàng trai gốc Tiền Giang chia sẻ rằng cũng vì có sức khỏe tốt nên anh mới đi xa được tới vậy. "Có lúc mệt, mình chỉ cần ngủ một đêm thôi, mai lại sẵn sàng đi tiếp". Đó là cách Khoa đối phó với những lúc kiệt sức, đau ốm trong cuộc hành trình.
Nỗi cô đơn trong chuyến độc hành quanh thế giới phượt thủ người Tiền Giang thêm vơi đi bởi những người bạn thân thiện ở từng nơi anh đặt chân tới. |
Bước sang năm 2019, chàng trai miền Tây chân chất nghĩ đơn giản chỉ là thời điểm chuyển giao từ địa điểm này đến địa điểm khác của cuộc hành trình xuyên lục địa. Những khó khăn, thử thách trong chuyến đi tính đến hiện tại, Khoa cũng "nếm" đủ và có kinh nghiệm để vượt qua nên anh luôn trong tâm thế tự do, đón chờ và sẵn sàng chinh phục để tận hưởng trọn vẹn những ngày tháng một mình ý nghĩa nhất trong cuộc đời tuổi trẻ, "vì mình chỉ sống một lần thôi".